Tôi đứng về phe nước mắt...

Thứ Ba

KIM CƯƠNG: LẦN NỮA VỚI BÙI GIÁNG

anh cho tôi một bài học: dù giàu dù nghèo, dù trẻ dù già, dù điên dù tỉnh, ta cũng phải có một mối tình để sống…Thực tế, một người đàn ông yêu đơn phương mình suốt 40 năm mà không một người đàn bà nào có thể lọt vào trái tim anh ấy được, đó là một tình cảm vĩ đại.


Cuộc đời kỳ nữ tuổi 72 này hồ như vẫn còn nhiều ẩn số. Khi cuốn hồi ký “Trôi theo dòng đời” của NSND Bảy Nam, thân mẫu của NS Kim Cương được xuất bản, bạn đọc hiểu hơn một chút về Kim Cương của ngày cũ nhưng chị cho rằng, nếu chị viết hồi ký như mẹ, chắc cuốn sách sẽ rất dày về những câu chuyện cuộc đời mình…

Chị tiếp tôi trong phòng lưu niệm NS Bảy Nam tại tư gia của chị. Căn phòng gọn gàng, tủ quần áo của thân mẫu vẫn nguyên vẹn như thể NS Bảy Nam còn đang đi diễn chưa về. Còn Kim Cương lại cho tôi một cảm giác khác hẳn, ngồi nói chuyện không tạo cái cảm giác như tôi đang thấy chị trên sân khấu. Những lời nói không trơn tru, linh hoạt như trên sân khấu, câu chuyện đời chị được kể với giọng ngắt quãng, có chút bối rối. Ký ức về mẹ được chị nhắc đầu tiên, là những điều không có trong cuốn “Trôi theo dòng đời”.

Những người tôi chọn, má không bao giờ chọn…

*Chị đề tựa trong cuốn “Trôi theo dòng đời” rằng 5 năm rồi không có má. Cứ như là, 72 tuổi vẫn là con gái cưng của mẹ...

-Đúng vậy. Má với tôi hơi đặc biệt so với thông thường, mặc dù trong gia đình tôi là người chăm sóc má có thể không bằng em gái mình. Má như một người thầy, một người bạn diễn ăn ý nhất cuộc đời, một người bạn tâm tình tri kỷ. Má luôn là nơi để tôi đổ trút những tâm sự và ngược lại, lúc má còn sống. Mỗi đêm đi diễn về, diễn tốt, hai mẹ con cũng nằm nói chuyện với nhau cả đêm. Tôi diễn dở, má cũng thức để…càu nhàu. Ở bên má, tôi quên là mình bao nhiêu tuổi, lúc nào cũng như một đứa trẻ cho nên khi má đi, tôi hẫng…

*Cuộc đời của NS Bảy Nam theo những gì kể trong hồi ký, thật nhiều biến động, lắm gian truân, đầy khổ ải. Để đi trọn kiếp đam mê, gần như bà đã phải trả quá nhiều giá đắt. Nhưng với hơn 150 trang hồi ký, chị có cảm thấy bà chưa viết hết được những gì bà phải chịu, phải gánh?

-Tôi hiểu là má chỉ viết một phần trăm những sự kiện đi qua đời má. Nhiều lúc nghĩ lại, tôi tự hỏi, tại sao vì một niềm đam mê nghệ thuật mà má phải trả những cái giá quá đắt như vậy. Cứ nhắm mắt lại, tôi hình dung ra hình ảnh một người đàn bà có mang 7 tháng mà chạy theo cả đoàn tàu đang chạy để khỏi lỡ tàu. Hồi đó, thấy vậy tôi còn vỗ tay hoan hô rằng sao má giỏi vậy, giờ mới thấy mình vô tâm. Và tôi cũng hiểu tại sao hồi tôi 8 tuổi, má kiên quyết không cho tôi theo nghề hát mà “tống” tôi vào một trường nội trú hàng bao năm trời.

*Nhưng cuối cùng chị cũng như má, không cưỡng được niềm đam mê của mình và lại theo nghiệp diễn. Tuy nhiên, vẫn chưa nhiều người biết tại sao chị không theo cải lương như má mà chuyển hẳn sang kịch nói?

-Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 4 đời theo sân khấu, từ bà cố, bà nội, ba má cho tới tôi là 4 đời phụng sự cho sân khấu. Tôi nghĩ mình đã nổi tiếng trong nghiệp diễn từ lúc 6 tuổi. Cả thành phố Hà Nội ngày đó đã yêu “cậu bé” Kim Cương trên sân khấu lắm. Đùng một cái, bị “ném” vào trường nội trú, tôi ức với quyết định đó của má lắm nhưng rồi tôi cũng hiểu má không muốn con gái phải chịu nhiều truân chuyên. Đến giờ tôi có thể nói, nếu không theo nghề diễn chắc tôi cũng chẳng biết làm được gì. Từ năm 1954, 55 tôi đã nổi tiếng bên sân khấu cải lương và được ký giả Nguyễn Ang Ca của báo chí Sàigòn lúc đó, đặt cho biệt hiệu là “Kỳ Nữ”.
Nhưng đến năm 1960, tôi thấy rằng mình phù hợp với kịch nói hơn, tôi cũng nhận thấy giọng ca mình cũng không hay lắm, theo cải lương không ổn. Trong khi đó, kịch nói có thể đặt ra những vấn đề xã hội gần gũi hơn, có thể đi vào góc cạnh của xã hội, thế là tôi theo kịch nói.

*Có bao giờ chị nghĩ, nếu không có cái bóng của má, có khi nghệ sĩ Kim Cương khó có thể đạt được một sự nghiệp như thế?

-Đúng má là một cái bóng quá lớn. Nhiều người bây giờ vẫn nói, khi cha mẹ quá nổi tiếng, con theo nghề phải chịu áp lực nhưng tôi lại không bao giờ thấy vậy, cứ thế khóc cười hỉ nộ ái ố với cuộc đời qua từng vai diễn mà thành tên thành tuổi. Tôi với má song hành trên sân khấu và ngoài cuộc đời như hai cái cây tự nhiên, cùng sống, cùng phát triển và nương tựa vào nhau những lúc giông bão. Hai má con, tình yêu thương nhau và tình yêu nghệ thuật trộn lẫn khó phân biệt. Khi tôi chuyển sang kịch, má cũng chuyển hẳn sang kịch và hai má con lại tiếp tục đồng hành và có những thành công đáng kể. Má luôn theo sát những bước đường tôi đi. Khi tôi học ở Pháp, má sang đó 2 năm để chăm sóc.

*Như chị nói, má theo chị trên những bước đường. Nhưng lạ thay, trong hồi ký má không hề đả động đến một dòng nào về chuyện tình cảm của chị. Có phải, má quá tôn trọng những riêng tư của con gái?

-Điều này thì hoàn toàn…ngược lại. Có thể nói khi tôi bắt đầu biết yêu, má quản tôi khá chặt. Chặt đến nỗi, đến 35 tuổi tôi mới lấy được chồng! Khi ngoài 20 tuổi, tôi có trốn má đi chơi vài lần đến khuya. Về đến nhà, má và chiếc chổi lông chờ sẵn, đánh nát cả chổi.

Trên sân khấu và ngoài đời, hai mẹ con quá nhiều điểm chung, nhiều sở thích chung, nhưng có một điều hoàn toàn khác là gu chọn chồng cho…tôi. Má luôn muốn tôi phải luôn nhẫn nhịn, hiền thục, chịu đựng và phải yêu những người theo mẫu của má. Kim Cương thì bao giờ biết nhịn nhục. Tôi thấy tôi là người phụ nữ mà đàn ông không dễ bắt nạt đâu. Biết bao người má cho là được, tôi lại thấy không hề được. Những người yêu tôi thì má không bao giờ “chấm”. Biết bao người thương tôi nhưng không vượt qua được “bức tường” má nên cuối cùng đành phải đi cưới vợ khác cho xong

*Là do má quá khó hay do người kia mà bây giờ chị nhìn lại, chị thấy họ cũng không ổn nên má mới vậy?

-Tôi thấy là do cái duyên thôi, chứ họ hoàn toàn tốt trong mắt tôi đến giờ. Có một người theo đuổi tôi gần mười năm, cuối cùng cũng đành phải chia tay. Dĩ nhiên, má khó là một phần nhưng từ cái khó đó, có nhiều cái phát sinh mà đến giờ không biết phải nói thế nào. Hồi đó, anh ấy và tôi muốn hẹn hò nhau là phải ra chùa. Người trong đoàn mỗi lần gọi tôi, để đánh lạc hướng má đnàh phải nói dối: “Chị Cương có sư cụ cho gọi chị” nên má mới không “kiểm soát”. Không ít lần anh đến nhà chơi đành phải vào tủ áo trốn cả buổi vì má…đột nhiên xuất hiện và ngồi đó, không lên phòng nghỉ nữa.

*Có thể, một người mẹ yêu thương con quá nhiều lúc cũng không muốn san sẻ tình cảm cho người khác?

-Má cũng có vài lần “chọn rể” chứ có bắt con gái ở vậy đâu, nhưng má chọn thường không phải là gu của tôi. Ngược lại người tôi chọn, má luôn có “lý do” để ghét người ta. Một lần, má biết anh nọ thích tôi, và tôi cũng có cảm tình với anh. Khi anh đến xin má gói trà lipton có khi má không cho đâu. Nên chuyện không muốn san sẻ tình cảm, cũng có thể.

*Xin lỗi chị về một câu hỏi khá thẳng thắn. Vậy người chồng cũ của chị là do má chọn hay chị chọn?

-Tôi chọn đấy chứ. Hồi đó má không thích, má nói ảnh da đen, tắm đến 3 năm cũng chẳng trắng được. Nói chuyện cưới cực khó. Tôi đành phải nói dối: “Con lỡ có bầu với người khác, ảnh biết và ảnh vẫn đồng ý cưới con. Nếu má không cho cưới, thì con không biết phải sống thế nào”. Má hỏi lại : “Có đúng nó biết chuyện và đồng ý, hay là con dối nó?”. Tôi nói: “Anh đồng ý”. Khi con trai được 2 tuổi, má nói: “Nhìn cái mặt thằng nhỏ như cắt ra mà đặt với chồng nó, mà nó lừa tui là con người khác”. Tôi cười: “Thì thế má mới cho tụi con cưới. Nếu không thì biết đến khi nào?”

*Khi chị lấy chồng, má còn giữ thái độ “bất hợp tác” với con rể như lúc chưa cưới không?

-Khi về sống cùng rồi, má thương ảnh lắm. Khi chưa là con cái thì má vậy thôi nhưng là người cùng một nhà, má sống rất bao dung thậm chí lại luôn khuyên tôi biết nhịn nhục, chấp nhận. Khi chúng tôi chia tay, má cũng buồn lắm.

*Vì sao lại chia tay hả chị?

-Giờ nói lại là tại cả hai người. Cái tại lớn nhất của tôi là tin người quá. Đó cũng là điều bất hạnh của một nữ diễn viên, đi diễn nhiều quá cũng rất dễ mất chồng. Nhưng giọt nước làm tràn ly lại là anh ta. Có những điều mà ngày trước tôi nghĩ mình không thể tha thứ. Tôi rất giận trong một thời gian rất dài đến mức tôi không cho phép anh ta được phép đến nhà và đừng để tôi nhìn thấy anh ta. Và đến giờ cũng không thể coi nhau là bạn bè được. Mà thôi, đừng nói chuyện này nữa!

*Chị còn buồn về chuyện này?

-Buồn làm gì nữa. Cũng hơn hai mươi năm rồi còn gì. Không giận, không buồn nữa nhưng quên thì không thể quên được.

Chưa ai yêu tôi như anh Bùi Giáng!

*Người ta biết đến Kim Cương nhiều hơn nữa bởi một phần chị là giai nhân đặc biệt trong trái tim thi sĩ Bùi Giáng. Bao nhiêu năm qua không ai biết thực lòng chị ứng xử với tình cảm của thi sĩ Bùi Giáng như thế nào…

-Đối với anh Bùi Giáng, tôi có tình thương của một con người với một con người chứ tôi không hề yêu anh ấy. Lúc hạ huyệt anh, tôi có nói mấy lời từ biệt. Tôi cảm ơn anh ba điều: thứ nhất, anh để lại cho đời những tác phẩn quá hay; thứ hai anh đã yêu tôi một mối tình đơn phương mà tôi nghĩ không có một người đàn ông nào có thể yêu tôi được như vậy; thứ ba, anh cho tôi một bài học: dù giàu dù nghèo, dù trẻ dù già, dù điên dù tỉnh, ta cũng phải có một mối tình để sống…Thực tế, một người đàn ông yêu đơn phương mình suốt 40 năm mà không một người đàn bà nào có thể lọt vào trái tim anh ấy được, đó là một tình cảm vĩ đại.

*Dù sao, chị là một nghệ sĩ tên tuổi, một nhan sắc của sân khấu còn thi sĩ Bùi Giáng là một người điên. Chuyện chị yêu lại là điều không thể nhưng được biết, chị cũng rất bao dung và có những quan tâm đặc biệt với thi sĩ Bùi Giáng…

-Tôi đã từng nghĩ rằng, chỉ có anh điên mới yêu tôi suốt 40 năm chứ người tỉnh chắc họ chạy mất dép rồi! Trong đầu anh ấy chỉ có nhớ mỗi tên tôi và số điện thoại nhà tôi. Những lúc anh đi gây lộn bị đánh, rồi bị công an bắt, anh đọc vanh vách số điện thoại nhà tôi và đã không ít lần tôi phải đi bảo lãnh anh ấy về. Khi anh ấy bị tai nạn, tôi cũng là người ký vào giấy mổ. Tôi thường cho anh ấy quần áo để anh mặc. Khi anh ấy chết, có vài bộ còn chưa kịp mặc…

*Chị có từng xem tình yêu của Bùi Giáng là một “nỗi khủng khiếp” với mình không?

-Không. Mặc dù suốt 40 năm trời, người xông đất nhà tôi bao giờ cũng là anh Giáng. Tôi mà tin dị đoan chắc chết. Có lần má bảo: “Hay con đi đâu đó một vòng, qua 12 giờ thì về coi như con tự xông đất mình”. Tôi mặc. 6 giờ sáng anh đến, lì xì cho vài đồng rồi ảnh đi, cũng đâu có sao.

*Một năm chỉ “thăm” chị có một ngày đầu năm thôi ư?

-Trời! Một năm phải mấy chục bận. Cứ mỗi lần thấy tiếng chuông cửa và thấy mấy đứa con nít chạy rầm rầm quanh nhà là biết chắc, rồi, Bùi Giáng tới. Bấm chuông không mở thì kêu cửa, và rồi gạch đá liệng vào nhà tới tấp, văng đủ thứ chửi tôi đấy chứ. Nếu tôi ở nhà, tôi sẽ mở cửa cho anh vào. Anh vào, hiền khô, ngồi một lúc rồi anh đi. Có những lúc đến tôi không có nhà, anh đứng ngay giữa đường làm chim bay cò bay, kẹt xe liên hồi. Có một người biết lại nói nhỏ: “Kim Cương chờ anh ngoài đường kia”, anh hỏi: “Đâu? Đâu?” rồi anh chạy vù một mạch, đường mới không kẹt nữa. Có lần anh bị đánh, đến nhà, tôi bắt anh phải đi nhà thương anh nói phải có tôi đi cùng anh mới chịu. Cuối cùng thì tôi cũng phải ngồi lên xích lô đưa anh đến nhà thương.

*Có lúc nào thi sĩ “thăm” nhà, chị dọn cơm mời ăn không?

-Không. Ai mà ngồi ăn cùng anh được. Lúc nào anh đến nhà tôi cũng trong tình trạng tóc tai bù xù, quần áo tả tơi, lon sữa bò và vỏ chuối đeo lủng lẻng đầy người. Mấy lần cho anh ăn dưa hấu thì có. Anh ăn xong anh đi, vài tuần sau lại “quay lại”. Có lần gần một năm không thấy anh, sau đó anh đến bấm chuông và nói: “Phật tái thế bị giam cầm dưới nhà thương Biên Hòa, sao cô không đi lãnh Phật về mà để người khác lãnh?”

