Tôi đứng về phe nước mắt...

Thứ Hai

HỌ LUÔN NHÌN TÔI


Bà Doãn Ngọc Trâm, mẹ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm kể lại những câu chuyện về con gái


Hàng năm, cứ đến dịp 30-4 tôi như bị đánh thức bởi một chặng đường mình đi, những thân phận mình gặp. Đâu đó là những câu chuyện kể, những giọt nước mắt của nhân vật, những tâm sự rất riêng nhưng đều có mẫu số chung: Họ, những con người trở về từ chiến tranh, với những cuộc đời không phẳng lặng, mãi mãi là những người bạn đồng hành cùng tôi suốt cuộc đời cầm bút. Tôi đã viết về họ suốt 6 năm ròng, khi còn là một phóng viên chập chững với những bước đi đầu tiên trong nghề.

1.“Có phải Vũ không? Mệ Thịnh nì”-giọng Quảng Bình trọ troẹ. “Mệ Thịnh trong bài báo Hoa cải vẫn nở vàng trên bến sông của con đó. Con khoẻ không? Mệ gọi báo tin cho con, mệ tìm được chú rùi nì”.

Tôi ngạc nhiên đến lặng người. Một bài báo đã được đăng cách đây gần 10 năm. Hồi đó, tôi đến huyện Quảng Trạch, Quảng Bình công tác với mục đích là tìm lại những người mẹ nuôi quân bên dòng sông Gianh lịch sử. Lang thang trên cầu sông Gianh chợt một người dân cho tôi biết, ở Quảng Trạch vẫn còn nhiều cô gái một thời dâng hiến tuổi thanh xuân cho bom đạn, khi hoà bình đã quá lứa lỡ thì. Tôi đã gặp ba chị (mà theo tuổi tác tôi phải gọi họ bằng các bác, các mệ mới đúng) và được nghe về họ để viết nên bài ký ấy. Một thời đạn lửa khốc liệt được các chị kể lại từ những vết thương. Và tuổi trẻ cũng được kể lại bằng những tình yêu trên chiến trận, vội vàng và đẹp như chính những cái chết vậy. Ám ảnh nhất vẫn là chị Võ Thị Thịnh.

Sẽ chỉ là một câu chuyện thông thường nếu chỉ là một cô TNXP ở bến phà Long Đại đêm đêm với những nhát cuốc san đường cho những đoàn xe kịp ra trận. Điều ám ảnh ở chị, người đàn bà đến giờ vẫn mang hai mảnh đạn trong phổi, ba mảnh đạn trong đầu, chấn thương sọ não, thương tật đến 81%-lại chính là hình bóng người thanh niên cùng đơn vị quê Nghệ An. Năm 1968, họ cùng nhau sống và chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, khúc phà Long Đại của tỉnh Quảng Bình. Năm 1969, anh đi B dài. Thời gian đầu vẫn thư đi thư lại, nhưng đến năm 1971 thì họ mất liên lạc. Ngày chiến thắng, có người nói với chị anh đã hy sinh, có người lại nói, vẫn nhìn thấy anh về rửa chân và hỏi về chị ở bến phà Lòng Đại.

Chị thì vẫn chờ. Chờ cho đến hết tuổi xuân, đến khi tóc trên đầu hai thứ mà anh vẫn không trở lại. Có lần, cầm dòng địa chỉ trên tay, chị tính về Nghệ An tìm anh nhưng lại nghĩ: “nếu anh có gia đình yên ấm thì mình không nên xuất hiện nữa. Còn nếu anh đã hy sinh thì mình về cũng chỉ khổ thêm cho những người thân của anh” nên đành thôi không tìm nữa. Bài báo tôi viết vào năm 2000, đến năm 2004 tôi chọn vào tập ký “Có tuổi hai mươi thành sóng nước”. Cuốn sách đó có mặt ở hầu hết các cơ sở Đoàn vì được đưa vào tủ sách Tiếp lửa truyền thống. Mãi đến năm 2007, một cậu công tác ở đoàn thanh niên ở huyện Đô Lương (Nghệ An) đưa về đọc cho cha cậu nghe. Người đàn ông rơm rớm mắt rồi lặng lẽ ghi lại dòng địa chỉ. Đến đầu năm 2009, ông cùng người con vào Quảng Bình tìm lại cô gái một thời…

