Tôi đứng về phe nước mắt...

Thứ Tư

Bấm vào đây (Tội ác của kẻ thù năm 1988)

NGÔN NGỮ TEEN NÊN ĐÚNG CẢNH, ĐÚNG NGƯỜI VÀ ĐÚNG...TUỔI

Thời gian gần đây, "ngôn ngữ teen" (tạm gọi như vậy) với những kiểu nói méo mó về ngữ âm và "ngọng ngiụ" về vốn từ đã lấn át không chỉ trên mạng mà lan ra cả giao tiếp ngoài đời, thậm chí cả trên báo giấy và cũng đã không ít lần vào bài kiểm tra của học sinh. Những từ ngữ kiểu "tém ảnh" (tấm hình), "chời" (trời), "sao zị" (sao vậy)...cứ nhan nhảm khắp mọi nơi mọi chốn.

Những từ "lạ tai" và mới mới kiểu đó, có những văn cảnh sẽ làm cho người đọc cảm thấy vui hơn. Ví dụ, bạn bè bình thường trò chuyện, mình muốn thể hiện những niềm vui của mình. Nhiều khi, không cần phải nói ra mình đang vui vì điều gì mà chỉ cần thấy những từ đó là biết tâm trạng người đối diện như thế nào. Hoặc một tập thể bàn với nhau về trò chơi, về chuyến đi pic nic...

Tuy nhiên, không phải lúc nào, và đặc biệt không phải tuổi nào cũng có thể áp dụng cách nói đó.

Có lần vào Blog một người bạn, tôi dõi theo một entry rất tâm trạng của anh. Anh viết về tuổi thơ anh, về mẹ với một giọng văn nghiêm túc và cảm động. Đọc đến dòng gần cuối hiện lên dòng comment của một cô gái, chợt tôi chưng hửng. Gần như cô không nhập tâm đến những điều anh chia sẻ mà vẫn lại cứ cái kiểu nói méo mó, ngọng ngiụ của "ngôn ngữ teen". Có thể hơi nặng lời khi dùng hai chữ "vô duyên" nhưng không thể không dùng.

Chiều nay, có một người nhắn tin cho tôi. Dù bận họp nhưng tôi vẫn nhắn lại: "xin lỗi, em bận họp, sẽ nhắn lại anh sau". Ngay lập tức một tràng tin nhắn thiếu nghiêm túc với "ngôn ngữ teen" đổ vào điện thoại tôi. Bực mình vì người ta không hiểu mình đang bận là một chuyện, bực thêm vì cái kiểu ăn nói "cưa sừng" chẳng giống ai kia. Tôi lấy làm lạ vì người đó hơn tôi cả chục tuổi và cũng là một trí thức...

Tối nay bố tôi gọi điện, hỏi bố có lỗi thời hay không mà không thể hiểu nổi cách em tôi dùng tiếng lóng: "50 khìn", "nói chiện"...Tôi cũng chỉ nói với bố: Bố cứ nhắc em thẳng thắn là đừng nói với người đối diện những điều không phù hợp với họ dù nó chỉ đơn thuần là vỏ ngôn ngữ.

Cũng như người hài hước, nếu hgài hước đúng lúc, đúng chỗ thì sẽ làm cho mọi thứ vui hơn. Nhưng nếu ngược lại, thì người ta sẽ nghi ngờ chính văn hoá của người hài hước!