*Hình như, thi sĩ Bùi Giáng yêu chị khi còn tỉnh táo chứ không phải khi đã điên loạn?

-Đúng vậy. Lúc đầu có người còn làm mai cho tôi cơ mà. Họ nói, có một ông giáo sư học ở Đức về, gia đình danh giá lắm. Hồi đó tôi chưa lấy chồng, nghe cũng thấy khoái lắm, và có nhã ý mời anh qua nhà chơi. Lúc anh qua, có mời tôi đi ăn trưa. Anh kiên quyết không đi xe hơi nhà anh, cũng không đi xe hơi nhà tôi mà nằng nặc chở tôi bằng xe đạp. Tôi nghĩ, chắc anh thích cách sống bình dân mới vậy nhưng càng nói chuyện thì càng thấy anh hơi “tưng tửng”.

*Thế nên chị “rút lui”?

-Tôi tránh không gặp và anh hiểu điều đó. Một lần anh đến nhà nói với tôi: “Tôi biết cô không thích tôi vì nhiều lẽ nhưng tôi thì quý cô lắm. Tôi luôn muốn cô là một thành viên trong gia đình tôi. Tôi có một thằng cháu, đẹp trai mà rất tốt, cô hứa sẽ lấy nó nhé?”. Tôi nói: “Thì anh phải cho cậu ấy lại đây em coi thế nào, có hợp hay không và quan trọng là cả hai có thương, có duyên với nhau không nữa”. Hôm sau anh có dẫn người đó đến thật.

* “Người đó” thế nào hả chị?

-Đó là một cậu bé 8 tuổi! Tức là nhỏ hơn tôi gần 20 tuổi!

*Trong 40 năm đó, một người điên vẫn phải có những lúc tỉnh, đặc biệt là khi họ quá yêu một ai đó. Hẳn chị đã có lần gặp Bùi Giáng trong tình trạng không điên. Lúc đó, Bùi Giáng có nói vì sao anh yêu chị đến thế không?

-Có vài lần anh tỉnh táo, ăn mặc gọn gàng đến nhà tôi. Anh nói, anh gặp tôi trong một đám cưới của hai người bạn trước khi “đánh tiếng” để người khác mai mối. Lúc đó anh thấy tôi có một điều gì đó rất lạ, như có một vầng hào quang trên đầu. Nỗi ám ảnh đó theo anh gần như trọn vẹn cả cuộc đời để rồi những khi anh điên nhất, bất cứ một ai đến thăm anh đều xua đuổi vì anh nói, nơi đó chỉ có Kim Cương được quyền đến.

*Chị từng đến thăm Bùi Giáng tại nơi anh ở chứ?

-Một số lần. Đến xem anh thế nào, cho anh vài bộ đồ, ít thức ăn.

*Với đàn ông yêu mình, dù người điên hay người tỉnh, dù nên duyên hay không nên duyên, dù hạnh phúc hay dang dở chị cũng đều đã vẹn nghĩa vẹn tình? Chị có chạnh lòng khi tất cả những người đàn ông dành nhiều yêu thương cho mình như vậy nhưng chị không may mắn trong tình duyên?

-Nói chung không có gì tôi phải ân hận. Cũng cảm ơn tất cả cho tôi thấy không có gì bền bỉ, tất cả đều là vô thường cả. May mắn là con trai tôi rất thương mẹ, hiếu nghĩa. Tốt nghiệp ở Canada với bằng giỏi, nhiều nơi mời ở lại làm việc nhưng nó chỉ muốn về với mẹ. Bây giờ, mọi lo toan trong gia đình là vợ chồng nó cả. Phải cảm ơn cuộc đời về những bù đắp để thấy rằng, tôi là người may mắn trong cuộc đời này.

*Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện! Chúc chị luôn thanh thản!

Hoàng Nguyên Vũ (thực hiện)

Thứ Năm

HỌA MI: “Một thời yêu nhau”



Lần thứ sáu về thăm quê nhà kể từ ngày xa quê hương định cư ở Pháp (năm 1988), lần đầu tiên Họa Mi- nữ ca sĩ có giọng hát như luôn khát khao nỗi thấu hiểu và đồng cảm chân thành chính thức ra mắt ra mắt khán giả quê nhà trong một album nhạc trữ tình cùng với một đêm nhạc theo chị là để “tri ân và tạ lỗi với khán thính giả” có tên “Một thời yêu nhau” tại cà phê Sách Phương Nam (đường Nguyễn Oanh, Q. Gò Vấp). 21 năm, khoảng thời gian đủ làm cho thanh sắc của một nữ ca sĩ có nhiều thay đổi nhưng một điều kỳ lạ ở Họa Mi, giọng hát không khác xưa, tuy nhiên có chút gì sâu trầm hơn, chứa đựng nhiều tâm sự sau bao biến động cuộc đời. Chị đã dành cho tôi cuộc trò chuyện thân tình với bao nỗi niềm chất đựng suốt cả một quãng đời…


Album do chính Họa Mi chọn bài với 10 tình khúc quen thuộc như: Mắt lệ cho người, Bản tình cuối, Riêng một góc trời, Kiếp nào có yêu nhau, Một mình, Đường xưa…Chị nói, đó là những câu chuyện tình buồn mà đẹp, ngọt ngào những nỗi đau lặng lẽ đi qua một quãng đời như chính những gì chị đã nếm, đã trải từ khi yêu và sống đến bây giờ. Đó cũng là những xúc cảm của mỗi lần trở về của chính mình khi người xưa, cảnh cũ vẫn còn nhói đau trong tâm hồn chị. Chị hát lên những tình khúc trên là để tạ lỗi với khán giả, nhưng cũng là để nói lên những nỗi niềm ấy.


Chồng luôn hiểu và tôn trọng tôi. Nhưng có một điều anh không hiểu tôi đó chính là không hiểu vợ hát gì…


*Kể từ ngày chị xa quê hương, suốt một quãng thời gian dài khán thính giả không thấy Họa Mi xuất hiện trên sân khấu như các ca sĩ hải ngoại khác. Vì sao vậy, thưa chị?


-Kể từ khi Họa Mi xa quê hương đến nay đã 21 năm. Ở Pháp, có thời gian tôi vì cuộc sống mà đi hát cho một nhà hàng người Hoa. Phải nói thật, sau những đêm diễn, về nhà tôi muốn ôm mặt khóc. Chưa bao giờ cảm thấy mình hát mà cô đơn đến như vậy. Hàng trăm khán giả, họ chỉ nghe hát vậy thôi, họ không biết tiếng Việt, vì thế không thể đồng cảm với những lời ca như chính mình rút ruột để mà hát. Với âm nhạc, tôi hận thấy mình luôn hết mình, ít khi tôi hát mà không nhập hết cả tâm hồn, gửi hết cả nỗi lòng mình vào đó. Như em biết đó, một ca sĩ, buồn nhất là không được hát, nhưng đau nhất là hát mà không ai đồng cảm được với mình…

Chồng tôi rất hiểu, anh chia sẻ rằng: “Anh biết em là một nghệ sĩ quá yêu nghề hát và đó cũng là lý do để em không thể theo nghề ở nơi này”. Một ca sĩ yêu nghề và coi đam mê như một lẽ sống, không ai nghĩ rằng một ngày mình sẽ ngưng hát, dù là tạm ngừng. Ở Pháp, cộng đồng người Việt không đông nên hát cho cộng đồng không thể thường xuyên và cũng không mấy ai có thời gian để thường xuyên nghe mình hát.


*Chị vẫn còn bao lựa chọn khác: sang Mỹ hát cho kiều bào, tham gia các show diễn cho cộng đồng người Việt ở Châu Âu…

-Đấy cũng là vấn đề quan trọng nhất. Ở Pháp, lúc đó tôi có chồng và 4 đứa con. Tôi không thể bỏ gia đình hàng tháng trời để đi diễn để bỏ các con bơ vơ ở xứ người được.


*Cũng đồng nghĩa với việc, nếu chọn giữa đam mê của mình và gia đình, chị sẽ chọn vế thứ hai?


-Điều đó là đương nhiên. Tôi không muốn sau những lần lưu diễn về mà không biết chuyện gì đã xảy ra với các con và gia đình sau một chuỗi ngày dài. Tôi cũng không thể lên sân khấu nếu như cả tuần liền không được gần gũi và trò chuyện với các con hay nấu cho con những món ăn quen thuộc. Tôi không bao giờ có khái niệm đánh đổi trong nghề nghiệp, chứ chưa nói đến đánh đổi điều thiêng liêng nhất của tôi là gia đình.


* Nhưng chồng chị, một người sống ở Pháp từ nhỏ và những đứa con đã quá quen với cách sống, cách nghĩ của người Châu Âu, dễ dàng hiểu và tôn trọng, thậm chí động viên chị hát chứ?


-Chồng và các con luôn động viên. Tuy nhiên, không giống như một số người là cuộc sống và nền văn minh nước Pháp không thể làm thay đổi bản chất người phụ nữ Việt Nam trong con người tôi. Là một ca sĩ yêu nghề nhưng cách sống của tôi không hề nghệ sĩ bao giờ, sự phiêu lưu trong nghệ thuật để tìm những điều thăng hoa không thể bằng sự dừng lại yên bình với cuộc sống giản dị với chồng và những đứa con. Với các con, tôi luôn là bạn. Với chồng, tôi không chỉ là một người vợ mà là một cộng sự trong cuộc đời anh, thấu hiểu và tôn trọng. Tôi thích được đi chợ, nấu cơm, lo cho chồng cho con như bất cứ một người vợ, một người mẹ Việt Nam thuần túy dù tôi có ở đâu và dù bất cứ thời gian nào.


*Chị có thể nói rõ hơn những “tôn trọng và thấu hiểu” của “người cộng sự” trong cuộc đời chị hiện nay?


-Chúng tôi đến với nhau và thành vợ thành chồng từ năm 1995, đều là những mảnh vỡ ghép lại-tôi và anh đều đã trải qua một cuộc hôn nhân, và tôi cũng đã có ba người con riêng với người chồng trước. Anh là một kỹ sư, người gốc Sa Đéc nhưng sống ở Pháp từ nhỏ nên không rành tiếng Việt lắm. Cuộc sống của chúng tôi có thể gọi là hạnh phúc, khi anh luôn là một người đàn ông biết lo cho vợ, con và cuộc sống gia đình, tôn trọng những chuyện riêng tư của vợ. Tôi cũng vậy, luôn hiểu và tôn trọng những gì thuộc về quá khứ của anh.


*Đó là hạnh phúc, là thấu hiểu” như chị nói và cũng là điều không phải ai cũng có được. Vậy, hẳn cũng có những điều không “thấu hiểu” lắm khi anh và chị cũng có những khác nhau từ xuất phát điểm của không gian sống?


-Em nói đúng. Đó là điều buồn của tôi. Có một điều mà anh không bao giờ hiểu được tôi chính là không hiểu tôi…hát gì như bao nhiêu khán giả ở nhà hàng người Hoa mà tôi đã hát cho họ nghe ở đó.



Với chồng cũ, tôi đã sống hết mình


*Là một người phụ nữ “truyền thống” đúng nghĩa và chị cũng đã hết lòng lo toan cho người chồng cũ-nhạc sĩ Lê Tấn Quốc từ khi còn ở Việt Nam sau đó bảo lãnh anh và các con sang Pháp. Nhưng có một điều nhiều người chưa hiểu là tại sao anh Quốc lại rời Pháp về Việt Nam và từ đó trở thành “người xưa” của chị…


-Đó là một câu chuyện dài em ạ. Tuy nhiên, anh Quốc không hoàn toàn là “người xưa” đâu, chúng tôi vẫn là những người bạn tốt. Cho đến giờ anh vẫn luôn hiểu, tôn trọng và thương tôi và tôi cũng vậy. Yêu nhau là duyên, lấy nhau là nợ. Không lấy nhau nữa là không còn nợ nhưng không có nghĩa đã hết duyên.


*Như là lời trong một bài hát chị đã hát “Bao nhiêu năm gặp lại, dòng đời vẫn chia đôi. Bao nhiêu năm gặp lại, tình còn trang giấy mới…”?


-Dòng đời thì đã chia đôi từ lâu nhưng “tình còn trang giấy mới” thì không phải. Cái ở lại giứa chúng tôi là cái nghĩa. Có nhiều điều tôi muốn nói với anh qua những ca khúc mà tôi sẽ hát, đó là một quá khứ đẹp mà cả tôi và anh đã, đang và sẽ trân trọng và gìn giữ như thể giữ lại một thời yêu thương nhau. Những cái gì đẹp đã đi qua cuộc đời mình thì nên giữ nó lại em ạ, giữ lại để sống và hành xử với nhau được tốt và đẹp hơn. Cuộc sống vốn đã có biết bao nhiêu điều nặng nề, phức tạp, nếu mình không đơn giản nó đi và nghĩ tốt về nhau thì mệt mỏi lắm.


*Phải là một người đàn ông như thế nào thì mới ở lại trong chị tốt và đẹp như vậy chứ?


-Tôi đến với anh từ năm tôi 20 tuổi, khi đó tôi là ca sĩ còn anh là một nhạc công thổi Sacxophone ở đoàn Kim Cương. Có thể nói tôi đối với anh, tình thương nặng hơn tình yêu. Ban đầu đến với nhau là tình thương và tình yêu dần nảy nở trong quá trình sống với nhau.

Anh tốt, hiền và hiếu thảo, điều đó làm tôi rất cảm động. Là con út trong một gia đình đông con, 15 tuổi anh đã phải kiếm tiền lo thêm cho cha mẹ. Còn tôi, 11 tuổi mất cha, 18 tuổi mất mẹ, muốn có cha mẹ để phụng dưỡng cũng không còn nữa nên thấy hình ảnh anh Quốc hiếu nghĩa, tôi rất ngưỡng mộ. Chúng tôi quen nhau 6 tháng thì làm đám cưới.

Khi chưa cưới, tôi biết anh bị bệnh về mắt-gọi là hẹp thị trường. Nếu là một người bình thường nhìn được 360 độ thì anh chỉ nhìn được 30 độ. Gần như các tế bào trong đáy mắt anh dần bị hủy diệt, không một nơi nào có thể chữa được. Một người bị bệnh tật thường rất dễ mặc cảm và khó tính, tôi biết điều đó nên tôi luôn nhường nhịn anh những lúc anh nói những điều có thể làm mình khó chịu. Lấy chồng rồi, tôi thêm một trách nhiệm nhưng không bao giờ tôi coi đó là gánh nặng và dù có vất vả, thì đó cũng là bổn phận chứ không phải là sự chịu đựng. Người ta chỉ coi nhau là gánh nặng và chịu đựng khi họ đã thù nhau. Còn tôi lấy chồng, yêu thương chồng thì dù vất vả thế nào, tôi cũng lấy làm hạnh phúc. Đó cũng chính là điều để đến giờ anh luôn tôn trọng tôi và tôi cũng luôn thương anh. Lúc đó, tôi luôn hy vọng mắt anh sẽ khỏi nên hết thuốc nam đến bấm huyệt, những gì có thể tìm để hy vọng chồng mình sáng mắt là tôi đều tìm, nhưng đều không kết quả.


*Và anh Quốc có bất ngờ không khi biết chị quyết định ở lại Pa-ri sau chuyến lưu diễn năm 1988?


-Tôi nghĩ là anh rất bất ngờ nhưng tôi biết là anh hiểu tôi và anh hiểu dù có đi đâu thì tôi vẫn là tôi thôi, chỉ khác nhau về nơi ở chứ không thể khác về con người và tình người. Tôi hiểu những đớn đau anh phải chịu khi anh sang Liên Xô chữa mắt. Lúc đó, lãnh đạo Thành phố rất hiểu và tạo điều kiện để anh được đi chữa trị. 15 ngày chữa ở Liên Xô, theo anh đó là những ngày trời đày. Anh phải mở mắt để người ta chích thuốc vào tròng mỗi ngày nhưng cũng không có kết quả. Khi quyết định ở lại Pháp, tôi cũng chỉ hy vọng ngày đón anh sang, anh sẽ tìm lại được ánh sáng như một người bình thường. Sang Pháp 2 năm, tôi đi hát cho nhà hàng của người Hoa và cộng tác với trung tâm Thúy Nga để có tiền gửi về lo cho các con đều đặn. Khi có tiền, tôi đón anh và các con sang.


