Tôi đứng về phe nước mắt...

Thứ Hai

Em, con gái Hàng Đào…

Cuối cùng tôi cũng bấm điện thoại gọi cho em. 11 giờ 30, cú điện thoại này có thể làm chồng em nhảy dựng lên nhưng tôi vẫn gọi. Giọng Hà Nội nhè nhẹ: “Anh ra Hà Nội à? Tám năm, mới nhớ đến em phải không? Ở khách sạn nào vậy?” Tôi chưa hết ngạc nhiên sao em lại có được số máy của tôi, em tiếp tục: “Làng báo nhỏ thế, mà anh cũng lắm người quan tâm, em đâu ngoại lệ. Bây giờ lang thang phố cổ nhé? Ăn phở khuya, uống trà nóng, được chứ?”
Tôi thấy ngại. Đã cảm phiền em vào lúc đêm khuya, lại còn bắt tội em dẫn đi bù khú vào cái giờ này. Em vốn là con nhà gia giáo Hà Thành gốc, lại là gái đã có chồng, ai nỡ đồng ý dù em có đề nghị chứ. “Anh vẫn thế nhỉ? Bọn em chia tay rồi. Giờ em solo. Cũng có vài chuyện muốn nói với anh, đi nhé, OK? À, mà anh cứ mặc quần cộc, không cần phải đóng nguyên đai nguyên kiện như cậu thư sinh trong trường Đại học năm xưa đâu nhé”.
Em bước ra khỏi taxi. Váy trắng, tóc thả, em vẫn trẻ như cô sinh viên năm nào. Bao năm xa Hà Nội, tôi vẫn giữ cái hình ảnh em với đôi môi mọng đỏ cong gợi cảm, đôi mắt đen mở to, chiếc mũi thẳng và làn da trắng như tuyết. Tôi bạo miệng: “Là theo ý em đấy nhé. Anh ăn mặc nghiêm túc sẽ không biết chửi bậy. Còn mặc thế này gặp mấy hàng bún chửi cháo quát mà chửi anh, anh chửi lại là em mất mặt đấy”. Em bảo: “Ôi dào, em còn lạ gì anh. Cũng phải có những móng tay nhọn như anh thì mấy cái vỏ quýt dày kia mới được bóc ra, để Hà Nội lịch sự hơn chút ít chứ”
Em là con gái Hàng Đào, xứ sở giai nhân nổi tiếng của đất kinh kỳ. Cái con phố nhỏ mềm mại với những tơ lụa (giờ có thêm đồng hồ) hàng trăm năm qua đã lưu giữ những nhan sắc cho Hà Thành. Bà ngoại em nhan sắc một chín một mười với bà Kim Châu-vợ nhạc sĩ Hoàng Giác, mẹ nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, là hoa khôi Hà Nội thời tạm chiếm. Mẹ và các dì của em đều là những người khiến bao chàng trai đội mưa phùn hàng đêm chỉ để được ngắm dáng giai nhân qua cửa sổ. Chị gái em từng là một Á hậu trong cuộc thi Hoa hậu Toàn quốc. Nhưng đến lượt em, mỗi người khuyên đi thi thì em chối đây đẩy: “Nếu mà đẹp rồi việc gì phải đi thi nữa. Em tối kỵ nhất là phụ nữ đi so sắc đẹp với nhau. Mỗi người có một nét đẹp riêng, đấy chưa nói là đẹp với người này nhưng không hẳn là đẹp với người kia. Hoa hậu thì nên trong lòng những người thân, là đủ”
Chỉ ở góc độ mỹ nhân, cái con phố cổ kính kia cũng lắm biến chuyển. Nhan sắc thì còn đó, vẫn nhất nhất là mặt hoa da phấn, nhưng sự lựa chọn để thành những cuộc đời, những số phận, thì nhiều. Ngay cả trong nhà em thôi, mẹ em giữ cái nết na gái Hà Thành cũ, buôn bán và nội trợ, một đời tận tụy với chồng con. Bố em bay bướm thế, quyến rũ bao cô gái, mẹ em vẫn một mực chịu đựng vì nghĩ rằng cho bố yêu để bố có cảm hứng sáng tác nhạc. Cuối đời, ông bị tai biến, mẹ lại dịu dàng chăm sóc từng tách trà, thìa cháo cho bố.
Em vẫn nói, mẹ em là một điển hình của người phụ nữ Hà Nội cổ. Nhưng khi đứa bạn cùng lớp vác máy quay đến muốn làm một chương trình về bà cùng bà Nguyễn Thị Xuyên, vợ của cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thì bà chối đây đẩy với lý do khá đơn giản: “Cảm ơn cháu đã quý mến và có ý. Cô chú già rồi, lên hình xấu lắm”. Nghĩ có thể làm bà đổi ý nhưng lại uổng công cho ông bạn cùng lớp tôi. Cuối cùng chương trình của nó bị phá sản vì mỗi người đưa ra một lý do nhưng lý do cơ bản, những người phụ nữ Hà Thành gốc thường ít nói về những chuyện riêng tư của mình.
Chị gái em, thi hoa hậu xong thì thành một model nổi tiếng xứ Bắc sau đó chọn Nam Tiến để lập nghiệp và giờ lấy chồng nước ngoài, sống sung túc ở trời Tây. “Chị cũng cô đơn lắm. Tháng nào cũng gọi điện về nói em gửi lụa sang để chị may váy đầm”-em nói. Tuổi trẻ quấn bao áo quần đủ mốt, mặt lạnh như kem Tràng Tiền là vậy, khi yên bề gia thất rồi, chị gái em lại thèm soi gương nhìn hình ảnh mình trong bộ váy lụa kinh kỳ.
Em nói, chị gái em thích nhìn cái cổ người phụ nữ đã có chồng sau tấm áo lụa. Trắng, đẹp và quyến rũ một cách kỳ lạ. Cái cổ hây hây xuân thì muộn mằn đằng sau mái tóc búi cao, đủ đánh gục bao gã si tình, đủ làm những gã đàn ông tâm hồn gỗ đá cũng phải mềm nhũn như con chi chi giờ cũng dần mất đi trong cái thành phố của cái đẹp này. Những phụ nữ thời nay cứ sợ già, vội vàng đưa mái tóc mình ra hành hạ các kiểu: sấy xù, ép thẳng, cắt tém, tóm lại là làm đủ thứ để thể hiện lòng ghen tị với những nhan sắc sen hàm tiếu thiếu nữ đang nhu nhú lên khỏi nền mướt xanh tuổi thanh xuân. Chưa đã thì bơm ngực, căng mọng và tràn trề; bơm môi cho hai làn môi cứ ngày một dần xa nhau vô thời hạn. Rồi rũ bỏ nết na, gia phong nề nếp đến các vũ trường, nhìn giai trẻ sôn sốt như bổ cau…