“Con biết không, vợ ông bị ung thư chết. Ông chờ khi mô đứa con út lập gia đình ông mới nghĩ đến việc về thăm lại chiến trường. Ngày gặp, mệ có nhận ra chi nữa mô, may ra thì chỉ có đôi mắt. Đôi mắt răng mà lạ, không chịu già đi mới lạ”-chị Thịnh nói. Nhưng cũng chỉ là gặp thôi, dù chị Thịnh vẫn một đời chờ đợi nhưng số phận nhiều lúc trớ trêu hơn người ta tưởng. Chị cũng ra thăm anh một lần, các con anh mong muốn chị sẽ ở lại “con nuôi cha không bằng bà nuôi ông”, nhưng giờ đây chị không thể bỏ người mẹ già hơn 90 tuổi ở Quảng Bình để đi theo tiếng gọi tình yêu được nữa.

2.Khi còn làm phóng viên ở đất Bắc, thỉnh thoảng đi công tác tôi cũng có ghé thăm các nhân vật của tôi. Phải đau lòng mà nói, dù có viết lên thì số phận họ cũng vậy, không thay đổi được bao nhiêu. May chăng là những người đã hy sinh, mình góp một tiếng nói, địa phương mới xúc tiến làm hồ sơ để xét truy tặng cho họ danh hiệu, có thể là liệt sĩ, có thể là anh hùng... Hơn 150 nhân vật mà tôi gặp, hầu hết cho đến hôm nay, hai chữ thân phận vẫn còn công kênh so với những xương máu họ đã đổ cho những người cùng thời lẫn hậu thế để có được những no ấm hôm nay…

Trong một bài phỏng vấn ông Nguyễn Đình Liêu, khi ông còn là Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tôi đã không ngần ngại chia sẻ những “người thật việc thật” mà tôi đã thấy suốt chặng hành trình 6 năm kia. Ông Liêu rơm rớm: “Chúng ta đã muộn. Họ đã qua tuổi trẻ, có người về đất, có người thương tật. Con họ cũng đã lớn, nghèo khổ thất học cũng đã rồi. Sự báo đáp bao năm qua, cũng là một phần quá nhỏ so với những gì họ phải chịu đựng, chứ chưa nói đến là họ đã hy sinh xương máu”. Bạn đọc báo Quân đội nhân dân rất thích những tâm sự của Thứ trưởng Nguyễn Đình Liêu, bởi đó là điều rất thật và đúng, khi bài phỏng vấn của tôi in lên.

Ừ, thì hơn 150 nhân vật. Tôi muốn dựng nên một bức tranh hùng, muốn kế tiếp những cha chú đi trước đã vào tận chiến trường viết về họ dưới đạn pháo và chết chóc. Tôi tìm họ khi tiếng súng đã im, xem cuộc sống của họ ra sao. Nhiều người cho rằng một phóng viên trẻ sao không xông xáo đi theo mảng thời sự, xã hội mà suốt ngày hồi cố về những điều đã qua như vậy, tôi cũng chỉ cười qua chuyện rằng đó là điều tôi thích. Sẽ ít ai tưởng tượng được cái cảm giác đứng ngược gió trên tượng đài chiến thắng Thành cổ, gió thổi khói hương vào mắt. Hay là cùng các chú thả hoa viếng đồng đội trên sông Thạch Hãn. Hay cùng các bạn trẻ ôm đàn hát giữa nghĩa trang Trường Sơn. Hay cùng đi tìm hài cốt liệt sĩ giữa những trận mưa rừng. Nước mắt chan mưa. Quá khứ ngập hiện tại. Sự im lặng phủ quá khứ oai hùng. Tất cả, tất cả vẫn còn như thể là chiến tranh chưa hết trong mắt người ở lại.