*Những ngày ở Pháp, nuôi 3 con với…một chồng, chị đã xoay xở như thế nào?


-Vẫn như ngày ở Việt Nam thôi, vất vả thế nào tôi cũng chịu được. Tôi đưa anh đến một Viện mắt ở Pháp, câu trả lời vẫn là cả thế giới bó tay với căn bệnh của anh. Họ có nói với anh: “Ở đây, anh sẽ là một người tàn tật, anh sẽ được hưởng chế độ của một người tàn tật. Chúng tôi sẽ cho anh một con chó và một cái gậy, anh cứ yên tâm vui sống”. Nghe vậy anh không thể chịu được. Anh sốc vô cùng. Có thể, ở Pháp những người tàn tật nghe điều đó họ thấy hết sức bình thường nhưng người Việt mình không thể nghe quen. Còn tôi, càng sốc hơn khi bác sĩ nói rằng, bệnh này có thể di truyền và hàng năm phải đưa các con đi khám cho đến khi các cháu 18 tuổi mới thôi. Khi đó, đứa con nhỏ nhất của tôi mới 6 tuổi, có nghĩa là 12 năm tôi phải sống trong hoang mang về sự đe dọa bệnh tật đối với con mình. Đến khi cháu thứ ba tròn 18, tôi mới thực sự thở phào vì ơn trời Phật, cả ba đứa đều không mắc bệnh như anh Quốc.


*Và việc trở về Việt Nam là quyết định của anh Quốc?


-Khi biết mắt mình thực sự vô phương cứu chữa, anh nói anh chỉ ở lại 4 tháng. Những ngày đó anh không thể ra đường vì tôi phải đi làm, các con thì đi học. Anh luôn bị dày vò về việc ở lại Pháp, anh như một người vô dụng và thành gánh nặng cho tôi. Một hôm anh nói: “Anh về Việt Nam, có gia đình, bạn bè. Họ sẽ đến chở anh đi cà phê mỗi sáng và anh có thể đi làm. Ở đây, anh như một cục nợ của em, và anh không thể hòa nhập được với cuộc sống bên này”. Nghe tôi cũng chỉ biết khóc.

Nhưng trong thâm tâm tôi nghĩ, đó là sự lựa chọn đúng của anh vì tôi hiểu, có nhiều người Việt Nam được con cái bảo lãnh sang, cô đơn không chịu được vì con cái suốt này đi làm nên họ đã tự tử. Tôi sợ một ngày anh cũng vậy nên tôn trọng quyết định của anh. Anh về, còn tôi ở lại lo cho các con. Và khi về, anh đi làm ngay, vui sống với bạn bè. Điều đó làm tôi cảm thấy yên tâm rất nhiều. Chúng tôi vẫn thư từ qua lại kể từ ngày anh về Việt Nam.


*Việc chị đi bước nữa, anh có sốc lắm không?


-Câu hỏi này nên để anh Quốc trả lời nhưng tôi chỉ có thể nói được: tôi đi bước nữa sau anh Quốc. Anh về được một thời gian thì anh lập gia đình. Vợ anh quen với tôi từ trước và bây giờ, chúng tôi rất quý và thương nhau. Đây là những mối quan hệ bạn bè tốt đẹp chúng tôi giữ lại sau những đổ vỡ không ai muốn trong cuộc đời. Đến hôm nay tôi có thể nói, tôi sống với anh thế là vẹn nghĩa, không có gì để phải ân hận. Những gì hạnh phúc của một thời, chúng tôi sẽ giữ lại như một kỷ niệm đẹp để nhắc mình sống tốt hơn.


Giờ là lúc sống và hát cho mình


* Sau những buồn vui và lo toan, đến bây giờ chị có thể nói rằng đã đến lúc mình cất tiếng hát trở lại sau bao năm vắng bóng?


-Bôn ba rồi mới hiểu một ca sĩ Việt Nam không đâu hạnh phúc bằng hát cho khán giả quê nhà em à. Em biết không, hát ở Pháp hay ở Mỹ, cho 1000 người nghe chỉ cần 3 người yêu thích mình hát và hiểu những gì mình hát là tôi hạnh phúc lắm rồi. Còn ở Việt Nam, khán giả mình, yêu mình, đồng cảm với mình, thì còn hạnh phúc nào bằng? Tiếng hát sẽ luôn cô đơn nếu thiếu người thấu hiểu và chia sẻ.


Bây giờ, con trai lớn của tôi đã 33 tuổi, làm một kỹ sư máy tính, đã lập gia đình và ở riêng. Đứa thứ hai cũng đã có bạn gái. Con gái thứ ba đã đi làm và đứa út cũng đang học. Các con đều ngoan và thương mẹ, thế cũng cảm ơn ông trời đã ưu ái cho cuộc sống của tôi. Bây giờ, tôi có thể yên tâm đi hát, cầu xin trời cho mình giọng hát còn được lâu hơn để hát phục vụ khán thính giả.


*Nghe nói ở Pháp chị mở cửa hàng kem, bánh. Công việc bận bịu có dễ cho chị cất tiếng hát như chị mong muốn không?


-Đúng là bận thật vì tôi phải cùng ông xã lo lắng việc kinh doanh. Nhưng cửa hàng của tôi chủ yếu bán sỉ, giờ ông xã trông coi nên tôi cũng có điều kiện thời gian hơn để tham gia các show diễn nếu có lời mời.


*Nhiều người nhận xét rằng Họa Mi có giọng hát đẹp, sáng, sang trọng, sâu và bền. Nhưng luôn ẩn chứa bên trong là một nỗi buồn như chưa được giải thoát. Chị ơi, có phải vậy không?


-Vế đầu thì tôi không có ý kiến vì đó là nhận xét của khán giả, như một món quà cho nghệ sĩ. Nhưng vế sau, tôi nghĩ biết thế nào được. Khi hát, tôi đã tự giải thoát cho mình rồi. Những buồn khổ thì nên quên đi, nên giữ lại cái hạnh phúc dù nó thuộc về quá vãng để cho những gì tưởng như mất đi trong bài hát nó không thực sự mất mà nó luôn đẹp. Buồn cũng phải đẹp.


*Câu hỏi cuối, chị có một cuộc đời có nhiều biến động nhưng không hề có xì căng đan. Chị có cảm thấy hạnh phúc và điều đó?


-Lại một lần nữa cảm ơn trời và những khán tính giả đã yêu mến. Tôi thì nghĩ, mấu chốt ở tấm chân tình. Có sao, cứ sống vậy, yêu ghét đều phải chân thành để cho nhẹ nhàng trong cuộc sống. Tôi sống đơn giản, hết lòng, thành thật, không màu mè và không bao giờ ích kỷ. Tôi nghĩ, nếu em, hay bất kỳ ai khác sống vậy, trời sẽ không phụ đâu.


*Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện. Chúc chị luôn hạnh phúc!


Hoàng Nguyên Vũ (thực hiện)


Ca sĩ Họa Mi tên thật là Trương Thị Mỹ. Sinh năm 1955 tại Sài Gòn. Tốt nghiệp Khoa Thanh nhạc, Học viện âm nhạc Quốc gia năm 1974, nổi danh từ trước năm 1975 tại Sài Gòn với những ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Năm 1988, chị định cư tại Pháp cho đến nay.

Thứ Ba

VIẾT CHO MỘT NGÀY THƯỜNG

Ta vay tiền kiếp nào những đày ải này-những sự nhàm chán mặt người...
những nỗi buồn vô nghĩa
những niềm vui trêu ngươi...

Bỏ ra hàng giờ đồng hồ chỉ để ném mình vào những ồn ào cuộc nhậu, nói lảm nhảm về những người vắng mặt, đàm tiếu tục tĩu về đàn bà con gái, kể thành tích về bấy nhiêu ngày trải đời
Những gã trai tơ tập lớn ở cái tuổi ngoài ba mươi
Cố gắng làm sang, chịu khó lịch sự
Nhưng mặt tỉnh bơ khi trên ti-vi, miền Trung tin lũ lụt chết người...

Thành phố chật chội lô cốt. Bụi bặm bủa vây trên những gượng gạo tiếng cười
(Vì có văng tục chửi thề cũng chỉ là Chí Phèo thời hiện đại)
Bá Kiến ung dung xe hơi đi lại
Lề đã rách mà giấy vẫn vẽ vời...

Các chốn ăn chơi những em teen áo hồng, váy ngắn, đua đòi khoe những điện thoại máy tính đắt tiền. Còn những "quý bà" gắng gượng trả lời những câu hỏi về thành đạt như thể là... nói chơi
Bồ bịch, ngoại tình vẫn cứ dạn dày nói về hạnh phúc
"Công nghiệp ngoại" về làng, nông dân đổ xô bán đất
Thôn nữ, trai làng "hiện đại hóa" ăn chơi...

Rừng Vàng ở đâu, mẹ Âu Cơ cùng các con giờ "tạm trú" đâu rồi?
Những con Rồng họ Lạc sẽ ra sao khi biển Đông bị vẽ trong bản đồ Trung Quốc?
Lông ngỗng đó, những nẻo đường trắng muốt
"Đất nước đau buồn chưa hết Mỵ Châu ơi"*

Bốn ngàn năm bao vật đổi sao dời
Mắt hậu thế cũng là mắt bão...

(*) Ý thơ Hoàng Nhuận Cầm

Hoàng Nguyên Vũ

Thứ Hai

Em, con gái Hàng Đào…

Cuối cùng tôi cũng bấm điện thoại gọi cho em. 11 giờ 30, cú điện thoại này có thể làm chồng em nhảy dựng lên nhưng tôi vẫn gọi. Giọng Hà Nội nhè nhẹ: “Anh ra Hà Nội à? Tám năm, mới nhớ đến em phải không? Ở khách sạn nào vậy?” Tôi chưa hết ngạc nhiên sao em lại có được số máy của tôi, em tiếp tục: “Làng báo nhỏ thế, mà anh cũng lắm người quan tâm, em đâu ngoại lệ. Bây giờ lang thang phố cổ nhé? Ăn phở khuya, uống trà nóng, được chứ?”
Tôi thấy ngại. Đã cảm phiền em vào lúc đêm khuya, lại còn bắt tội em dẫn đi bù khú vào cái giờ này. Em vốn là con nhà gia giáo Hà Thành gốc, lại là gái đã có chồng, ai nỡ đồng ý dù em có đề nghị chứ. “Anh vẫn thế nhỉ? Bọn em chia tay rồi. Giờ em solo. Cũng có vài chuyện muốn nói với anh, đi nhé, OK? À, mà anh cứ mặc quần cộc, không cần phải đóng nguyên đai nguyên kiện như cậu thư sinh trong trường Đại học năm xưa đâu nhé”.
Em bước ra khỏi taxi. Váy trắng, tóc thả, em vẫn trẻ như cô sinh viên năm nào. Bao năm xa Hà Nội, tôi vẫn giữ cái hình ảnh em với đôi môi mọng đỏ cong gợi cảm, đôi mắt đen mở to, chiếc mũi thẳng và làn da trắng như tuyết. Tôi bạo miệng: “Là theo ý em đấy nhé. Anh ăn mặc nghiêm túc sẽ không biết chửi bậy. Còn mặc thế này gặp mấy hàng bún chửi cháo quát mà chửi anh, anh chửi lại là em mất mặt đấy”. Em bảo: “Ôi dào, em còn lạ gì anh. Cũng phải có những móng tay nhọn như anh thì mấy cái vỏ quýt dày kia mới được bóc ra, để Hà Nội lịch sự hơn chút ít chứ”
Em là con gái Hàng Đào, xứ sở giai nhân nổi tiếng của đất kinh kỳ. Cái con phố nhỏ mềm mại với những tơ lụa (giờ có thêm đồng hồ) hàng trăm năm qua đã lưu giữ những nhan sắc cho Hà Thành. Bà ngoại em nhan sắc một chín một mười với bà Kim Châu-vợ nhạc sĩ Hoàng Giác, mẹ nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, là hoa khôi Hà Nội thời tạm chiếm. Mẹ và các dì của em đều là những người khiến bao chàng trai đội mưa phùn hàng đêm chỉ để được ngắm dáng giai nhân qua cửa sổ. Chị gái em từng là một Á hậu trong cuộc thi Hoa hậu Toàn quốc. Nhưng đến lượt em, mỗi người khuyên đi thi thì em chối đây đẩy: “Nếu mà đẹp rồi việc gì phải đi thi nữa. Em tối kỵ nhất là phụ nữ đi so sắc đẹp với nhau. Mỗi người có một nét đẹp riêng, đấy chưa nói là đẹp với người này nhưng không hẳn là đẹp với người kia. Hoa hậu thì nên trong lòng những người thân, là đủ”
Chỉ ở góc độ mỹ nhân, cái con phố cổ kính kia cũng lắm biến chuyển. Nhan sắc thì còn đó, vẫn nhất nhất là mặt hoa da phấn, nhưng sự lựa chọn để thành những cuộc đời, những số phận, thì nhiều. Ngay cả trong nhà em thôi, mẹ em giữ cái nết na gái Hà Thành cũ, buôn bán và nội trợ, một đời tận tụy với chồng con. Bố em bay bướm thế, quyến rũ bao cô gái, mẹ em vẫn một mực chịu đựng vì nghĩ rằng cho bố yêu để bố có cảm hứng sáng tác nhạc. Cuối đời, ông bị tai biến, mẹ lại dịu dàng chăm sóc từng tách trà, thìa cháo cho bố.
Em vẫn nói, mẹ em là một điển hình của người phụ nữ Hà Nội cổ. Nhưng khi đứa bạn cùng lớp vác máy quay đến muốn làm một chương trình về bà cùng bà Nguyễn Thị Xuyên, vợ của cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thì bà chối đây đẩy với lý do khá đơn giản: “Cảm ơn cháu đã quý mến và có ý. Cô chú già rồi, lên hình xấu lắm”. Nghĩ có thể làm bà đổi ý nhưng lại uổng công cho ông bạn cùng lớp tôi. Cuối cùng chương trình của nó bị phá sản vì mỗi người đưa ra một lý do nhưng lý do cơ bản, những người phụ nữ Hà Thành gốc thường ít nói về những chuyện riêng tư của mình.
Chị gái em, thi hoa hậu xong thì thành một model nổi tiếng xứ Bắc sau đó chọn Nam Tiến để lập nghiệp và giờ lấy chồng nước ngoài, sống sung túc ở trời Tây. “Chị cũng cô đơn lắm. Tháng nào cũng gọi điện về nói em gửi lụa sang để chị may váy đầm”-em nói. Tuổi trẻ quấn bao áo quần đủ mốt, mặt lạnh như kem Tràng Tiền là vậy, khi yên bề gia thất rồi, chị gái em lại thèm soi gương nhìn hình ảnh mình trong bộ váy lụa kinh kỳ.
Em nói, chị gái em thích nhìn cái cổ người phụ nữ đã có chồng sau tấm áo lụa. Trắng, đẹp và quyến rũ một cách kỳ lạ. Cái cổ hây hây xuân thì muộn mằn đằng sau mái tóc búi cao, đủ đánh gục bao gã si tình, đủ làm những gã đàn ông tâm hồn gỗ đá cũng phải mềm nhũn như con chi chi giờ cũng dần mất đi trong cái thành phố của cái đẹp này. Những phụ nữ thời nay cứ sợ già, vội vàng đưa mái tóc mình ra hành hạ các kiểu: sấy xù, ép thẳng, cắt tém, tóm lại là làm đủ thứ để thể hiện lòng ghen tị với những nhan sắc sen hàm tiếu thiếu nữ đang nhu nhú lên khỏi nền mướt xanh tuổi thanh xuân. Chưa đã thì bơm ngực, căng mọng và tràn trề; bơm môi cho hai làn môi cứ ngày một dần xa nhau vô thời hạn. Rồi rũ bỏ nết na, gia phong nề nếp đến các vũ trường, nhìn giai trẻ sôn sốt như bổ cau…
Em gái em thì khác. Mới học lớp 11 đã bắt mẹ sắm Dylan mới chịu ngồi yên. Học dương cầm thì chối nguây nguẩy nói: “Con có sở thích của con chứ. Nhảy hip-hop ai hơi đâu ngồi chơi đàn này”. Tóc thì nay một màu, mai một màu. Áo hồng cánh sen, áo xanh cổ vịt, quần trắng suốt chả cần sự hiện diện của…nội y. Em muốn làm tấm gương cho em gái soi thì em gái cho rằng đó là gương cổ, “không phản chiếu trung thực thời đại”; dùng lời ngọt ngào để khuyên ngăn thì cô bé cứ lồng lên nói phụ nữ thời nay cần cá tính, hiền thục về quê mà ở; dùng lời nặng nề thì cô bé đòi bỏ đi khỏi nhà…
Mà cũng không ít phen cả nhà lao đao vì cô bé bỏ đi thật. Gọi điện thoại thấy xung quanh âm nhạc ầm ầm như cô bé còn ở trong một cái địa ngục. Những tiếng hây-ha và gõ leng keng của chai bia chát chúa trong điện thoại. Có lần em đã không nhịn được và tặng cô bé mấy bạt tai khi nhìn thấy cảnh cô bé nằm vạ vật cùng một bạn gái học cùng lớp bên cạnh hai cậu choai choai trong một quán nhậu dành cho tuổi teen. Cô bé ủ rũ về nhà, giả vờ ngồi chăm lo học tập được vài hôm, thấy vài cậu trai ngấp ngó bên kia đường lại vội vàng thay đổi màu tóc thót ra đường…
Một hôm tình cờ lạc vào thế giới Blog em mới hay em gái em là một hot girl, ăn chơi sành điệu đâu có kém gì ai trên đời, văng tục chửi bậy cũng chẳng mấy ai chịu nổi. Cô bé có vẻ hả hê khi dư luận cả nước tức lộn ruột lên việc mấy đứa bạn cùng trang cùng lứa vẽ bậy lên hầm Kim Liên khi ngày đầu hầm thông xe. Khi đọc dòng phê phán trên báo về trai thanh gái lịch Hà Thành không còn thanh lịch, cô bé giật câu blast: “Thanh lịch, haizz, ngồi đến chết già đúng hem?”
Em thuộc dạng lưng chừng giữa mới và cũ như em tự nhận. Cũ ở chỗ vẫn “cổ lỗ” như mẹ, vẫn yêu cái cổ kiêu ba ngấn Hà Thành sau tấm áo lụa của chị. Nhưng mới ở chỗ dám…bỏ chồng. Chồng em cũng con nhà gia giáo ở phố Hàng Bông, là một học sinh ngoan được rèn giũa theo nề nếp gia phong, hơn em hai tuổi. Anh ta là một kỹ sư công nghệ thông tin, tiếp xúc nhiều với môi trường văn minh hiện đại nhưng trong gia đình lại rất phong kiến. Mọi ý kiến anh đưa ra phải là tuyệt đối. Về nhà ông chú ăn cơm, em sẽ ghi được điểm trong mắt anh ta nếu em đi nấu ăn cho bà thím đồng thời phải rửa sạch sẽ đống bát đũa mà cả tông ti họ hàng vừa mới chè chén hả hê xong. Mỗi sáng thưc dậy, bình nước nóng trong nhà tắm phải đủ nóng để anh…đánh răng; thức ăn đã được bày ra sẵn và quần áo, cà vạt đã phải phẳng phiu treo trong tủ.
Những chuyện đó dĩ nhiên em chịu đựng được vì ngay cả cuộc đời mẹ em cũng vùi mình vào những việc đó lo cho chồng cho con. Nhưng thời gian kéo theo nhiều thay đổi khác. Người đàn ông em lấy làm chồng đã xem cặp bồ như là mốt, uống bia lúc nào cũng phải vài em xinh tươi lau miệng. Đêm về, điện thoại rung bần bật bởi những tin nhắn hẹn ghé nhà hàng và đi câu cá vào cuối tuần cùng một cô gái xa lắc xa lơ nào đó. Em nhìn thẳng vào mắt anh ta: “Anh coi tôi còn không bằng mấy con vớ vẩn. Thôi, tôi đã quyết!”
Em mang mấy chiếc va li áo quần về ôm lấy mẹ mà khóc. Nhưng chẳng có nước mắt nào nhẹ bằng tự mình đứng dậy sau những đổ vỡ. Em lao vào công việc, tìm thấy những tình yêu với cuộc sống trong các bài viết của mình. Tôi cũng thật bất ngờ mỗi lần search tên em trên Google, đọc những bài em viết về trẻ nhiễm HIV, về những thân phận phụ nữ bị lừa bán, về những lớp học vùng cao. Mỗi bài viết, em đều đi đến tận nơi, tiếp xúc tường tận, về thể hiện với một văn phong ấm cúng. Em nói, tư liệu em khai thác được bao giờ cũng dư thừa, chẳng bao giờ phải bịa hay phóng bút ngoa ngôn như mấy tay viết phóng sự nổ tung trời ở đất Bắc.
“Anh chẳng chịu già đi. Còn em thì sắp đến cái tuổi búi tóc, mặc váy lụa và soi mình trong gương rồi nhỉ?”-em đùa. “Nếu anh cứ như bây giờ, đừng thư sinh một cách thái quá như ngày xưa, biết đâu ta đã thuộc về nhau? Em cũng không phải gặp bao lênh đênh còn anh cũng chẳng phải bỏ Hà Nội mà đi, anh nhỉ. Nhưng là số phận rồi”
Tôi nắm chặt bàn tay em. Đêm mùa hạ, Hà Nội oi bức. Tôi muốn nói rằng xa Hà Nội nhưng tôi vẫn không quên được hình bóng ấy. Tôi cũng muốn nói cậu sinh viên tỉnh lẻ năm xưa không dám mơ con gái Hà Thành. Vậy bây giờ thì sao nhỉ? Tôi nói gì bây giờ nhỉ?
Đêm chợt trắng như da em. Em, con gái Hàng Đào…