Thứ Ba

"VẶN" LÊ THỊ THÁI HÒA

Một đồng nghiệp nhắn tin: "Con bé Thái Hòa nanh nọc thế nhưng mày cũng chẳng kém. Được đấy. Tám lạng gặp nửa ký". Thì ra cu cậu mới đọc tạp chí Nghề báo, trong đó hai nhà báo Hoàng Nguyên Vũ và Lê Thị Thái Hòa "đấu khẩu". Đây là nội dung toàn bài.
Nhà báo Lê Thị Thái Hòa: “Tôi không muốn bị nhân vật đuổi ra khỏi nhà vì câu hỏi sốc”


Lời tòa soạn:
Lê Thị Thái Hòa (Cát Khuê) được biết đến là một phóng viên văn nghệ sắc sảo của báo Thanh niên, vừa xuất bản tập sách “Cà phê với người nổi tiếng” khá ấn tượng. Hoàng Nguyên Vũ là một phóng viên chuyên viết về ký sự hậu chiến, phóng sự xã hội và hiện là phóng viên mảng nội chính của báo Phụ nữ TP.HCM. Từng “xoay” hàng trăm nhân vật, lần này, Thái Hòa bị Nguyên Vũ “xoay” khá kỹ ở cuộc trò chuyện này.


HOÀNG NGUYÊN VŨ: *Từ một người làm phim tài liệu, "đùng một cái" chị chuyển sang làm báo và ở lại hẳn Sài Gòn. Một lý do, chị sẽ nói?

LÊ THỊ THÁI HOÀ: -Một lý do? Khó nói nhỉ!

HNV: *Thì hai, ba lý do cũng được?

LTTH: -Có ngàn vạn lý do cho sự thay đổi và dịch chuyển "lớn lao" đó, bởi nó làm cuộc đời tôi rẽ ngoặt sang hướng khác hẳn đi. Nhưng tôi lại nhớ cái khung cửa sổ của tiệm cafe Brodard ngày xưa, khi tôi ngồi đó với hai người bạn, tôi nhìn thấy gió và nắng. Tháng 6, Hà Nội đang nắng như đổ lửa mà Sài Gòn là mùa mưa...Tôi muốn ở lại nơi này, không muốn trở về nữa.

HNV:*Chỉ tại một cơn mưa thôi ư? Hình như đây không phải là một Lê Thị Thái Hoà tỉnh queo, thông minh mà tôi đã gặp?

LTTH: Cảm nhận của người khác về tôi cũng là sự ngạc nhiên. Tôi nghe người ta khen mình thông minh từ khi còn rất nhỏ đến mức tôi càng lớn càng thấy mình... ngu! Lớn thì biết sợ hơn để thấy mình chẳng là quái gì, chắc vậy. Nếu bạn thấy tôi tỉnh queo, thông minh thì chắc là tôi đã diễn rất tốt!

HNV:*Có thể. Nhưng không ai diễn qua mắt được câu chữ. Đọc chị, tôi thấy ở đó những lý lẽ càng chứng minh cái tỉnh và thông minh ấy. Tôi muốn chị thuyết phục tôi hơn, về sự trả lời khác...

LTTH: Tôi đã bắt đầu việc viết báo với sự thật thà mà sau này tôi biết là hiếm có. Đến khi tôi bắt đầu biết cách "làm duyên" với câu chữ của mình, sự thật thà ấy cũng thật thà bỏ tôi mà đi. Tôi đã từng bị nhận diện vì quá cá nhân với những bài viết hay bài phỏng vấn, có lẽ bởi vì tôi yêu bản thân mình quá chăng? Nhưng mà nếu đọc lại, tôi thấy nỗi buồn hay sự yếu mềm của mình còn lớn hơn và đau hơn những gì tôi bộc lộ được ra. Nếu bạn nhận ra, có lẽ vì tôi đã thiếu kinh nghiệm!

HNV: *Tôi không nghĩ vậy. Tôi thấy chị thật thà đến nỗi hỏi nhân vật mà không cần quan tâm việc người ta có tự ái hay không. Nhưng dù họ tự ái hay không thì chị đã có những bài phỏng vấn rất dễ đọc và khá riêng biệt. Sự thật thà trong khi phỏng vấn có phải là điều chị luôn ý thức khi làm việc?