Đa số những nhân vật của tôi đều là những thân phận thiệt thòi. Đó là chị Trần Thị Thông, người con gái còn sống sót sau một trận mưa bom ở Truông Bồn-Nghệ An, xoá sổ gần hết tiểu đội của chị. Mang thương tật, mất hết giấy tờ, đến cả chế độ thương binh cũng không được. Khi tái diễn lại quá khứ Truông Bồn, chị phát hoảng khi có ai đó tự lên nhận là người sống sót duy nhất trong khi nhân chứng Trần Thị Thông vẫn còn đó. Giờ phần nào cuộc sống của chị được cải thiện, cách đây ít hôm anh chị có gọi điện cho tôi mời tôi vì cưới đứa con trai út.

Đó còn là anh Lê Xuân Chinh, nhân vật trong bức ảnh Nụ cười dưới chân Thành cổ, cũng mất hết giấy tờ và chịu đựng cuộc sống bệnh tật như một gánh nặng cho vợ con ở Điện Biên. Đọc bài tôi viết về anh, một công ty nọ cũng nhận đỡ đầu cho con anh và nhận anh vào làm việc. Đó còn là một người cha hơn 30 năm đi tìm thi hài con dưới chân Thành Cổ, và đến giờ vẫn hy vọng tìm kiếm dù ông biết ông không còn sống được bao ngày nữa…Đó cũng có thể là những mối tình hiền Lương một thuở ngăn cách còn son sắt thuỷ chung cho đến bây giờ. Cũng có thể là những người thanh niên sống bên kia chiến tuyến, đã không tiếc tuổi trẻ, gác bút xuống đường tranh đấu…Họ là những con người “sống là cho” đúng nghĩa. Cho mà không đòi hỏi cái sự nhận. Cho để người khác nhận.

3.Khi viết về họ, tôi là một phóng viên tập sự ở báo Quân đội nhân dân, với mảnh giấy giới thiệu chu du gần hết mảnh đất hình chữ S này, đặc biệt là những nơi từng là đất lửa dữ dội một thời. Có khi cả tháng trời tôi nằm ở Vĩnh Linh (Quảng Trị), Quảng Trạch (Quảng Bình), Thăng Bình (Quảng Nam), Can Lộc (Hà Tĩnh), Huế…Viết, gom nhuận bút một đợt tôi lại tiếp tục lên đường. Nhiều cán địa phương thấy tôi là lạ, cho ở nhờ và giới thiệu những nhân vật để tôi viết. Cũng có nơi thấy tờ giấy giới thiệu phóng viên tập sự, thì chối ngay từ đầu. Nhưng dù có thế nào, tôi cũng đã làm được điều mà tôi hứa với cha tôi: “Con sẽ là một phóng viên viết về hậu chiến”.

Sau một thời gian kiên trì với những thân phận, tôi chính thức vào quân ngũ, thành một phóng viên mặc áo lính- là một sỹ quan quân đội. 6 năm với từng đó nhân vật, nghĩ mình nên “rời sân cỏ” để chuyển sang viết các vấn đề xã hội. Khi tôi rời mảng hậu chiến cũng là lúc tôi rời quân ngũ để chuyển sang một tờ báo mới. Và chạy theo những đòi hỏi của một phóng viên chuyên nghiệp cho đến bây giờ.

Trải qua một hành trình làm báo: từ phóng viên chuyên viết về hậu chiến, thành một phóng viên xã hội nói chung, rồi đến phóng viên chuyên chạy tin tức thời sự, tôi thấy mình được rất nhiều từ những tháng ngày lăn lộn hết nơi này sang nơi nọ để tìm những mảnh đời sau khi chiến tranh đi qua. Đó là những tháng ngày đẹp nhất của một chặng hành trình nghề nghiệp, mà có lẽ khi đã đi qua rồi tôi luôn lấy để răn mình giữ cái tâm trong cuộc đời làm báo. Những nhân vật đã ở lại trong trang viết và đã vô hình dạy cho tôi cái lẽ cho và nhận giữa cuộc đời, giữ sự chân thành và trong sạch của một người cầm bút. Có những lúc nào đó, khi sự cám dỗ đang đến gần, các nhân vật như hiện ra và nhìn tôi. Chỉ cần chừng đó thôi, cũng đủ để tôi thấy mình nên và không nên làm gì…