Thứ Bảy

CÒN DUYÊN...

Cuối tuần. Loanh quanh vài nhà sách, tôi cũng kiếm được mấy CDs Quan họ (Những CDs này từng có hồi ở Hà Nội nhưng đã không mang vào SG dù có người gợi ý mang đi khi rời xa miền Bắc). Sau hai năm quen dần với giọng nói, không gian miền Nam, và cùng những ngày vùi đầu với ngoại ngữ, đĩa Quan họ tự dưng làm tôi giật mình. Nghe một lần. Nghe nhiều lần. Nghe trước khi đi ngủ. Nghe giữa giờ trưa. Vẫn thế thôi, lời hát đã quen, giai điệu đã thuộc, mà sao như thể lâu lắm rồi mình ngủ, nay được đánh thức...

Một không gian miền Bắc trải dài trước mặt. Tường gạch đỏ chỗ lồi chỗ lõm trơ ra. Mái ngói nâu không đồng đều nghiêng nghiêng dốc thời gian. Và những cánh áo nâu cũ kỹ của những cụ bà áo nâu, khăn mỏ quạ. Tôi biết, những hình ảnh này đang mất đi. Những cánh áo sẽ theo các cụ về đất hết trong tương lai gần. Những tường gạch, mái ngói nâu sẽ thay bằng đủ thứ tường, ngói khác theo kiểu kiến trúc mà chắc hẳn sẽ không ai biết đó là kiểu gì...Tôi thấy nhói trong tim mình một cơn như tay ai đó bóp nhẹ mà buốt. Hình như ai đó đang lấy đi của mình một cái gì đó mà mình không đủ sức níu giữ...

Dù chỉ là "đất ở" thôi, nhưng không gian đó từ bao giờ đã thuộc về mình đúng nghĩa từ "sở hữu". Cái không gian mà người bạn tri âm hiểu được mình rất cần từ ánh mắt, nên mỗi chuyến đi dã ngoại cậu thường rủ mình tới đó. Quan họ ra đời từ đó và sống ở đó. Đình chùa miếu mạo quần tụ lại cũng từ nó. Làn khói hương cũng tạo cảm giác linh thiêng hơn từ đó. Giọt mưa xuân cũng đầy sức sống hơn từ đó. Đến cả lối đi, thơ hơn cũng từ đó...

Có ai nghĩ đến việc làm một điều gì đó cho không gian văn hóa Kinh Bắc không nhỉ? Mà rằng nghĩ cũng chỉ để mà nghĩ thôi, mất còn là lẽ tự nhiên, nhưng mất sớm hay mất muộn lại do ý thức con người. Không gian văn hóa cũng có sự đấu tranh sinh tồn của nó. Nhiều khi, chết đi để mãi giữ một hình hài đẹp cho hậu thế hoài cổ, hơn là tồn tại với một hình hài què quặt và vụng về...

Một người bạn Mỹ nghe đĩa Quan họ, bắt tôi lý giải từng chữ. Cậu ta ngạc nhiên về những ca từ lạ nhưng lại đắm mê giai điệu. Khi cậu xem DVD, cậu mới ngạc nhiên thốt lên: "Một không gian mê hoặc". Cậu bắt bằng mọi giá phải đưa cậu mục sở thị trong mùa Xuân tới...Tôi biết, rồi tôi sẽ phải giải thích với cậu nhiều về những thứ sẽ khác với cậu tưởng tượng, và khác với những gì tưởng như yên bề trong tâm thức của tôi...

Như thể còn ở đó những buổi trưa mùa hạ ngồi góc chùa nghe vẳng quan họ qua radio. Như thể còn ở đó những mùa Xuân xem quan họ còn duyên.

Bây giờ, thấy liền anh liền chị "hàng thật" cứ khoe duyên nhiều nhưng thấy chẳng mấy còn duyên nữa. Vì đơn gian không gian sống của cái duyên ấy đang từ từ trôi như sóng...

Tôi cũng thấy lòng mình là sóng, dù sóng nhẹ...

Thứ Tư

AI TẠO RA KẺ THÙ?

Đọc xong hai bức thư này, tôi giá như rằng mọi thanh niên Trung Quốc đều nghĩ như Quách Tương Uy.

Xin lỗi Ailien Tran và thật sự lấy làm xấu hổ với tôi, khi tôi không viết được những dòng như thế.

Chẳng ai muốn lấy chính máu mình để gây thêm thù hận. Chết để bảo vệ từng tấc đất cha ông là một cái chết anh hùng. Nhưng lấy cái chết của người khác mà mưu lợi là một việc đáng ghê tởm và lịch sử sẽ không bao giờ tha thứ.

Sự hy sinh của Huyền Trân cho Đại Việt được đất và cho vua cha yên vững ngai vàng đâu có gì khác nhau. Hy sinh thì cao quý nhưng phía sau sự hy sinh là cái gì thì lịch sử sẽ phán xét. Nhưng, hy sinh vì dân tộc là một nghĩa vụ. Dân tộc, nên nhớ vậy. Không một nhóm người nào được quyền nhân danh dân tộc, được quyền đại diện cho lịch sử bốn ngàn năm bằng chính người dân. Cũng không một hệ tư tưởng nào được quyền nhân danh nguyện vọng cuả nhân dân. Mà chỉ có, dân đồng ý hay không đồng ý, lựa chọn hay không lựa chọn.

Và cái cuối cùng: Hòa bình-một giá trị nhân văn cao cả.


Lá thư của hai người trẻ

Trung Quốc và Việt Nam có cuộc chiến ngắn nhưng đẫm máu năm 1979
Thư trao đổi của hai nữ công dân Việt Nam và Trung Quốc thể hiện cái nhìn của hai người trẻ về quan hệ phức tạp giữa hai nước.

Cô Ailien Tran, Nghiên cứu sinh Fulbright 2009, có cảm xúc sau khi đọc bài viết trên BBC của Quách Tương Uy liên quan cuộc chiến biên giới 1979.

Đáp lại, nữ sinh Trung Quốc đang học ở London bày tỏ suy nghĩ của cô về chiến tranh và hòa bình.

Thư của Ailien Tran:

Khi cuộc chiến tranh biên giới bùng nổ, tôi còn là trẻ con học tiểu học. Cha tôi vẫn còn trong trại tù cải tạo, và gia đình tôi bị đuổi ra sống trước mái hiên nhà cũ của mình. Là một đứa trẻ thơ, tôi bị bối rối giữa hai lối suy nghĩ và lời nói hoàn toàn trái ngược giữa nhà trường và mọi người trong xóm.

Lúc đó còn quá sớm để người Sài Gòn quên đi những ký ức của sự phồn thịnh trước năm 1975. Người ta không quan tâm mấy đến tin tức từ biên giới phía Bắc, và họ cũng chẳng cảm động bao nhiêu về sự hy sinh của bộ đội miền Bắc. Họ vẫn còn vương vấn về sự kiện lịch sử đã thay đổi cuộc đời của họ cách đó 4 năm.

Từ sự sụp đổ của Sài Gòn năm 1975, đối với người miền Nam, bộ đội miền Bắc không hẳn là "anh hùng trong lòng" họ và miền Bắc không hoàn toàn là “quê hương trong trái tim” họ. Thế nhưng, càng ngày càng nhiều những câu chuyện và hình ảnh của người dân miền Bắc chạy nạn về phía Nam để tránh sự tàn sát của quân Trung Quốc, người miền Nam dần dần và thậm chí mau chóng cảm nhận tình nghĩa đồng bào cốt nhục của những sự mất mác mà người miền Bắc phải gánh chịu.

Người miền Nam bắt đầu hưởng ứng lời kêu gọi yêu nước của chính quyền mới. Thế là một lần nữa tâm hồn và ý chí Việt Nam lại thu về một mối, đó là ủng hộ và bảo vệ những gì Việt Nam, bất kể Nam hay Bắc, và chống lại những gì ngoại bang, bất kể là Trung Quốc, Pháp, hay Mỹ.

Là trẻ con tuổi tiểu học, tôi không biết lựa chọn gì hơn là nghe theo mọi người quanh mình. Tôi đã từng phẫn nộ và căm thù lính Trung Quốc dựa trên sự miêu tả của chính quyền. Và rồi tôi lớn lên, những ký ức về cuộc chiến tranh biên giới trôi vào quên lãng. Tôi cùng gia đình sang định cư ở Hoa Kỳ, và chật vật với cuộc sống mới. Tôi học hành và làm việc với rất nhiều sắc tộc khác nhau, trong đó có người đến từ Trung Quốc.

Tôi làm bạn và trở nên thân thiết với rất nhiều loại người khác nhau, ngay cả người Trung Quốc. Chưa bao giờ tôi nhớ hoặc nghĩ về cuộc chiến biên giới. Suốt ba mươi năm qua, chính quyền Việt Nam lẫn Trung Quốc đều không nhắc đến cuộc chiến này một cách chính thức hay tưởng niệm một cách long trọng nhưng gần đây, đôi khi cũng có những lời bàn tán đây đó làm tôi suy tư.

Tôi đọc “Ký ức của những người bị quên lãng” của Quách Tương Uy đăng tải bởi BBC Vietnamese, và nhận thấy một sự thay đổi trong tâm hồn.

Hình ảnh người chiến binh Trung Quốc, đã từng làm tôi căm phẫn năm nào, không còn đáng ghét như xưa. Tôi nhìn tấm ảnh chụp những chiến binh rất trẻ tuổi trong đồng phục quân đội mà xót xa trong lòng.

Những chiến binh Trung Quốc này cũng ngây thơ và đầy tình cảm. Nếu họ không bị nhồi sọ hoặc cưỡng ép đi ra chiến trận, có lẽ họ cũng chẳng bao giờ làm hại ai.
Ailien Tran
Họ còn quá trẻ, lẽ ra họ phải được sống sung sướng cùng gia đình, tại sao họ phải làm lính và bỏ mạng tại Việt Nam hoặc sống sót với thân thể không lành lặn và nguyên vẹn, để rồi họ mau chóng bị lãng quên sau những tiếng tung hô của trận đánh cuối cùng. Trong bức ảnh này, những chiến binh Trung Quốc có vẻ rất tự hào và ngạo nghễ trên đường tiến đánh và giết hại người Việt Nam. Lẽ ra, tôi phải căm phẫn khi nhìn bức ảnh này.