LTTH: Tôi nhường lời cho bạn Hà Kin nói về tôi : Bài phỏng vấn của chị Cát Khuê phần nhiều là về tâm sự, là sự tâm tình như hai người bạn giữa người phỏng vấn và được phỏng vấn hơn là một cuộc phỏng vấn thông thường, để nhìn nhân vật ở góc cạnh "là mình" nhất, gần gũi nhất. Vậy nên nó không phải chỉ là những câu hỏi chỉ để "thỏa mãn sự tò mò của thiên hạ" tới mức cứ...biết tỏng là gì!

HNV: *Tôi đã đọc nhiều bài phỏng vấn của chị. Tôi thấy một điều chị phỏng vấn đàn ông hay hơn phụ nữ...

LTTH: -Tôi là một người đàn bà, tôi chưa già và giới tính xác định rõ ràng!

HNV*Hay đúng hơn, chị làm cho những quý ông nổi tiếng nói về phụ nữ rất đặc biệt, nên hễ đọc bài phỏng vấn nào về quý ông tôi cũng đều chờ đợi điều đó. Có nhân vật nào nói thẳng với chị là họ không thích trả lời những câu hỏi như vậy không?

LTTH: Không! Có lẽ tôi đến gặp họ như một người phụ nữ hơn là một "bà nhà báo" nên họ dễ mở lòng với tôi hơn chăng?

HNV: *Vì tôi là đàn ông nên tôi nghĩ tôi nên tự khám phá chất phụ nữ trong chị. Nhưng bạn đọc của tôi không phải tất cả đều đàn ông, nên tôi muốn chị nói đôi nét về người phụ nữ trong mình?

LTTH: Mới gần đây thôi, chị bạn thân thiết đã làm tôi bật cười khi nói: tiếc thật, tiếc thật, em là một người phụ nữ nấu ăn ngon mà mỗi chiều hiện tại lại không có người đàn ông của mình để nấu thì cuộc đời này có phí hay không? Tôi là người được nuôi dạy theo cách cổ điển, nghĩa là trong nhà tôi đàn ông không phải làm gì, phụ nữ đã quen chiều chuộng họ. Tôi nhớ mùa đông miền Bắc, mẹ tôi mỗi sáng không bao giờ quên lấy kem đánh răng vào bàn chải cho bố tôi và nước ấm nóng để ông rửa mặt.

Người đàn ông nào tôi yêu và sống bên tôi, giữ được tôi như bố tôi đã giữ được mẹ đến cuối đời ông chắc chắn sẽ được tôi "yêu" theo cách ấy!

HNV*Có lẽ vậy nên người phụ nữ trong chị luôn muốn nổi loạn? Và cả trong những bài phỏng vấn, chị cũng thường hay hỏi những nữ nghệ sĩ có phải là người nổi loạn hay không?

LTTH: Tôi bị ám ảnh thì đúng hơn. Khi tôi muốn được sống đơn giản như là mình muốn, đôi chút gì như hơi hướng của tự do cũng lập tức bị kết tội là "làm loạn".

Sóng trong tách trà thì vẫn là sóng, cái hẹp hòi của những người đàn ông xung quanh đã làm tôi ám ảnh đến thế chăng?

HNV:*Có công bằng không khi nói về đàn ông như thế? Những người đàn ông chị phỏng vấn, tôi thấy chị ít khai thác khía cạnh mà chị vừa nói với tôi...

LTTH: Những cay đắng của cuộc đời và sự bất an thường trực của phụ nữ chẳng toàn đến từ đàn ông đó ư? Tôi đã từng đem cái "định kiến" ấy nói với Nguyễn Ngọc Tư, nói với Chu Lai hay Nguyễn Quang Lập.

HNV: *Chu Lai, Nguyễn Quang Lập đâu đại diện cho tất cả đàn ông, Nguyễn Ngọc Tư thì lại càng không rồi!