Tôi muốn trích lại đoạn kết trong bài ký Sông Gianh và mẹ, cho bài viết này: “Hôm ấy, ông Hiếu gàn cùng tôi đi dạo trên cầu sông Gianh. Sông yên ả quá. Chiếc cầu mới thênh thang quá. Ông Hiếu nhìn xa, nơi những con sóng đổ dồn nhau ra biển và ông nhận về mình một nỗi buồn từ quá khứ vọng lại. Tôi hiểu nối buồn ấy, nỗi buồn của những người đọc những câu chuyện với những kết thúc chưa có hậu. Biết làm sao được, các thế hệ đã cùng nhau viết nên những câu chuyện và thế hệ sau lại viết tiếp. Nhưng vấn đề là viết tiếp như thế nào để tiếng cười nhiều hơn nước mắt, hạnh phúc nhiều hơn nỗi đau”…

Bài đăng trên tạp chí Nghề báo, số tháng 4-2009

Thứ Bảy

"ĐỪNG ĐỂ HOẠ XÂM LĂNG GIẾT CHẾT MÙA THU CỦA DÂN TỘC"

Hồi Tháng giêng, trong chuyến du Xuân đồng quê Bắc bộ, tôi có ghé thăm khu lưu niệm cụ Nguyễn Khuyến. Ở đây, tôi bất ngờ khi hậu duệ đời thứ 5 của cụ giảng giải về ba bài thơ Thu của cụ. Người giảng giải cho rằng, trong 3 bài thơ đó là một nỗi băn khoăn về vận mệnh đất nước: "Đừng để hoạ xâm lăng giết chết mùa Thu của dân tộc"

Mời các bạn xem nội dung qua Clip này

Thứ Ba

GIẢI THOÁT

Cô đồng nghiệp gọi tôi cà phê. Nhìn gương mặt hình như cô có tâm sự gì đó, tôi gợi mở trước:
-Sao tự dưng lại thích cà phê với tôi thế này?
-Tôi cũng đang có chuyện. Bình thường tôi không muốn tâm sự với ai nhưng tôi nghĩ là ông hiểu-cô đáp.

Lại là chuyện tình cảm. Thường thì ít khi tôi ngồi nghe ai đó nói chuyện riêng tư, dù họ cần mình. Nhưng trường hợp này thì khác, bởi người yêu của cô cũng là một người bạn của tôi.

-Ông thấy đấy, gặp đâu ai cũng hỏi chúng tôi khi nào cưới, rồi người ta còn trầm trồ đẹp đôi, rồi nọ kia. Bỗng dưng thời gian này ổng không nói gì cả
-Là sao? Không nói tất cả hay không nói chuyện cưới xin? Không nói với bà hay không nói với tất cả mọi người?
-Với tôi thôi. Tôi cũng không biết sao nữa. hỏi ông thì ông nói không có gì. Mà cứ ngày nào tôi gọi điện cứ cảm giác như mình đang làm phiền ổng. Hai đứa đi ăn thì phần ổng ổng cứ ăn.
-Hay nó có người khác?
-Điều này tôi khẳng định là không. Tôi đã tìm hiểu khắp mọi chốn. Nhưng thà là ổng có người khác để tôi còn thấy dễ hiểu. Chứ cứ hoài thế này, nặng nề lắm.
-Bà cần gì ở tôi lúc này?
-Ông nghĩ điều này ra sao?
-Theo tôi thì hai người nên chia tay. Bởi cậu ấy đang có một sự đổ vỡ về bà từ bên trong, mà nhiều khi không phải do lỗi lầm gì. Đơn giản là vì hiểu nhau quá nên chẳng còn gì mới mẻ nữa. Nếu cứ tiếp tục như vậy, chẳng khác gì tra tấn nhau.
-Nhưng tôi yêu ổng vì ổng là người thông minh, hài hước và đã thuyết phục tôi bằng một hình ảnh rất khác bây giờ.
-Nhưng trong một người đàn ông luôn luôn có những hình ảnh như bây giờ. Nếu có giải thích lí do của cái hình ảnh ấy cũng vậy thôi. Bây giờ thế này nhé, bà không chịu được con người cậu ấy bây giờ, nhưng tôi khẳng định là con người đó sẽ còn lặp lại. Đừng yêu hay lấy người nào đó chỉ vì ngưỡng mộ một chiều, một vài nét thể hiện tích cực trên phong cách của họ.
-Tôi phải làm gì bây giờ?
-Nhìn thẳng vào sự thật. Xinh đẹp, giỏi giang như bà thiếu gì người muốn có. Cần thiết gì phải làm khổ mình với một người không cần mình chứ.
-Nhưng đó là tình yêu!
-Rồi bà sẽ thấy tình yêu không đáng để tôn thờ như bà nghĩ đâu!