Song, tôi lại thấy thương cảm cho họ. Tại sao? Vì họ cũng là con người thôi. Họ cũng yêu đời và thèm được sống như anh trai tôi hay cháu trai tôi vậy. Tôi còn nhớ khi còn bé thơ, tôi thường căm thù hình ảnh những người lính Pháp, Mỹ và Trung Quốc cạnh bên những thường dân Việt Nam không “một tấc sắt” trong tay. Nhưng ngày nay, sau khi được sống và làm việc với họ trên đất Hoa Kỳ, tôi nhận ra rằng họ cũng chỉ là những thanh niên rất trẻ, ngây thơ, yêu đời và đầy khát vọng hạnh phúc như những thanh niên Việt Nam mà tôi từng gặp cả đời tôi.

Quách Tương Uy viết về tâm tư tình cảm của những chiến binh Trung Quốc trong cuộc chiến tranh biên giới rất hồn nhiên làm tôi rất cảm động.

Những chiến binh Trung Quốc này cũng ngây thơ và đầy tình cảm. Nếu họ không bị nhồi sọ hoặc cưỡng ép đi ra chiến trận, có lẽ họ cũng chẳng bao giờ làm hại ai, đừng nói gì đến giết hại người Việt Nam ở Lạng Sơn.

Tôi hy vọng rằng sẽ không còn chiến binh Trung Quốc bỏ mạng ở Việt Nam dù đó là “sự hy sinh anh hùng". Chẳng có người Việt Nam nào muốn chiến tranh hoặc gây hấn với Trung Quốc.

Thanh niên Trung Quốc có quyền được sống hạnh phúc và theo đuổi những ước mơ giản dị của một đời người, đó là tình yêu, gia đình và sự sung túc. Họ không cần làm anh hùng trên chiến trận Việt Nam, để rồi mang lại đau thương cho gia đình và bản thân họ, và cuối cùng là bị quên lãng một cách tàn nhẫn bởi những người đã từng hun đúc ý chí anh hùng ngắn ngủi và đáng sợ ấy.

Thư của Quách Tương Uy

Thân gửi người bạn Việt Nam,


Nữ sinh Quách Tương Uy đang học ngành Quan hệ Quốc tế
Cảm ơn suy nghĩ của bạn. Tôi rất xúc động vì những lời bạn viết trong thư, đó cũng chính là xúc cảm của tôi về cuộc chiến và hòa bình.

Tôi hiện là sinh viên ngành Quan hệ Quốc tế, thành ra chiến tranh và hòa bình là chủ đề tôi luôn quan tâm, nhất là chiến tranh. Chúng ta nói về chiến tranh thường xuyên quá đến nỗi ta gần như tin rằng hòa bình chỉ là khoảng lặng tạm thời giữa hai cuộc chiến.

Trong lớp học, chúng tôi thảo luận về tranh chấp ở Biển Đông, hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc và cán cân quyền lực ở Đông Nam Á. Chúng tôi kết luận thật dễ dàng rằng xung đột tất yếu xảy ra vì quyền lợi các nhà nước đòi hỏi phải có giao tranh.

Ngoài lớp học, tôi có trông thấy những bức hình trên mạng BBC về hạm đội Trung Quốc. Tôi hiểu nỗi lo âu sâu sắc của các nước láng giềng Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.

Hòa bình trong thực tế luôn là một lựa chọn, và một ngày kia nó sẽ là lựa chọn duy nhất.
Quách Tương Uy
Nhưng tôi vẫn tin, thực lòng tin rằng, chúng ta vừa có thể là những người thực tiễn nhưng cũng tin vào hòa bình, vì hòa bình trong thực tế luôn là một lựa chọn, và một ngày kia nó sẽ là lựa chọn duy nhất.

Bạn có lý khi nói về những con người cụ thể trong chiến cuộc. Từ “quân đội” thật lạnh lùng, đáng sợ, thể hiện bộ máy nhà nước có khả năng giết người. Nhưng khi chúng ta nhìn sâu hơn, ta sẽ nhận ra mỗi người lính là một cá thể đầy ý nghĩa. Anh ta có thể là chồng, người tình, anh trai, con trai; và người lính đó cũng là cha tôi phục vụ trong quân đội Trung Quốc.

Nếu ở nơi chiến trường có ai đó ngần ngừ khi ra trận vì không muốn đánh mất vĩnh viễn người thân, thì điều đó cũng chẳng có gì là ích kỷ. Điều này không dính dáng gì đến lòng yêu nước, mà chúng ta đang bàn đến lòng nhân văn.

Khi còn bé, sống trong những câu chuyện của cha kể về những bóng ma Việt Nam xa lạ, tôi nghĩ mình sẽ đồng ý với việc giết người để bảo vệ “chúng tôi”. Nhưng sự thực không phải thế, các bạn không phải là bóng ma; những người lính Việt Nam cũng giống như cha tôi. Biên giới ngăn cách – cũng như kẻ thù - là do nhà nước tạo ra.

Vì thế, khi tôi đọc bình phẩm khiêu khích và kiêu ngạo của một số bạn Trung Quốc trên mạng, tưởng tượng các máy bay, tàu chiến khống chế Biển Đông, tôi cho rằng các bạn ấy thật ngây thơ về bạo lực và chiến tranh.

Quân đội trong tư cách bộ máy nhà nước quả có thể giết người. Nhưng chúng ta, những con người, thì không.

Trước thềm xung đột, nếu chúng ta có thể tự hỏi ai sẽ chịu đau khổ, chúng ta sẽ biết chiến tranh không phải là cách dễ dàng hơn để giải quyết.

Người bạn của tôi ạ, đó là vì sao, giống như bạn, tôi tin vào hòa bình.

Thứ Hai

CÓ NHỮNG MẶT NGƯỜI KHÔNG QUEN LÀ VÌ...

Cả thành phố như bị nắng ăn tươi nuốt sống và những mặt người nhàu nhĩ cùng những lo lắng khác nhau. Cái lo lắng của hắn không giống mọi người. Không cơm áo gạo tiền. Không bài hay tin dở. Nhiều "không" như người mất trí. Hắn đi học lúc 7:30 đến 9:30 AM. Thời gian còn lại đi làm. Tối lại vội vàng qua Bộ ngoại giao học tiếp.

Mà dạo này hình như cũng hơi mất trí. Đi đường quẹo phải cứ liên miệng bảo tài xế bên trái. Đi họp báo Lê Công Định, cứ đinh ninh giới thiệu phóng viên báo Phụ nữ mà mọi người nghe ra là báo Pháp luật. Là mình đúng hay tai thiên hạ đúng nhỉ? Báo Pháp luật làm to chuyện lên mà nói mình mạo danh chắc cũng cúi đầu nhận tội quá.

Dạo này cúi đầu nhận tội hơi nhiều. Có những chuyện vặt tưởng sẽ phải tự đấu tranh để bảo vệ mình đến cùng, thôi thì cũng nhận đi cho rồi, mình cũng có phần lỗi trong đó. Buổi họp không nặng nề, không bất ngờ. Chị Đức Phong, Thiên Nga và Nguyễn Bay chân thành và người lớn, em út tâm khẩu phục. Có những người thì mình biết họ sẽ nói gì. Ôi chao, những gì đạo đức, đạo mạo được gỡ xuống từ những cái mặt chai lì những vết nhơ tiểu nhân và hậm hực. Mà thôi, cũng là điều hay cho mình bởi vì những kẻ đó bao giờ cũng cho mình biết những điểm yếu của mình. Lớn lên thôi, trẻ vè hồn nhiên mãi, không thành thằng điên thì người ta cũng sớm ném vào viện tâm thần cho điên luôn như phim Changeling vậy.

Sáng đầu tuần nghe Trịnh, chị Trinh hát. "Có những mặt người không quen là vì, có những cuộc đời vốn rất ngây ngô"

Ôi mẹ ôi, được ngây ngô thì cũng khá!

NHÌN TỪ XA TỔ QUỐC

Ðối diện ngọn đèn
trang giấy trắng như xeo bằng ánh sáng
đêm bắc bán cầu vần vũ trắng
nơm nớp ai rình sau lưng ta
nhủ mình bình tâm nhìn về quê nhà
xa vắng
núi và sông
và vết rạn địa tầng
nhắm mắt lại mà nhìn
thăm thẳm
yêu và đau
quằn quại bi hùng
dù ở đâu vẫn Tổ Quốc trong lòng
cột biên giới đóng từ thương đến nhớ
ngọn đèn sáng trắng nóng mắt quá
ai cứ sau mình lẩn quất như ma


Ai?
im lặng!
Ai?
cái bóng!
Ai?
xin chào người anh hùng bất lực dài ngoẵng
bóng máu bầm đen sóng soải nền nhà
thôi thì ta quay lại
chuyện trò cùng cái bóng máu mê ta
có một thời ta mê hát đồng ca
chân thành và say đắm
Ta là ta mà ta vẫn là ta


vâng - đã có một thời hùng vĩ lắm
hùng vĩ đau thương, hùng vĩ máu xương


mắt người chết trừng trừng không chịu nhắm
vâng - một thời không thể nào phủ nhận
tất cả trôi xuôi - cấm lội ngược dòng
thần tượng giả xèo xèo phi hành mỡ
ợ lên nhồn nhột cả tim gan
Ta đã xuyên suốt cuộc chiến tranh
nỗi day dứt khôn nguôi còn sạn gót chân
nhói dài mỗi bước


Ai?
không ai!
vết bầm đen đấm ngực
xứ sở nhân tình
sao thật lắm thương binh đi kiếm ăn đủ kiểu
nạng gỗ khua rỗ mặt đường làng
Mẹ liệt sỹ gọi con đội mồ lên đi kiện
ma cụt đầu phục kích nhà quan


Ai?
không ai!
vết bầm đen quều quào giơ tay
xứ sở từ bi sao thật lắm thứ ma
ma quái - ma cô - ma tà - ma mãnh.
quỷ nhập tràng xiêu vẹo những hình hài
đêm huyễn hoặc
dựng tóc gáy thấy lòng toang hoác
mắt ai xanh lè lạnh toát lửa ma chơi


Ai?
không ai!
vết bầm đen ngửa mặt lên trời
xứ sở linh thiêng
sao thật lắm đình chùa làm kho hợp tác
đánh quả tù mù trấn lột cả thần linh
giấy rách mất lề
Tượng Phật khóc, Ðức tin lưu lạc
thiện - ác nhập nhằng
công lý nổi lênh phênh


Ai?
không ai
vệt bầm đen tọa thiền
xứ sở thông minh
sao thật lắm trẻ con thất học
lắm ngôi trường xơ xác đến tang thương
tuổi thơ oằn vai mồ hôi, nước mắt
tuổi thơ oằn lưng xuống chiếc bơm xe đạp
tuổi thơ bay như lá ngã tư đường
bịt mắt bắt dê đâu cũng đụng thần đồng
mở mắt... bóng nhân tài thất thểu


Ai?
không ai
vết bầm đen cúi đầu lặng thinh
xứ sở thật thà sao thật lắm thứ điếm
điếm biệt thự - điếm chợ - điếm vườn.
điếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng
điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn
vật giá tăng
vì hạ giá linh hồn


Ai?
không ai
vết bầm đen vò tai
xứ sở cần cù
sao thật lắm Lãn Ông
lắm mẹo lãn công
giả vờ lĩnh lương
giả vờ làm việc
tội lỗi dửng dưng
lạnh lùng gian ác vặt
đạo chích thành tôn giáo phổ thông
ào ạt xuống đường các tập đoàn quân buôn
buôn hàng lậu - buôn quan - buôn thánh thần buôn tuốt
quyền lực bày ra đấu giá trước công đường


Ai?
không ai
vết bầm đen nhún vai
xứ sở bao dung
sao thật lắm thần dân lìa xứ
lắm cuộc chia ly toe toét cười
mặc kệ cỏ hoang cánh đồng gái góa
chen nhau sang nước người làm thuê
biển Thái Bình bồng bềnh thuyền định mệnh
nhắm mắt đưa chân không hẹn ngày về


Ai?
không ai
vết bầm đen rứt tóc
xứ sở kỷ cương
sao thật lắm vua
vua mánh - vua lừa - vua chôm - vua chỉa
vua không ngai - vua choai choai - vua nhỏ
lãnh chúa xứ quân san sát vùng cát cứ
lúc nhúc cường hào đầu trâu mặt ngựa
luật pháp như đùa - như có - như không
một người đi chật cả con đường


Ai?
không ai
vết bầm đen gập vuông thước thợ
?.?.?.


Ai? Ai? Ai?
không ai
vết bầm đen còng còng dấu hỏi
thôi thì ta trở về
còn trang giấy trắng tinh chưa băng hoại
còn chút gì le lói ở trong lòng
đôi khi nổi máu lên đồng
hồn thoát xác
rũ ruột gan ra đếm
chích một giọt máu đem xét nghiệm
tý trí thức - tý thợ cầy - tý điếm
tý con buôn - tý cán bộ - tý thằng hề
Phật và Ma mỗi thứ tý ty
khốn nạn thân nhau
nặng kiếp phân thân mặt nạ
thì lột mặt nạ đi - lần lữa mãi mà chi
dù dối nữa cũng không lừa được nữa
khôn và ngu cũng có tính mức độ
bụng dạ cồn cào bất ổn làm sao
miếng quá độ nuốt vội vàng sống sít
mất vệ sinh bội thực tự hào

sự thật hôn mê - ngộ độc tự hào
bệnh và tật bao nhiêu năm ủ lại
biết thế nhưng mà biết làm thế nào
chả lẽ bây giờ bắc thang chửi bới
thấy chửi bới nhẹ gian nanh cơ hội
chả lẽ bốc thang cỏ khô nhai lại
lạy ông cơ chế, lạy bà tư duy
xin đừng hót những điều chim chóc mãi
đừng lớn lời khi dân lành ốm đói
vẫn còng làm cho thẳng lưng ăn
đổi mới thật hay giả vờ đổi mới?
máu nhiễm trùng ta có thể thay chăng?
thật đáng sợ ai không có ai thương
càng đáng sợ không còn ai ghét
ngày càng hiếm hoi câu thơ tuẫn tiết


Ta là gì?
ta cần thiết cho ai?
có thể ta không tin ai đó
dù có sao vẫn tin ở con người


dù có sao đừng khoanh tay
khủng khiếp thay ngoảnh mặt bó gối
cái tốt nhiều hơn sao cái xấu mạnh hơn?
những người tốt đang cần liên hiệp lại
dù có sao
vẫn Tổ Quốc trong lòng
mạch tâm linh trong sạch vô ngần
còn thơ còn dân


Ta là dân : vậy thì ta tồn tại
giọt từng giọt
nặng nhọc
nặng nhọc thay
dù có sao
đừng thở dài
còn da lông mọc còn chồi nảy cây

Moscow
5.1988
NGUYỄN DUY

Thứ Tư

Bấm vào đây (Tội ác của kẻ thù năm 1988)

NGÔN NGỮ TEEN NÊN ĐÚNG CẢNH, ĐÚNG NGƯỜI VÀ ĐÚNG...TUỔI

Thời gian gần đây, "ngôn ngữ teen" (tạm gọi như vậy) với những kiểu nói méo mó về ngữ âm và "ngọng ngiụ" về vốn từ đã lấn át không chỉ trên mạng mà lan ra cả giao tiếp ngoài đời, thậm chí cả trên báo giấy và cũng đã không ít lần vào bài kiểm tra của học sinh. Những từ ngữ kiểu "tém ảnh" (tấm hình), "chời" (trời), "sao zị" (sao vậy)...cứ nhan nhảm khắp mọi nơi mọi chốn.

Những từ "lạ tai" và mới mới kiểu đó, có những văn cảnh sẽ làm cho người đọc cảm thấy vui hơn. Ví dụ, bạn bè bình thường trò chuyện, mình muốn thể hiện những niềm vui của mình. Nhiều khi, không cần phải nói ra mình đang vui vì điều gì mà chỉ cần thấy những từ đó là biết tâm trạng người đối diện như thế nào. Hoặc một tập thể bàn với nhau về trò chơi, về chuyến đi pic nic...