Em gái em thì khác. Mới học lớp 11 đã bắt mẹ sắm Dylan mới chịu ngồi yên. Học dương cầm thì chối nguây nguẩy nói: “Con có sở thích của con chứ. Nhảy hip-hop ai hơi đâu ngồi chơi đàn này”. Tóc thì nay một màu, mai một màu. Áo hồng cánh sen, áo xanh cổ vịt, quần trắng suốt chả cần sự hiện diện của…nội y. Em muốn làm tấm gương cho em gái soi thì em gái cho rằng đó là gương cổ, “không phản chiếu trung thực thời đại”; dùng lời ngọt ngào để khuyên ngăn thì cô bé cứ lồng lên nói phụ nữ thời nay cần cá tính, hiền thục về quê mà ở; dùng lời nặng nề thì cô bé đòi bỏ đi khỏi nhà…
Mà cũng không ít phen cả nhà lao đao vì cô bé bỏ đi thật. Gọi điện thoại thấy xung quanh âm nhạc ầm ầm như cô bé còn ở trong một cái địa ngục. Những tiếng hây-ha và gõ leng keng của chai bia chát chúa trong điện thoại. Có lần em đã không nhịn được và tặng cô bé mấy bạt tai khi nhìn thấy cảnh cô bé nằm vạ vật cùng một bạn gái học cùng lớp bên cạnh hai cậu choai choai trong một quán nhậu dành cho tuổi teen. Cô bé ủ rũ về nhà, giả vờ ngồi chăm lo học tập được vài hôm, thấy vài cậu trai ngấp ngó bên kia đường lại vội vàng thay đổi màu tóc thót ra đường…
Một hôm tình cờ lạc vào thế giới Blog em mới hay em gái em là một hot girl, ăn chơi sành điệu đâu có kém gì ai trên đời, văng tục chửi bậy cũng chẳng mấy ai chịu nổi. Cô bé có vẻ hả hê khi dư luận cả nước tức lộn ruột lên việc mấy đứa bạn cùng trang cùng lứa vẽ bậy lên hầm Kim Liên khi ngày đầu hầm thông xe. Khi đọc dòng phê phán trên báo về trai thanh gái lịch Hà Thành không còn thanh lịch, cô bé giật câu blast: “Thanh lịch, haizz, ngồi đến chết già đúng hem?”
Em thuộc dạng lưng chừng giữa mới và cũ như em tự nhận. Cũ ở chỗ vẫn “cổ lỗ” như mẹ, vẫn yêu cái cổ kiêu ba ngấn Hà Thành sau tấm áo lụa của chị. Nhưng mới ở chỗ dám…bỏ chồng. Chồng em cũng con nhà gia giáo ở phố Hàng Bông, là một học sinh ngoan được rèn giũa theo nề nếp gia phong, hơn em hai tuổi. Anh ta là một kỹ sư công nghệ thông tin, tiếp xúc nhiều với môi trường văn minh hiện đại nhưng trong gia đình lại rất phong kiến. Mọi ý kiến anh đưa ra phải là tuyệt đối. Về nhà ông chú ăn cơm, em sẽ ghi được điểm trong mắt anh ta nếu em đi nấu ăn cho bà thím đồng thời phải rửa sạch sẽ đống bát đũa mà cả tông ti họ hàng vừa mới chè chén hả hê xong. Mỗi sáng thưc dậy, bình nước nóng trong nhà tắm phải đủ nóng để anh…đánh răng; thức ăn đã được bày ra sẵn và quần áo, cà vạt đã phải phẳng phiu treo trong tủ.
Những chuyện đó dĩ nhiên em chịu đựng được vì ngay cả cuộc đời mẹ em cũng vùi mình vào những việc đó lo cho chồng cho con. Nhưng thời gian kéo theo nhiều thay đổi khác. Người đàn ông em lấy làm chồng đã xem cặp bồ như là mốt, uống bia lúc nào cũng phải vài em xinh tươi lau miệng. Đêm về, điện thoại rung bần bật bởi những tin nhắn hẹn ghé nhà hàng và đi câu cá vào cuối tuần cùng một cô gái xa lắc xa lơ nào đó. Em nhìn thẳng vào mắt anh ta: “Anh coi tôi còn không bằng mấy con vớ vẩn. Thôi, tôi đã quyết!”
Em mang mấy chiếc va li áo quần về ôm lấy mẹ mà khóc. Nhưng chẳng có nước mắt nào nhẹ bằng tự mình đứng dậy sau những đổ vỡ. Em lao vào công việc, tìm thấy những tình yêu với cuộc sống trong các bài viết của mình. Tôi cũng thật bất ngờ mỗi lần search tên em trên Google, đọc những bài em viết về trẻ nhiễm HIV, về những thân phận phụ nữ bị lừa bán, về những lớp học vùng cao. Mỗi bài viết, em đều đi đến tận nơi, tiếp xúc tường tận, về thể hiện với một văn phong ấm cúng. Em nói, tư liệu em khai thác được bao giờ cũng dư thừa, chẳng bao giờ phải bịa hay phóng bút ngoa ngôn như mấy tay viết phóng sự nổ tung trời ở đất Bắc.
“Anh chẳng chịu già đi. Còn em thì sắp đến cái tuổi búi tóc, mặc váy lụa và soi mình trong gương rồi nhỉ?”-em đùa. “Nếu anh cứ như bây giờ, đừng thư sinh một cách thái quá như ngày xưa, biết đâu ta đã thuộc về nhau? Em cũng không phải gặp bao lênh đênh còn anh cũng chẳng phải bỏ Hà Nội mà đi, anh nhỉ. Nhưng là số phận rồi”
Tôi nắm chặt bàn tay em. Đêm mùa hạ, Hà Nội oi bức. Tôi muốn nói rằng xa Hà Nội nhưng tôi vẫn không quên được hình bóng ấy. Tôi cũng muốn nói cậu sinh viên tỉnh lẻ năm xưa không dám mơ con gái Hà Thành. Vậy bây giờ thì sao nhỉ? Tôi nói gì bây giờ nhỉ?
Đêm chợt trắng như da em. Em, con gái Hàng Đào…