LTTH: Họ đại diện cho chính bản thân họ, và đàn ông cũng như phụ nữ đâu cần ai đại diện cho giới tính của mình ngoài chính họ đâu? Nhưng giống như Xuân Quỳnh, tôi cũng hay thầm nghĩ: "Anh thân yêu, người vĩ đại của em. Anh là mặt trời, em chỉ là hạt muối. Một chút mặn giữa đại dương vời vợi, Loài rong rêu không ai biết bao giờ..."

HNV: *Chỉ nói vậy về đàn ông đã nhé. Những nhân vật nữ của chị thường là những "gạo cội" trong nghề, kín đáo, nghiêm túc. Ấy nhưng chị đã khai thác được họ ở những tâm sự ít ai biết dù những người đó không xa lạ với công chúng. Sự đồng cảm, tìm hiểu kỹ về nhân vật đã đủ để chị làm được điều đó?

LTTH: Một phần nữa, do cái nhìn. Tôi hài lòng vì thân phận phụ nữ của mình đến mức chưa bao giờ từng ước được là đàn ông. Nhưng tôi biết cái nhìn của mình hay chủ quan. Khi tôi buồn, tôi nhìn những người phụ nữ cũng buồn rầu và bắt đầu sự chia sẻ bằng sự mặc định, là họ cũng có những nỗi buồn thầm kín chứ, chắc chắn là thế, đằng sau ngay cả gương mặt tươi cười nhất kia! Ngạc nhiên không, những người phụ nữ tôi từng gặp, họ dễ dàng hơn nếu tôi gặp họ khi tôi đang buồn!

HNV: *Mỗi bài viết của chị thường trên 3000 chữ. Ở đó không có câu hỏi sốc, mà là những câu hỏi hơi "cổ điển". Có bao giờ chị muốn sốc hơn để thoả một phần nào đòi hỏi của người đọc khi tính cách chị có thể hoàn toàn làm được điều đó?

LTTH: Tôi không hiểu tại sao lại cần câu hỏi sốc? Tôi chưa hề muốn bị nhân vật đuổi ra khỏi nhà hay thậm chí là... đánh cho một trận cho chừa! Tôi thích được nhẹ nhõm hỏi và tôi tìm được sự thú vị từ chính những câu trả lời của họ. Nếu sốc, đó là do thông tin sốc. Người đọc cũng không cần thêm phần bị ô nhiễm bởi những thông tin hay cái nhìn phiến diện của nhà báo tạo ra.

HNV: *Thẳng thắn ra là làng báo văn nghệ giờ ít có bài hay và sâu để đọc, cũng như người viết có tầm. Chị cũng như bài viết của mình, kỹ càng, khó tính và hơi ngạo ngược. Chị có thấy mình lẻ loi khi không thuộc về số đông?

LTTH: Nhìn phía nào để thấy là số đông? nếu nhìn những người giống mình thì tôi thấy mình còn loãng quá! Tôi kỹ càng, khó tính vì tôi yêu câu chữ của mình. Sự ngạo ngược nếu có cũng là bản tính trời sinh. Tôi chẳng ước được thế. Tôi cũng có khi thèm lắm mình ngu ngơ, nhịn nhục, và cam chịu đủ điều. Vì tôi thấy nếu có đủ đức tính đó có khi mình viên mãn với cuộc sống này lắm đấy! Cảm ơn bạn về chữ "lẻ loi", nó là một hình ảnh trong tấm gương không nịnh mặt mà tôi đang soi chăng, Dù thực lòng, tôi chẳng muốn thế một chút nào!

HNV: *Một người bạn tôi nói thích đọc Thanh niên tuần san là vì bài trò chuyện của chị (hình bóng này không biết có nịnh mặt hay không). Thời gian này, chị vắng bóng hẳn trên TNTS. Cuốn Cafe với người nổi tiếng là một điểm dừng của chị tại chuyên mục này trên TNTS?