Tuy nhiên, không phải lúc nào, và đặc biệt không phải tuổi nào cũng có thể áp dụng cách nói đó.

Có lần vào Blog một người bạn, tôi dõi theo một entry rất tâm trạng của anh. Anh viết về tuổi thơ anh, về mẹ với một giọng văn nghiêm túc và cảm động. Đọc đến dòng gần cuối hiện lên dòng comment của một cô gái, chợt tôi chưng hửng. Gần như cô không nhập tâm đến những điều anh chia sẻ mà vẫn lại cứ cái kiểu nói méo mó, ngọng ngiụ của "ngôn ngữ teen". Có thể hơi nặng lời khi dùng hai chữ "vô duyên" nhưng không thể không dùng.

Chiều nay, có một người nhắn tin cho tôi. Dù bận họp nhưng tôi vẫn nhắn lại: "xin lỗi, em bận họp, sẽ nhắn lại anh sau". Ngay lập tức một tràng tin nhắn thiếu nghiêm túc với "ngôn ngữ teen" đổ vào điện thoại tôi. Bực mình vì người ta không hiểu mình đang bận là một chuyện, bực thêm vì cái kiểu ăn nói "cưa sừng" chẳng giống ai kia. Tôi lấy làm lạ vì người đó hơn tôi cả chục tuổi và cũng là một trí thức...

Tối nay bố tôi gọi điện, hỏi bố có lỗi thời hay không mà không thể hiểu nổi cách em tôi dùng tiếng lóng: "50 khìn", "nói chiện"...Tôi cũng chỉ nói với bố: Bố cứ nhắc em thẳng thắn là đừng nói với người đối diện những điều không phù hợp với họ dù nó chỉ đơn thuần là vỏ ngôn ngữ.

Cũng như người hài hước, nếu hgài hước đúng lúc, đúng chỗ thì sẽ làm cho mọi thứ vui hơn. Nhưng nếu ngược lại, thì người ta sẽ nghi ngờ chính văn hoá của người hài hước!

Thứ Ba

"VẶN" LÊ THỊ THÁI HÒA

Một đồng nghiệp nhắn tin: "Con bé Thái Hòa nanh nọc thế nhưng mày cũng chẳng kém. Được đấy. Tám lạng gặp nửa ký". Thì ra cu cậu mới đọc tạp chí Nghề báo, trong đó hai nhà báo Hoàng Nguyên Vũ và Lê Thị Thái Hòa "đấu khẩu". Đây là nội dung toàn bài.
Nhà báo Lê Thị Thái Hòa: “Tôi không muốn bị nhân vật đuổi ra khỏi nhà vì câu hỏi sốc”


Lời tòa soạn:
Lê Thị Thái Hòa (Cát Khuê) được biết đến là một phóng viên văn nghệ sắc sảo của báo Thanh niên, vừa xuất bản tập sách “Cà phê với người nổi tiếng” khá ấn tượng. Hoàng Nguyên Vũ là một phóng viên chuyên viết về ký sự hậu chiến, phóng sự xã hội và hiện là phóng viên mảng nội chính của báo Phụ nữ TP.HCM. Từng “xoay” hàng trăm nhân vật, lần này, Thái Hòa bị Nguyên Vũ “xoay” khá kỹ ở cuộc trò chuyện này.


HOÀNG NGUYÊN VŨ: *Từ một người làm phim tài liệu, "đùng một cái" chị chuyển sang làm báo và ở lại hẳn Sài Gòn. Một lý do, chị sẽ nói?

LÊ THỊ THÁI HOÀ: -Một lý do? Khó nói nhỉ!

HNV: *Thì hai, ba lý do cũng được?

LTTH: -Có ngàn vạn lý do cho sự thay đổi và dịch chuyển "lớn lao" đó, bởi nó làm cuộc đời tôi rẽ ngoặt sang hướng khác hẳn đi. Nhưng tôi lại nhớ cái khung cửa sổ của tiệm cafe Brodard ngày xưa, khi tôi ngồi đó với hai người bạn, tôi nhìn thấy gió và nắng. Tháng 6, Hà Nội đang nắng như đổ lửa mà Sài Gòn là mùa mưa...Tôi muốn ở lại nơi này, không muốn trở về nữa.

HNV:*Chỉ tại một cơn mưa thôi ư? Hình như đây không phải là một Lê Thị Thái Hoà tỉnh queo, thông minh mà tôi đã gặp?

LTTH: Cảm nhận của người khác về tôi cũng là sự ngạc nhiên. Tôi nghe người ta khen mình thông minh từ khi còn rất nhỏ đến mức tôi càng lớn càng thấy mình... ngu! Lớn thì biết sợ hơn để thấy mình chẳng là quái gì, chắc vậy. Nếu bạn thấy tôi tỉnh queo, thông minh thì chắc là tôi đã diễn rất tốt!

HNV:*Có thể. Nhưng không ai diễn qua mắt được câu chữ. Đọc chị, tôi thấy ở đó những lý lẽ càng chứng minh cái tỉnh và thông minh ấy. Tôi muốn chị thuyết phục tôi hơn, về sự trả lời khác...

LTTH: Tôi đã bắt đầu việc viết báo với sự thật thà mà sau này tôi biết là hiếm có. Đến khi tôi bắt đầu biết cách "làm duyên" với câu chữ của mình, sự thật thà ấy cũng thật thà bỏ tôi mà đi. Tôi đã từng bị nhận diện vì quá cá nhân với những bài viết hay bài phỏng vấn, có lẽ bởi vì tôi yêu bản thân mình quá chăng? Nhưng mà nếu đọc lại, tôi thấy nỗi buồn hay sự yếu mềm của mình còn lớn hơn và đau hơn những gì tôi bộc lộ được ra. Nếu bạn nhận ra, có lẽ vì tôi đã thiếu kinh nghiệm!

HNV: *Tôi không nghĩ vậy. Tôi thấy chị thật thà đến nỗi hỏi nhân vật mà không cần quan tâm việc người ta có tự ái hay không. Nhưng dù họ tự ái hay không thì chị đã có những bài phỏng vấn rất dễ đọc và khá riêng biệt. Sự thật thà trong khi phỏng vấn có phải là điều chị luôn ý thức khi làm việc?

LTTH: Tôi nhường lời cho bạn Hà Kin nói về tôi : Bài phỏng vấn của chị Cát Khuê phần nhiều là về tâm sự, là sự tâm tình như hai người bạn giữa người phỏng vấn và được phỏng vấn hơn là một cuộc phỏng vấn thông thường, để nhìn nhân vật ở góc cạnh "là mình" nhất, gần gũi nhất. Vậy nên nó không phải chỉ là những câu hỏi chỉ để "thỏa mãn sự tò mò của thiên hạ" tới mức cứ...biết tỏng là gì!

HNV: *Tôi đã đọc nhiều bài phỏng vấn của chị. Tôi thấy một điều chị phỏng vấn đàn ông hay hơn phụ nữ...

LTTH: -Tôi là một người đàn bà, tôi chưa già và giới tính xác định rõ ràng!

HNV*Hay đúng hơn, chị làm cho những quý ông nổi tiếng nói về phụ nữ rất đặc biệt, nên hễ đọc bài phỏng vấn nào về quý ông tôi cũng đều chờ đợi điều đó. Có nhân vật nào nói thẳng với chị là họ không thích trả lời những câu hỏi như vậy không?

LTTH: Không! Có lẽ tôi đến gặp họ như một người phụ nữ hơn là một "bà nhà báo" nên họ dễ mở lòng với tôi hơn chăng?

HNV: *Vì tôi là đàn ông nên tôi nghĩ tôi nên tự khám phá chất phụ nữ trong chị. Nhưng bạn đọc của tôi không phải tất cả đều đàn ông, nên tôi muốn chị nói đôi nét về người phụ nữ trong mình?

LTTH: Mới gần đây thôi, chị bạn thân thiết đã làm tôi bật cười khi nói: tiếc thật, tiếc thật, em là một người phụ nữ nấu ăn ngon mà mỗi chiều hiện tại lại không có người đàn ông của mình để nấu thì cuộc đời này có phí hay không? Tôi là người được nuôi dạy theo cách cổ điển, nghĩa là trong nhà tôi đàn ông không phải làm gì, phụ nữ đã quen chiều chuộng họ. Tôi nhớ mùa đông miền Bắc, mẹ tôi mỗi sáng không bao giờ quên lấy kem đánh răng vào bàn chải cho bố tôi và nước ấm nóng để ông rửa mặt.

Người đàn ông nào tôi yêu và sống bên tôi, giữ được tôi như bố tôi đã giữ được mẹ đến cuối đời ông chắc chắn sẽ được tôi "yêu" theo cách ấy!

HNV*Có lẽ vậy nên người phụ nữ trong chị luôn muốn nổi loạn? Và cả trong những bài phỏng vấn, chị cũng thường hay hỏi những nữ nghệ sĩ có phải là người nổi loạn hay không?

LTTH: Tôi bị ám ảnh thì đúng hơn. Khi tôi muốn được sống đơn giản như là mình muốn, đôi chút gì như hơi hướng của tự do cũng lập tức bị kết tội là "làm loạn".

Sóng trong tách trà thì vẫn là sóng, cái hẹp hòi của những người đàn ông xung quanh đã làm tôi ám ảnh đến thế chăng?

HNV:*Có công bằng không khi nói về đàn ông như thế? Những người đàn ông chị phỏng vấn, tôi thấy chị ít khai thác khía cạnh mà chị vừa nói với tôi...

LTTH: Những cay đắng của cuộc đời và sự bất an thường trực của phụ nữ chẳng toàn đến từ đàn ông đó ư? Tôi đã từng đem cái "định kiến" ấy nói với Nguyễn Ngọc Tư, nói với Chu Lai hay Nguyễn Quang Lập.

HNV: *Chu Lai, Nguyễn Quang Lập đâu đại diện cho tất cả đàn ông, Nguyễn Ngọc Tư thì lại càng không rồi!

LTTH: Họ đại diện cho chính bản thân họ, và đàn ông cũng như phụ nữ đâu cần ai đại diện cho giới tính của mình ngoài chính họ đâu? Nhưng giống như Xuân Quỳnh, tôi cũng hay thầm nghĩ: "Anh thân yêu, người vĩ đại của em. Anh là mặt trời, em chỉ là hạt muối. Một chút mặn giữa đại dương vời vợi, Loài rong rêu không ai biết bao giờ..."

HNV: *Chỉ nói vậy về đàn ông đã nhé. Những nhân vật nữ của chị thường là những "gạo cội" trong nghề, kín đáo, nghiêm túc. Ấy nhưng chị đã khai thác được họ ở những tâm sự ít ai biết dù những người đó không xa lạ với công chúng. Sự đồng cảm, tìm hiểu kỹ về nhân vật đã đủ để chị làm được điều đó?

LTTH: Một phần nữa, do cái nhìn. Tôi hài lòng vì thân phận phụ nữ của mình đến mức chưa bao giờ từng ước được là đàn ông. Nhưng tôi biết cái nhìn của mình hay chủ quan. Khi tôi buồn, tôi nhìn những người phụ nữ cũng buồn rầu và bắt đầu sự chia sẻ bằng sự mặc định, là họ cũng có những nỗi buồn thầm kín chứ, chắc chắn là thế, đằng sau ngay cả gương mặt tươi cười nhất kia! Ngạc nhiên không, những người phụ nữ tôi từng gặp, họ dễ dàng hơn nếu tôi gặp họ khi tôi đang buồn!

HNV: *Mỗi bài viết của chị thường trên 3000 chữ. Ở đó không có câu hỏi sốc, mà là những câu hỏi hơi "cổ điển". Có bao giờ chị muốn sốc hơn để thoả một phần nào đòi hỏi của người đọc khi tính cách chị có thể hoàn toàn làm được điều đó?

LTTH: Tôi không hiểu tại sao lại cần câu hỏi sốc? Tôi chưa hề muốn bị nhân vật đuổi ra khỏi nhà hay thậm chí là... đánh cho một trận cho chừa! Tôi thích được nhẹ nhõm hỏi và tôi tìm được sự thú vị từ chính những câu trả lời của họ. Nếu sốc, đó là do thông tin sốc. Người đọc cũng không cần thêm phần bị ô nhiễm bởi những thông tin hay cái nhìn phiến diện của nhà báo tạo ra.

HNV: *Thẳng thắn ra là làng báo văn nghệ giờ ít có bài hay và sâu để đọc, cũng như người viết có tầm. Chị cũng như bài viết của mình, kỹ càng, khó tính và hơi ngạo ngược. Chị có thấy mình lẻ loi khi không thuộc về số đông?

LTTH: Nhìn phía nào để thấy là số đông? nếu nhìn những người giống mình thì tôi thấy mình còn loãng quá! Tôi kỹ càng, khó tính vì tôi yêu câu chữ của mình. Sự ngạo ngược nếu có cũng là bản tính trời sinh. Tôi chẳng ước được thế. Tôi cũng có khi thèm lắm mình ngu ngơ, nhịn nhục, và cam chịu đủ điều. Vì tôi thấy nếu có đủ đức tính đó có khi mình viên mãn với cuộc sống này lắm đấy! Cảm ơn bạn về chữ "lẻ loi", nó là một hình ảnh trong tấm gương không nịnh mặt mà tôi đang soi chăng, Dù thực lòng, tôi chẳng muốn thế một chút nào!

HNV: *Một người bạn tôi nói thích đọc Thanh niên tuần san là vì bài trò chuyện của chị (hình bóng này không biết có nịnh mặt hay không). Thời gian này, chị vắng bóng hẳn trên TNTS. Cuốn Cafe với người nổi tiếng là một điểm dừng của chị tại chuyên mục này trên TNTS?

LTTH: “Có những niềm riêng làm sao khó nói, nên khi xuôi tay còn chút ngậm ngùi!” Câu hỏi làm tôi chợt nhớ câu hát này. Và có phải là câu hỏi không? Khi tôi chẳng muốn trả lời!

HNV: *Nhiều người đến với nghề báo rồi lại ra đi vì không phù hợp hoặc quá chán nó. Riêng chị, đang ở trạng thái nào với nghề?

LTTH: Tôi yêu cuộc sống này và trong một phần đó có nghề nghiệp mà tôi đã chọn lựa. Làm việc là một thái độ sống tích cực nhất. Mỗi sáng thức giấc, sau một cốc cafe americano nóng ấm ở quán Gloria Jeans Coffees (Brodard xưa kia), check mail, thấy những mail công việc bao giờ cũng làm tôi nhận ra một ngày mới thật đẹp. Trạng thái này tốt, nếu nhìn từ hướng được độc lập, được làm việc và tương đối có trách nhiệm với công việc. Nhưng trạng thái này cũng là xấu, rất xấu khi nhìn mà xem, một người đàn bà là tôi đang đặt hết vui buồn của mình không phải vào một người đàn ông, một gia đình mà là công việc!

HNV: *Chân lý cũ, hạnh phúc là có một việc để làm, có một ai để yêu và một điều gì đó để hy vọng. Điều thứ hai đang là nỗi buồn của chị? Còn điều thứ ba?

LTTH: Tôi chưa bao giờ không yêu ai, thế nên nỗi buồn không phải. Hi vọng ư? Tôi luôn cầu an cho những người thân yêu của mình, điều đó quan trọng hơn cho tôi.

HNV: *Trong cuốn sách của mình, chị đề tặng ba người: người bố đã khuất, người mẹ ở xa và người viết ra cuốn sách. Giấc mơ một gia đình luôn ám ảnh chị? Một người phụ nữ cứng rắn, sắc sảo cũng là người phụ nữ cô đơn và yếu đuối nhất?

LTTH: Bạn đã rất tinh khi nhận ra điều đó. Tôi kém duyên với hạnh phúc, thứ hạnh phúc thông thường nhất mà những người phụ nữ quanh tôi không khó khăn có được. Cái chết của bố là cú sốc lớn nhất trong cuộc đời tôi, đến mức tôi tin rằng sau đó tôi sẽ không bao giờ còn có thể đau lòng hơn được nữa. Bố tôi là một sợi dây neo bền chắc níu kéo tôi sống với những chuẩn mực phụ nữ, có hình bóng của mẹ tôi. Sau đó là bóng đêm. Nhưng tôi không yếu đuối đâu, nói thế, nhiều người đàn ông lại cười cho mất!