Cách đây 4 ngày, cô gọi điện cho tôi và nói đã chia tay nhẹ nhàng, như mình được giải thoát.

Thứ Hai

PHỐ THÀNH SÔNG

Chị Nguyễn Bay đi làm trễ, qua khúc "phố thành sông" Âu Cơ đột nhiên thả xe chạy vì có một cô gái bị điện giật chết gần đó.

Em Phan Trí báo cáo đề tài Ngập vì những công trình chống ngập.

Hắn bì bõm lội trên đường Trần Hưng Đạo để sang Công an thành phố lấy tin.




Phố của tôi đó!











Năm nay Sài Gòn mưa sớm. Và hơi trái quy luật. Thông thường một mùa mưa bắt đầu bằng cơn mưa buổi chiều.

4 giờ sáng, mưa đánh thức hắn dậy gom quần áo phơi ngoài lan can, rồi cất cái nồi cơm ăn dở ở ban công. 6 giờ, mặt trời đã dội nắng xuống, chuẩn bị trút một chảo lửa như mọi bận. Và dưới đường là những dòng sông. Những dòng xe như những đoàn thuyền thủ công, bì bạch lội nước.

Chỉ mấy ông xe bus là sướng. Cứ thế chạy phăng phăng, vô tư gây những đợt sóng khiến không ít xe té nhào. Đoạn nào thấy bà con bơi chậm quá, ông cứ rú còi inh ỏi. Một cô gái xinh đẹp không nhịn nổi, kéo phăng cái mũ trùm áo mưa ra chửi đổng: "bà nội mày, lội chết bỏ bà ra còn rú còi. Đồ khùng!"

Hắn không ăn sáng nổi. Xa Hà Nội 2 năm đã quên cái cảm giác phải ăn khổ ăn sở mặc bún chửi cháo quát và bừa bộn vỉa hè. Nếu hắn là ông Trịnh Cong Sơn hẳn hắn sẽ chẳng có được câu hát "Phố bỗng là dòng sông uốn quanh" đâu. Vì hắn không thể thơ, không thể nhạc với những "dòng sông" này. Nhất lại là dòng sông mang tiếng là "thiên tạo" nhưng thực ra là "nhân tạo"!

Thứ Bảy

MÙA LOA KÈN ĐÃ KHÁC


Năm trước anh nhắn tin: “Tháng Tư đã về, Sài Gòn có hoa Loa kèn không nhỉ?”. “Chắc cũng có. Nhưng có nghĩa gì nếu không phải là ở Hà Nội?”. “Đừng để những chuyện buồn đè nặng em nhé. Hãy giấu nó vào sâu trong lòng rồi làm việc cho tốt. Hãy tìm niềm vui trong cuộc sống hiện tại”.

Một bó Loa kèn được gửi cho tôi từ Hà Nội. Tôi cắm nó lên bàn làm việc. Mùi hương tinh khiết và sắc trắng dịu dàng đã làm cho những đồng nghiệp cảm thấy dễ chịu hơn trong những ngày công việc căng thẳng.