LTTH: “Có những niềm riêng làm sao khó nói, nên khi xuôi tay còn chút ngậm ngùi!” Câu hỏi làm tôi chợt nhớ câu hát này. Và có phải là câu hỏi không? Khi tôi chẳng muốn trả lời!

HNV: *Nhiều người đến với nghề báo rồi lại ra đi vì không phù hợp hoặc quá chán nó. Riêng chị, đang ở trạng thái nào với nghề?

LTTH: Tôi yêu cuộc sống này và trong một phần đó có nghề nghiệp mà tôi đã chọn lựa. Làm việc là một thái độ sống tích cực nhất. Mỗi sáng thức giấc, sau một cốc cafe americano nóng ấm ở quán Gloria Jeans Coffees (Brodard xưa kia), check mail, thấy những mail công việc bao giờ cũng làm tôi nhận ra một ngày mới thật đẹp. Trạng thái này tốt, nếu nhìn từ hướng được độc lập, được làm việc và tương đối có trách nhiệm với công việc. Nhưng trạng thái này cũng là xấu, rất xấu khi nhìn mà xem, một người đàn bà là tôi đang đặt hết vui buồn của mình không phải vào một người đàn ông, một gia đình mà là công việc!

HNV: *Chân lý cũ, hạnh phúc là có một việc để làm, có một ai để yêu và một điều gì đó để hy vọng. Điều thứ hai đang là nỗi buồn của chị? Còn điều thứ ba?

LTTH: Tôi chưa bao giờ không yêu ai, thế nên nỗi buồn không phải. Hi vọng ư? Tôi luôn cầu an cho những người thân yêu của mình, điều đó quan trọng hơn cho tôi.

HNV: *Trong cuốn sách của mình, chị đề tặng ba người: người bố đã khuất, người mẹ ở xa và người viết ra cuốn sách. Giấc mơ một gia đình luôn ám ảnh chị? Một người phụ nữ cứng rắn, sắc sảo cũng là người phụ nữ cô đơn và yếu đuối nhất?

LTTH: Bạn đã rất tinh khi nhận ra điều đó. Tôi kém duyên với hạnh phúc, thứ hạnh phúc thông thường nhất mà những người phụ nữ quanh tôi không khó khăn có được. Cái chết của bố là cú sốc lớn nhất trong cuộc đời tôi, đến mức tôi tin rằng sau đó tôi sẽ không bao giờ còn có thể đau lòng hơn được nữa. Bố tôi là một sợi dây neo bền chắc níu kéo tôi sống với những chuẩn mực phụ nữ, có hình bóng của mẹ tôi. Sau đó là bóng đêm. Nhưng tôi không yếu đuối đâu, nói thế, nhiều người đàn ông lại cười cho mất!

HNV*Cười hay khóc ở một chừng mực nào đó của người đời đâu quá quan trọng! Tôi rất thích khi chị từng nói rằng "là số phận của tôi, tôi có quyền lựa chọn cách sống của mình". Điều này có nên hiểu là một sự tự vệ với cuộc đời?

LTTH: Khi tôi nói tôi muốn, có nghiã là tôi đã từng không có quyền được muốn! Đúng không? Sự tự vệ ư? Tôi từng thích một câu thoại trong kịch bản phim "Tận cùng là biển" của Phan Đăng Di "Nếu không biết tự vệ, bọn đàn ông sẽ biến thế giới này thành nhà thổ mất"!

HNV: *Lại vẫn là đàn ông. Chị quên mất tôi cũng là đàn ông chăng, đồng nghiệp?

LTTH: Có lẽ bạn đang mất bình tĩnh trước sự tự vệ của tôi chăng?

HNV: *Ồ, tôi đang mất bình tĩnh trước một người phụ nữ làm báo thì đúng hơn. Chị có quan tâm không khi người ta hay nghĩ này nghĩ nọ về phụ nữ làm báo?

LTTH: Tôi nghĩ miệng thế gian như làn sóng biển. Họ nói sao cũng được, nhưng những gì mà phụ nữ làm báo "được"cũng nhiều hơn là "mất" mà? Mà mất gì nhỉ? Mất duyên hay mất xinh?