HNV*Cười hay khóc ở một chừng mực nào đó của người đời đâu quá quan trọng! Tôi rất thích khi chị từng nói rằng "là số phận của tôi, tôi có quyền lựa chọn cách sống của mình". Điều này có nên hiểu là một sự tự vệ với cuộc đời?

LTTH: Khi tôi nói tôi muốn, có nghiã là tôi đã từng không có quyền được muốn! Đúng không? Sự tự vệ ư? Tôi từng thích một câu thoại trong kịch bản phim "Tận cùng là biển" của Phan Đăng Di "Nếu không biết tự vệ, bọn đàn ông sẽ biến thế giới này thành nhà thổ mất"!

HNV: *Lại vẫn là đàn ông. Chị quên mất tôi cũng là đàn ông chăng, đồng nghiệp?

LTTH: Có lẽ bạn đang mất bình tĩnh trước sự tự vệ của tôi chăng?

HNV: *Ồ, tôi đang mất bình tĩnh trước một người phụ nữ làm báo thì đúng hơn. Chị có quan tâm không khi người ta hay nghĩ này nghĩ nọ về phụ nữ làm báo?

LTTH: Tôi nghĩ miệng thế gian như làn sóng biển. Họ nói sao cũng được, nhưng những gì mà phụ nữ làm báo "được"cũng nhiều hơn là "mất" mà? Mà mất gì nhỉ? Mất duyên hay mất xinh?

HNV: *Tôi không thuộc số đó nên sẽ không trả lời. Trở lại với Cafe với người nổi tiếng, phải công nhận chị có kiến thức dày và vốn sống nhiều. Vậy nhưng có bao giờ chị thấy thiếu tự tin với nhân vật nào đó?

LTTH: Tôi thường xuyên thiếu tự tin với nhân vật. Và ý thức được điểm yếu đó cũng là cách tìm ra được hướng để không phải mò mẫm. Vì thế các cuộc trò chuyện của tôi không phải vì tôi sắc sảo hay thông minh hơn đồng nghiệp, mà chắc chắn là vì tôi đã dày công với background của họ trước khi bắt đầu đến gần họ hơn. Tôi thường hay bối rối nhất trước đàn ông đẹp trai! Vì thế những bài viết về họ cũng hay hơn người thường! Bạn có nhận ra không?

HNV: *Ồ, vì tôi không đánh đồng bài hay với đàn ông đẹp trai nên chắc tôi phải xem thêm. Tôi muốn hỏi ngược lại câu hỏi trên, có nhân vật nào chị yêu quý nhưng chị đã mất hết cảm tình khi chị hẹn người ta phỏng vấn? Hoặc cũng có những nhân vật phỏng vấn xong về chị chẳng buồn viết?

LTTH: Có chứ! Cafe và tán dóc nhiều chuyện rồi thậm chí đi coi phim cùng nhau nhưng khi hẹn phỏng vấn, người ta vẫn làm cho tôi ngỡ ngàng. Bởi vì họ nhạt, và rỗng. Nói chuyện lan man thì cái gì cũng lưng chừng hay, lưng chừng thú vị, nhưng khi hỏi sâu hơn thì câu chuyện khác hẳn đấy! Lỗi tại tôi, tại tôi mọi đằng, vì có thể họ vẫn là họ thôi, tại tôi cứ kỳ vọng quá chăng?

HNV: *Những nhân vật của chị đa phần là người nổi tiếng đúng nghĩa chữ tài năng. Ở một góc độ nào đó có thể thấy đó là nhân vật cùng tuyến-tích cực. Chị có muốn sẽ thực hiện một cuốn sách đơn thuần phản biện để giúp người đọc hiểu rõ về những nhân vật cả tốt lẫn xấu?

LTTH: Câu hỏi này làm tôi giật mình. Nhân vật đầu tiên của tôi là một anh chàng bán nước hoa với giấc mơ tỷ phú! Tôi tin anh ta một cách ngây thơ. Rồi sau đó tôi đã thử để thấy chính mình cũng bị lừa! Anh ta bán nước hoa rởm! Vậy mà tôi đã khen anh ta hết lời đến thế! Nên thực lòng tôi vẫn thích phỏng vấn hơn là viết bài về nhân vật. Không phải tôi lười, mà tôi muốn nhân vật chịu trách nhiệm về cái họ sẽ phát ngôn hơn tôi tự cho cái quyền "phán xét" về họ. Phản biện ư? Tôi chưa nghĩ đến điều đó!

HNV: *Thực ra câu hỏi đó không chỉ là của tôi mà của một số đồng nghiệp nữa, họ nói chị thích hợp với phỏng vấn phản biện. Tại sao không nhỉ? Vì trong làng văn nghệ, có phải cái gì cũng tốt đẹp đâu?

LTTH: Nếu thế thì chờ cuốn sách thứ 2 của tôi nhé, khi đó tôi chọn sự phản biện nhiều cho các nhân vật không phải giải trí! Tôi thấy nhiều tính phản biện trong đó hơn!

HNV *Không phải giải trí? Hay không phải của làng giải trí?

LTTH: Cả hai!

HNV: *Vậy tôi sẽ chờ. Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Thứ Hai

HỌ LUÔN NHÌN TÔI


Bà Doãn Ngọc Trâm, mẹ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm kể lại những câu chuyện về con gái


Hàng năm, cứ đến dịp 30-4 tôi như bị đánh thức bởi một chặng đường mình đi, những thân phận mình gặp. Đâu đó là những câu chuyện kể, những giọt nước mắt của nhân vật, những tâm sự rất riêng nhưng đều có mẫu số chung: Họ, những con người trở về từ chiến tranh, với những cuộc đời không phẳng lặng, mãi mãi là những người bạn đồng hành cùng tôi suốt cuộc đời cầm bút. Tôi đã viết về họ suốt 6 năm ròng, khi còn là một phóng viên chập chững với những bước đi đầu tiên trong nghề.

1.“Có phải Vũ không? Mệ Thịnh nì”-giọng Quảng Bình trọ troẹ. “Mệ Thịnh trong bài báo Hoa cải vẫn nở vàng trên bến sông của con đó. Con khoẻ không? Mệ gọi báo tin cho con, mệ tìm được chú rùi nì”.

Tôi ngạc nhiên đến lặng người. Một bài báo đã được đăng cách đây gần 10 năm. Hồi đó, tôi đến huyện Quảng Trạch, Quảng Bình công tác với mục đích là tìm lại những người mẹ nuôi quân bên dòng sông Gianh lịch sử. Lang thang trên cầu sông Gianh chợt một người dân cho tôi biết, ở Quảng Trạch vẫn còn nhiều cô gái một thời dâng hiến tuổi thanh xuân cho bom đạn, khi hoà bình đã quá lứa lỡ thì. Tôi đã gặp ba chị (mà theo tuổi tác tôi phải gọi họ bằng các bác, các mệ mới đúng) và được nghe về họ để viết nên bài ký ấy. Một thời đạn lửa khốc liệt được các chị kể lại từ những vết thương. Và tuổi trẻ cũng được kể lại bằng những tình yêu trên chiến trận, vội vàng và đẹp như chính những cái chết vậy. Ám ảnh nhất vẫn là chị Võ Thị Thịnh.

Sẽ chỉ là một câu chuyện thông thường nếu chỉ là một cô TNXP ở bến phà Long Đại đêm đêm với những nhát cuốc san đường cho những đoàn xe kịp ra trận. Điều ám ảnh ở chị, người đàn bà đến giờ vẫn mang hai mảnh đạn trong phổi, ba mảnh đạn trong đầu, chấn thương sọ não, thương tật đến 81%-lại chính là hình bóng người thanh niên cùng đơn vị quê Nghệ An. Năm 1968, họ cùng nhau sống và chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, khúc phà Long Đại của tỉnh Quảng Bình. Năm 1969, anh đi B dài. Thời gian đầu vẫn thư đi thư lại, nhưng đến năm 1971 thì họ mất liên lạc. Ngày chiến thắng, có người nói với chị anh đã hy sinh, có người lại nói, vẫn nhìn thấy anh về rửa chân và hỏi về chị ở bến phà Lòng Đại.

Chị thì vẫn chờ. Chờ cho đến hết tuổi xuân, đến khi tóc trên đầu hai thứ mà anh vẫn không trở lại. Có lần, cầm dòng địa chỉ trên tay, chị tính về Nghệ An tìm anh nhưng lại nghĩ: “nếu anh có gia đình yên ấm thì mình không nên xuất hiện nữa. Còn nếu anh đã hy sinh thì mình về cũng chỉ khổ thêm cho những người thân của anh” nên đành thôi không tìm nữa. Bài báo tôi viết vào năm 2000, đến năm 2004 tôi chọn vào tập ký “Có tuổi hai mươi thành sóng nước”. Cuốn sách đó có mặt ở hầu hết các cơ sở Đoàn vì được đưa vào tủ sách Tiếp lửa truyền thống. Mãi đến năm 2007, một cậu công tác ở đoàn thanh niên ở huyện Đô Lương (Nghệ An) đưa về đọc cho cha cậu nghe. Người đàn ông rơm rớm mắt rồi lặng lẽ ghi lại dòng địa chỉ. Đến đầu năm 2009, ông cùng người con vào Quảng Bình tìm lại cô gái một thời…

“Con biết không, vợ ông bị ung thư chết. Ông chờ khi mô đứa con út lập gia đình ông mới nghĩ đến việc về thăm lại chiến trường. Ngày gặp, mệ có nhận ra chi nữa mô, may ra thì chỉ có đôi mắt. Đôi mắt răng mà lạ, không chịu già đi mới lạ”-chị Thịnh nói. Nhưng cũng chỉ là gặp thôi, dù chị Thịnh vẫn một đời chờ đợi nhưng số phận nhiều lúc trớ trêu hơn người ta tưởng. Chị cũng ra thăm anh một lần, các con anh mong muốn chị sẽ ở lại “con nuôi cha không bằng bà nuôi ông”, nhưng giờ đây chị không thể bỏ người mẹ già hơn 90 tuổi ở Quảng Bình để đi theo tiếng gọi tình yêu được nữa.

2.Khi còn làm phóng viên ở đất Bắc, thỉnh thoảng đi công tác tôi cũng có ghé thăm các nhân vật của tôi. Phải đau lòng mà nói, dù có viết lên thì số phận họ cũng vậy, không thay đổi được bao nhiêu. May chăng là những người đã hy sinh, mình góp một tiếng nói, địa phương mới xúc tiến làm hồ sơ để xét truy tặng cho họ danh hiệu, có thể là liệt sĩ, có thể là anh hùng... Hơn 150 nhân vật mà tôi gặp, hầu hết cho đến hôm nay, hai chữ thân phận vẫn còn công kênh so với những xương máu họ đã đổ cho những người cùng thời lẫn hậu thế để có được những no ấm hôm nay…

Trong một bài phỏng vấn ông Nguyễn Đình Liêu, khi ông còn là Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tôi đã không ngần ngại chia sẻ những “người thật việc thật” mà tôi đã thấy suốt chặng hành trình 6 năm kia. Ông Liêu rơm rớm: “Chúng ta đã muộn. Họ đã qua tuổi trẻ, có người về đất, có người thương tật. Con họ cũng đã lớn, nghèo khổ thất học cũng đã rồi. Sự báo đáp bao năm qua, cũng là một phần quá nhỏ so với những gì họ phải chịu đựng, chứ chưa nói đến là họ đã hy sinh xương máu”. Bạn đọc báo Quân đội nhân dân rất thích những tâm sự của Thứ trưởng Nguyễn Đình Liêu, bởi đó là điều rất thật và đúng, khi bài phỏng vấn của tôi in lên.

Ừ, thì hơn 150 nhân vật. Tôi muốn dựng nên một bức tranh hùng, muốn kế tiếp những cha chú đi trước đã vào tận chiến trường viết về họ dưới đạn pháo và chết chóc. Tôi tìm họ khi tiếng súng đã im, xem cuộc sống của họ ra sao. Nhiều người cho rằng một phóng viên trẻ sao không xông xáo đi theo mảng thời sự, xã hội mà suốt ngày hồi cố về những điều đã qua như vậy, tôi cũng chỉ cười qua chuyện rằng đó là điều tôi thích. Sẽ ít ai tưởng tượng được cái cảm giác đứng ngược gió trên tượng đài chiến thắng Thành cổ, gió thổi khói hương vào mắt. Hay là cùng các chú thả hoa viếng đồng đội trên sông Thạch Hãn. Hay cùng các bạn trẻ ôm đàn hát giữa nghĩa trang Trường Sơn. Hay cùng đi tìm hài cốt liệt sĩ giữa những trận mưa rừng. Nước mắt chan mưa. Quá khứ ngập hiện tại. Sự im lặng phủ quá khứ oai hùng. Tất cả, tất cả vẫn còn như thể là chiến tranh chưa hết trong mắt người ở lại.

Đa số những nhân vật của tôi đều là những thân phận thiệt thòi. Đó là chị Trần Thị Thông, người con gái còn sống sót sau một trận mưa bom ở Truông Bồn-Nghệ An, xoá sổ gần hết tiểu đội của chị. Mang thương tật, mất hết giấy tờ, đến cả chế độ thương binh cũng không được. Khi tái diễn lại quá khứ Truông Bồn, chị phát hoảng khi có ai đó tự lên nhận là người sống sót duy nhất trong khi nhân chứng Trần Thị Thông vẫn còn đó. Giờ phần nào cuộc sống của chị được cải thiện, cách đây ít hôm anh chị có gọi điện cho tôi mời tôi vì cưới đứa con trai út.

Đó còn là anh Lê Xuân Chinh, nhân vật trong bức ảnh Nụ cười dưới chân Thành cổ, cũng mất hết giấy tờ và chịu đựng cuộc sống bệnh tật như một gánh nặng cho vợ con ở Điện Biên. Đọc bài tôi viết về anh, một công ty nọ cũng nhận đỡ đầu cho con anh và nhận anh vào làm việc. Đó còn là một người cha hơn 30 năm đi tìm thi hài con dưới chân Thành Cổ, và đến giờ vẫn hy vọng tìm kiếm dù ông biết ông không còn sống được bao ngày nữa…Đó cũng có thể là những mối tình hiền Lương một thuở ngăn cách còn son sắt thuỷ chung cho đến bây giờ. Cũng có thể là những người thanh niên sống bên kia chiến tuyến, đã không tiếc tuổi trẻ, gác bút xuống đường tranh đấu…Họ là những con người “sống là cho” đúng nghĩa. Cho mà không đòi hỏi cái sự nhận. Cho để người khác nhận.

3.Khi viết về họ, tôi là một phóng viên tập sự ở báo Quân đội nhân dân, với mảnh giấy giới thiệu chu du gần hết mảnh đất hình chữ S này, đặc biệt là những nơi từng là đất lửa dữ dội một thời. Có khi cả tháng trời tôi nằm ở Vĩnh Linh (Quảng Trị), Quảng Trạch (Quảng Bình), Thăng Bình (Quảng Nam), Can Lộc (Hà Tĩnh), Huế…Viết, gom nhuận bút một đợt tôi lại tiếp tục lên đường. Nhiều cán địa phương thấy tôi là lạ, cho ở nhờ và giới thiệu những nhân vật để tôi viết. Cũng có nơi thấy tờ giấy giới thiệu phóng viên tập sự, thì chối ngay từ đầu. Nhưng dù có thế nào, tôi cũng đã làm được điều mà tôi hứa với cha tôi: “Con sẽ là một phóng viên viết về hậu chiến”.

Sau một thời gian kiên trì với những thân phận, tôi chính thức vào quân ngũ, thành một phóng viên mặc áo lính- là một sỹ quan quân đội. 6 năm với từng đó nhân vật, nghĩ mình nên “rời sân cỏ” để chuyển sang viết các vấn đề xã hội. Khi tôi rời mảng hậu chiến cũng là lúc tôi rời quân ngũ để chuyển sang một tờ báo mới. Và chạy theo những đòi hỏi của một phóng viên chuyên nghiệp cho đến bây giờ.