7 nhận xét:

Nặc danh nói...

Rat cam on HNV!
Minh da doc di doc lai...

LU nói...

àh, có lẽ blog của anh bị out of network của google rồi. Bây giờ anh dùng cái đang có open một cái mới cùng account nhưng khác tên goi. Thí dụ như cái cũ là Hoang Nguyen Vu thì cái mới anh add thêm một chử abc gì gì đó để network nó phân biệt ra được đó là cái thứ 2. Sau khi đăng kí thì anh mở phần setting bên darboard cái mới đăng kí cùng cái cũ một lúc hai màn hình. Sau đó anh đi từng mục xem bên cái mới nó set thế nào thì anh set cái cũ lại giống y như thế. Sau khi anh save cái cũ lại rồi thì từ nay nó cùng một đường link với cái mới, có nghĩa là anh đang ăn gian update cái cũ qua link của cái mới. Lúc trước Lu cũng bị thế nên làm như vầy đó.

Hoàng Nguyên Vũ nói...

Nac danh: Quy men nhau, sao khong de ten tuoi lai ban oi?
Lu: Cam on em nhieu nhe!

Nặc danh nói...

Tình cũ ko rủ cũng đến rùi anh nhỉ?

Nặc danh nói...

Ngổn ngang, sâu lắng :))

Nặc danh nói...

Ngổn ngang, sâu lắng :))

Nỗi cô đơn nói...

Nàng ây là ai ? Quen hay lạ ?