HNV: *Tôi không thuộc số đó nên sẽ không trả lời. Trở lại với Cafe với người nổi tiếng, phải công nhận chị có kiến thức dày và vốn sống nhiều. Vậy nhưng có bao giờ chị thấy thiếu tự tin với nhân vật nào đó?

LTTH: Tôi thường xuyên thiếu tự tin với nhân vật. Và ý thức được điểm yếu đó cũng là cách tìm ra được hướng để không phải mò mẫm. Vì thế các cuộc trò chuyện của tôi không phải vì tôi sắc sảo hay thông minh hơn đồng nghiệp, mà chắc chắn là vì tôi đã dày công với background của họ trước khi bắt đầu đến gần họ hơn. Tôi thường hay bối rối nhất trước đàn ông đẹp trai! Vì thế những bài viết về họ cũng hay hơn người thường! Bạn có nhận ra không?

HNV: *Ồ, vì tôi không đánh đồng bài hay với đàn ông đẹp trai nên chắc tôi phải xem thêm. Tôi muốn hỏi ngược lại câu hỏi trên, có nhân vật nào chị yêu quý nhưng chị đã mất hết cảm tình khi chị hẹn người ta phỏng vấn? Hoặc cũng có những nhân vật phỏng vấn xong về chị chẳng buồn viết?

LTTH: Có chứ! Cafe và tán dóc nhiều chuyện rồi thậm chí đi coi phim cùng nhau nhưng khi hẹn phỏng vấn, người ta vẫn làm cho tôi ngỡ ngàng. Bởi vì họ nhạt, và rỗng. Nói chuyện lan man thì cái gì cũng lưng chừng hay, lưng chừng thú vị, nhưng khi hỏi sâu hơn thì câu chuyện khác hẳn đấy! Lỗi tại tôi, tại tôi mọi đằng, vì có thể họ vẫn là họ thôi, tại tôi cứ kỳ vọng quá chăng?

HNV: *Những nhân vật của chị đa phần là người nổi tiếng đúng nghĩa chữ tài năng. Ở một góc độ nào đó có thể thấy đó là nhân vật cùng tuyến-tích cực. Chị có muốn sẽ thực hiện một cuốn sách đơn thuần phản biện để giúp người đọc hiểu rõ về những nhân vật cả tốt lẫn xấu?

LTTH: Câu hỏi này làm tôi giật mình. Nhân vật đầu tiên của tôi là một anh chàng bán nước hoa với giấc mơ tỷ phú! Tôi tin anh ta một cách ngây thơ. Rồi sau đó tôi đã thử để thấy chính mình cũng bị lừa! Anh ta bán nước hoa rởm! Vậy mà tôi đã khen anh ta hết lời đến thế! Nên thực lòng tôi vẫn thích phỏng vấn hơn là viết bài về nhân vật. Không phải tôi lười, mà tôi muốn nhân vật chịu trách nhiệm về cái họ sẽ phát ngôn hơn tôi tự cho cái quyền "phán xét" về họ. Phản biện ư? Tôi chưa nghĩ đến điều đó!

HNV: *Thực ra câu hỏi đó không chỉ là của tôi mà của một số đồng nghiệp nữa, họ nói chị thích hợp với phỏng vấn phản biện. Tại sao không nhỉ? Vì trong làng văn nghệ, có phải cái gì cũng tốt đẹp đâu?

LTTH: Nếu thế thì chờ cuốn sách thứ 2 của tôi nhé, khi đó tôi chọn sự phản biện nhiều cho các nhân vật không phải giải trí! Tôi thấy nhiều tính phản biện trong đó hơn!

HNV *Không phải giải trí? Hay không phải của làng giải trí?

LTTH: Cả hai!

HNV: *Vậy tôi sẽ chờ. Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!