Trải qua một hành trình làm báo: từ phóng viên chuyên viết về hậu chiến, thành một phóng viên xã hội nói chung, rồi đến phóng viên chuyên chạy tin tức thời sự, tôi thấy mình được rất nhiều từ những tháng ngày lăn lộn hết nơi này sang nơi nọ để tìm những mảnh đời sau khi chiến tranh đi qua. Đó là những tháng ngày đẹp nhất của một chặng hành trình nghề nghiệp, mà có lẽ khi đã đi qua rồi tôi luôn lấy để răn mình giữ cái tâm trong cuộc đời làm báo. Những nhân vật đã ở lại trong trang viết và đã vô hình dạy cho tôi cái lẽ cho và nhận giữa cuộc đời, giữ sự chân thành và trong sạch của một người cầm bút. Có những lúc nào đó, khi sự cám dỗ đang đến gần, các nhân vật như hiện ra và nhìn tôi. Chỉ cần chừng đó thôi, cũng đủ để tôi thấy mình nên và không nên làm gì…

Tôi muốn trích lại đoạn kết trong bài ký Sông Gianh và mẹ, cho bài viết này: “Hôm ấy, ông Hiếu gàn cùng tôi đi dạo trên cầu sông Gianh. Sông yên ả quá. Chiếc cầu mới thênh thang quá. Ông Hiếu nhìn xa, nơi những con sóng đổ dồn nhau ra biển và ông nhận về mình một nỗi buồn từ quá khứ vọng lại. Tôi hiểu nối buồn ấy, nỗi buồn của những người đọc những câu chuyện với những kết thúc chưa có hậu. Biết làm sao được, các thế hệ đã cùng nhau viết nên những câu chuyện và thế hệ sau lại viết tiếp. Nhưng vấn đề là viết tiếp như thế nào để tiếng cười nhiều hơn nước mắt, hạnh phúc nhiều hơn nỗi đau”…

Bài đăng trên tạp chí Nghề báo, số tháng 4-2009

Thứ Bảy

"ĐỪNG ĐỂ HOẠ XÂM LĂNG GIẾT CHẾT MÙA THU CỦA DÂN TỘC"

Hồi Tháng giêng, trong chuyến du Xuân đồng quê Bắc bộ, tôi có ghé thăm khu lưu niệm cụ Nguyễn Khuyến. Ở đây, tôi bất ngờ khi hậu duệ đời thứ 5 của cụ giảng giải về ba bài thơ Thu của cụ. Người giảng giải cho rằng, trong 3 bài thơ đó là một nỗi băn khoăn về vận mệnh đất nước: "Đừng để hoạ xâm lăng giết chết mùa Thu của dân tộc"

Mời các bạn xem nội dung qua Clip này

Thứ Ba

GIẢI THOÁT

Cô đồng nghiệp gọi tôi cà phê. Nhìn gương mặt hình như cô có tâm sự gì đó, tôi gợi mở trước:
-Sao tự dưng lại thích cà phê với tôi thế này?
-Tôi cũng đang có chuyện. Bình thường tôi không muốn tâm sự với ai nhưng tôi nghĩ là ông hiểu-cô đáp.

Lại là chuyện tình cảm. Thường thì ít khi tôi ngồi nghe ai đó nói chuyện riêng tư, dù họ cần mình. Nhưng trường hợp này thì khác, bởi người yêu của cô cũng là một người bạn của tôi.

-Ông thấy đấy, gặp đâu ai cũng hỏi chúng tôi khi nào cưới, rồi người ta còn trầm trồ đẹp đôi, rồi nọ kia. Bỗng dưng thời gian này ổng không nói gì cả
-Là sao? Không nói tất cả hay không nói chuyện cưới xin? Không nói với bà hay không nói với tất cả mọi người?
-Với tôi thôi. Tôi cũng không biết sao nữa. hỏi ông thì ông nói không có gì. Mà cứ ngày nào tôi gọi điện cứ cảm giác như mình đang làm phiền ổng. Hai đứa đi ăn thì phần ổng ổng cứ ăn.
-Hay nó có người khác?
-Điều này tôi khẳng định là không. Tôi đã tìm hiểu khắp mọi chốn. Nhưng thà là ổng có người khác để tôi còn thấy dễ hiểu. Chứ cứ hoài thế này, nặng nề lắm.
-Bà cần gì ở tôi lúc này?
-Ông nghĩ điều này ra sao?
-Theo tôi thì hai người nên chia tay. Bởi cậu ấy đang có một sự đổ vỡ về bà từ bên trong, mà nhiều khi không phải do lỗi lầm gì. Đơn giản là vì hiểu nhau quá nên chẳng còn gì mới mẻ nữa. Nếu cứ tiếp tục như vậy, chẳng khác gì tra tấn nhau.
-Nhưng tôi yêu ổng vì ổng là người thông minh, hài hước và đã thuyết phục tôi bằng một hình ảnh rất khác bây giờ.
-Nhưng trong một người đàn ông luôn luôn có những hình ảnh như bây giờ. Nếu có giải thích lí do của cái hình ảnh ấy cũng vậy thôi. Bây giờ thế này nhé, bà không chịu được con người cậu ấy bây giờ, nhưng tôi khẳng định là con người đó sẽ còn lặp lại. Đừng yêu hay lấy người nào đó chỉ vì ngưỡng mộ một chiều, một vài nét thể hiện tích cực trên phong cách của họ.
-Tôi phải làm gì bây giờ?
-Nhìn thẳng vào sự thật. Xinh đẹp, giỏi giang như bà thiếu gì người muốn có. Cần thiết gì phải làm khổ mình với một người không cần mình chứ.
-Nhưng đó là tình yêu!
-Rồi bà sẽ thấy tình yêu không đáng để tôn thờ như bà nghĩ đâu!

Cách đây 4 ngày, cô gọi điện cho tôi và nói đã chia tay nhẹ nhàng, như mình được giải thoát.

Thứ Hai

PHỐ THÀNH SÔNG

Chị Nguyễn Bay đi làm trễ, qua khúc "phố thành sông" Âu Cơ đột nhiên thả xe chạy vì có một cô gái bị điện giật chết gần đó.

Em Phan Trí báo cáo đề tài Ngập vì những công trình chống ngập.

Hắn bì bõm lội trên đường Trần Hưng Đạo để sang Công an thành phố lấy tin.




Phố của tôi đó!











Năm nay Sài Gòn mưa sớm. Và hơi trái quy luật. Thông thường một mùa mưa bắt đầu bằng cơn mưa buổi chiều.

4 giờ sáng, mưa đánh thức hắn dậy gom quần áo phơi ngoài lan can, rồi cất cái nồi cơm ăn dở ở ban công. 6 giờ, mặt trời đã dội nắng xuống, chuẩn bị trút một chảo lửa như mọi bận. Và dưới đường là những dòng sông. Những dòng xe như những đoàn thuyền thủ công, bì bạch lội nước.

Chỉ mấy ông xe bus là sướng. Cứ thế chạy phăng phăng, vô tư gây những đợt sóng khiến không ít xe té nhào. Đoạn nào thấy bà con bơi chậm quá, ông cứ rú còi inh ỏi. Một cô gái xinh đẹp không nhịn nổi, kéo phăng cái mũ trùm áo mưa ra chửi đổng: "bà nội mày, lội chết bỏ bà ra còn rú còi. Đồ khùng!"

Hắn không ăn sáng nổi. Xa Hà Nội 2 năm đã quên cái cảm giác phải ăn khổ ăn sở mặc bún chửi cháo quát và bừa bộn vỉa hè. Nếu hắn là ông Trịnh Cong Sơn hẳn hắn sẽ chẳng có được câu hát "Phố bỗng là dòng sông uốn quanh" đâu. Vì hắn không thể thơ, không thể nhạc với những "dòng sông" này. Nhất lại là dòng sông mang tiếng là "thiên tạo" nhưng thực ra là "nhân tạo"!

Thứ Bảy

MÙA LOA KÈN ĐÃ KHÁC


Năm trước anh nhắn tin: “Tháng Tư đã về, Sài Gòn có hoa Loa kèn không nhỉ?”. “Chắc cũng có. Nhưng có nghĩa gì nếu không phải là ở Hà Nội?”. “Đừng để những chuyện buồn đè nặng em nhé. Hãy giấu nó vào sâu trong lòng rồi làm việc cho tốt. Hãy tìm niềm vui trong cuộc sống hiện tại”.

Một bó Loa kèn được gửi cho tôi từ Hà Nội. Tôi cắm nó lên bàn làm việc. Mùi hương tinh khiết và sắc trắng dịu dàng đã làm cho những đồng nghiệp cảm thấy dễ chịu hơn trong những ngày công việc căng thẳng.

Mẹ tôi yêu loài hoa ấy. Mẹ sinh vào mùa hoa ấy. Và ra đi cũng trong mùa hoa ấy. Gần mười năm qua tôi cứ ám ảnh hình ảnh mẹ nằm gục bên bó hoa chưa kịp mang về cho lễ sinh nhật mẹ. Tên say rượu với chiếc xe điên của hắn đã cướp đi niềm vui bình dị của mẹ, cướp đi giây phút hạnh phúc ngắn ngủi sau bao năm khổ hạnh tảo tần cho chồng con…

Bố tôi đi bước nữa, nhưng luôn nhớ cắm Loa kèn cho mẹ suốt cả mùa hoa. Đã bao năm rồi, cứ đến ngày giỗ mẹ, những thành viên trong gia đình tôi gần như im lặng… Cái im lặng của những ám ảnh ngày cũ, của sự hụt hẫng khi mất đi một hạnh phúc viên mãn. Nhưng nặng nhất là người mẹ kế. Bà phải đối mặt với những điều không thể quên của một người đàn ông nặng tình. “Con hiểu cô, và luôn coi cô như mẹ. Cô là người phụ nữ tiếp tục hy sinh cho một bố con…”. “Cảm ơn con. Khi bố con vẫn còn nặng lòng với mẹ, cô phải lấy làm hạnh phúc mới đúng chứ. Cô đã lấy một người đàn ông chung thuỷ và biết yêu thương đúng nghĩa”. Tôi biết, cô không ghen với quá khứ của bố, nhưng cô có chút dối lòng…

Thấm thoắt đã hai mùa Loa kèn tôi xa Hà Nội. Tôi nghĩ, những buồn đau chắc vẫn nặng nguyên trong căn nhà ấy. Nụ cười đẫm nước mắt của người mẹ kế đâu đó vẫn nhoi nhói lòng tôi khi nghĩ về những ngày tháng này…

Anh gần như phản đối cái không khí nặng nề do những người thân khơi gợi lại trong gia đình tôi. Anh dạy tôi hãy biết quên. Anh khuyên tôi đi học ngoại ngữ, khuyên tôi nên thay đổi tư duy làm báo cho phù hợp với môi trường báo chí Sài Gòn. Anh rất vui về thành quả sau một quãng thời gian ngắn ngủi tôi bươn bả ở mảnh đất mới…

“Tháng Tư lại về rồi anh nhỉ?”-tôi nhắn tin cho anh. “Cả gia đình em nặng nề chưa đủ sao? Em lại còn tự nặng nề nữa làm gì. Buồn đau nếu chưa qua hãy nuốt nó vào trong. Cuộc đời vốn ngắn ngủi, hãy trân trọng từng giây phút sống. Hãy biết thương mình và thương những người phải chịu đựng nỗi buồn đó của mình. Và đừng tự tra tấn mình nữa”-anh nhắn lại.

Nếu không hiểu anh, hẳn tôi sẽ rất giận vì những dòng chữ ấy. Anh cũng giống như tôi, mẹ qua đời sớm, bố tục huyền và từ đó anh tự bươn chải với cuộc đời để học hành thành đạt như hôm nay. Anh luôn muốn nhìn thấy tôi là một đứa em mạnh mẽ, tự biết cách giải quyết những vấn đề của mình…

Cả gia đình tôi có chuyến du lịch phía Nam. Ngày đón ở sân bay, mẹ kế mang cho tôi bó Loa kèn đầu mùa. Hai đứa em tôi lớn nhanh ngoài sức tưởng tượng. Em trai sắp đi làm ở một công ty nước ngoài, trông em chững chạc hơn nhiều. Em gái đã thành một thiếu nữ xinh xắn, có nụ cười tinh khiết như mẹ. Bố tôi, những nếp nhăn thời gian cũng dần rõ trên khuôn mặt khắc khổ. Trong ánh mắt của từng người, có gì đó đã vui hơn, đã chịu đựng hơn, đã biết quên hơn như đang bỏ lại sau lưng một Hà Nội đầy hoa trắng…

Tôi cắm hoa Loa kèn trên góc riêng của mình. Những sắc trắng mong manh dịu lại cái nắng oi ả của tháng Tư Sài Gòn. Tôi biết, mùa Loa kèn này trong cuộc đời tôi đã mang một thông điệp khác: hiện tại luôn là một món quà. Dù trong tôi, vẫn luôn còn hình ảnh một Hà Nội ngập trong sắc hoa tinh khiết. Vẫn luôn còn hình ảnh mẹ với một mùa hoa ngắn ngủi…

Chắc sẽ rất lâu nữa tôi mới gặp lại anh.

THỜI GIAN CHỈ ĐƠN GIẢN LÀ NHỮNG TỜ LỊCH?

(Một bài thơ từ rất lâu rồi, trước khi giã từ việc...mần thơ)

GƯƠNG MẶT SAU NHỮNG TỜ LỊCH
.
Thứ Hai: công việc, Thứ Ba: công việc…Thứ n: vẫn công việc.
Em ở phía sau, trong tờ lịch ngày cuối tuần
Quán cà phê quen, bàn ghế ngả màu, khúc nhạc trở mình mỏi mệt
Em, lại thêm những lần nữa ở phía sau khói thuốc anh…

Trong bề bộn giờ và ngày, em đã giữ hơi thở nhau luôn xanh
Nhưng tóc đã ngược màu với nó
Anh đã cuốn em những hoàng hôn bão tố
Mà chẳng hứa ngày mai bình minh sẽ yên lành…

Ta đã lạc nhau giữa chính ta, giữa những tham vọng giờ thác đổ tan tành
Giữa bóng đêm, em đốt mình để làm người giữ lửa
Giữa ánh sáng ban ngày, em hoá đá chỉ mong làm điểm tựa
Giữa những chai sạn nơi đáy mắt anh…

Vẫn còn đó Đà Lạt, những lối Dã quỳ hết rực vàng rồi lại một mình xanh
Vẫn còn đó Nha Trang, biển gào lên rồi lại thầm dịu lắng
Vẫn còn đó Sài Gòn, ngập ngụa mưa rồi quay quắt nắng
Và tất cả đã là ngày hôm qua
em rời chỗ trong tờ ngày cuối tuần…

Để có về, cũng chỉ mong một lần anh ướm dấu chân anh
Con đường tả tơi bay những nhớ quên ngày cũ
Trăng đi đường trăng, mưa xé nát sông để lại những bóng hình vụn vỡ
Chảy về đâu, cái lời hẹn không thành…

Ta vẫn đi bên nhau, những kẻ song-độc hành
Đến chỗ không nhau, khói thuốc bỏ đi, những tàn nhang chấm đều khuôn mặt rõ
Mơ được tiếp nữa chăng giấc mơ lỡ dở?

Để chợt giật mình, tháng ngày đâu chỉ là những tờ lịch mỏng manh …

Thứ Tư

BUỔI SÁNG

-Nếu không đi học tao đánh sặc tiết mẹ mày giờ! Ngồi lên
...
-Mắc mớ chi ông đánh tui? Tui nhịn nhièu rồi. Anh em thì anh em, tui báo công an giờ đó!
...
-Tui nhịn bả 8 năm ròi đó. Má chồng loại gì mà bốn mùa khám giỏ xách con dâu?
...
Và hát karaoke xuyên giờ, ông ổng, trẻ già đều nhạc teen

Con hẻm nhà tôi đó!

TỪ HOA GẠO ĐẾN HOA LOA KÈN...