Mẹ tôi yêu loài hoa ấy. Mẹ sinh vào mùa hoa ấy. Và ra đi cũng trong mùa hoa ấy. Gần mười năm qua tôi cứ ám ảnh hình ảnh mẹ nằm gục bên bó hoa chưa kịp mang về cho lễ sinh nhật mẹ. Tên say rượu với chiếc xe điên của hắn đã cướp đi niềm vui bình dị của mẹ, cướp đi giây phút hạnh phúc ngắn ngủi sau bao năm khổ hạnh tảo tần cho chồng con…

Bố tôi đi bước nữa, nhưng luôn nhớ cắm Loa kèn cho mẹ suốt cả mùa hoa. Đã bao năm rồi, cứ đến ngày giỗ mẹ, những thành viên trong gia đình tôi gần như im lặng… Cái im lặng của những ám ảnh ngày cũ, của sự hụt hẫng khi mất đi một hạnh phúc viên mãn. Nhưng nặng nhất là người mẹ kế. Bà phải đối mặt với những điều không thể quên của một người đàn ông nặng tình. “Con hiểu cô, và luôn coi cô như mẹ. Cô là người phụ nữ tiếp tục hy sinh cho một bố con…”. “Cảm ơn con. Khi bố con vẫn còn nặng lòng với mẹ, cô phải lấy làm hạnh phúc mới đúng chứ. Cô đã lấy một người đàn ông chung thuỷ và biết yêu thương đúng nghĩa”. Tôi biết, cô không ghen với quá khứ của bố, nhưng cô có chút dối lòng…

Thấm thoắt đã hai mùa Loa kèn tôi xa Hà Nội. Tôi nghĩ, những buồn đau chắc vẫn nặng nguyên trong căn nhà ấy. Nụ cười đẫm nước mắt của người mẹ kế đâu đó vẫn nhoi nhói lòng tôi khi nghĩ về những ngày tháng này…

Anh gần như phản đối cái không khí nặng nề do những người thân khơi gợi lại trong gia đình tôi. Anh dạy tôi hãy biết quên. Anh khuyên tôi đi học ngoại ngữ, khuyên tôi nên thay đổi tư duy làm báo cho phù hợp với môi trường báo chí Sài Gòn. Anh rất vui về thành quả sau một quãng thời gian ngắn ngủi tôi bươn bả ở mảnh đất mới…

“Tháng Tư lại về rồi anh nhỉ?”-tôi nhắn tin cho anh. “Cả gia đình em nặng nề chưa đủ sao? Em lại còn tự nặng nề nữa làm gì. Buồn đau nếu chưa qua hãy nuốt nó vào trong. Cuộc đời vốn ngắn ngủi, hãy trân trọng từng giây phút sống. Hãy biết thương mình và thương những người phải chịu đựng nỗi buồn đó của mình. Và đừng tự tra tấn mình nữa”-anh nhắn lại.

Nếu không hiểu anh, hẳn tôi sẽ rất giận vì những dòng chữ ấy. Anh cũng giống như tôi, mẹ qua đời sớm, bố tục huyền và từ đó anh tự bươn chải với cuộc đời để học hành thành đạt như hôm nay. Anh luôn muốn nhìn thấy tôi là một đứa em mạnh mẽ, tự biết cách giải quyết những vấn đề của mình…

Cả gia đình tôi có chuyến du lịch phía Nam. Ngày đón ở sân bay, mẹ kế mang cho tôi bó Loa kèn đầu mùa. Hai đứa em tôi lớn nhanh ngoài sức tưởng tượng. Em trai sắp đi làm ở một công ty nước ngoài, trông em chững chạc hơn nhiều. Em gái đã thành một thiếu nữ xinh xắn, có nụ cười tinh khiết như mẹ. Bố tôi, những nếp nhăn thời gian cũng dần rõ trên khuôn mặt khắc khổ. Trong ánh mắt của từng người, có gì đó đã vui hơn, đã chịu đựng hơn, đã biết quên hơn như đang bỏ lại sau lưng một Hà Nội đầy hoa trắng…

Tôi cắm hoa Loa kèn trên góc riêng của mình. Những sắc trắng mong manh dịu lại cái nắng oi ả của tháng Tư Sài Gòn. Tôi biết, mùa Loa kèn này trong cuộc đời tôi đã mang một thông điệp khác: hiện tại luôn là một món quà. Dù trong tôi, vẫn luôn còn hình ảnh một Hà Nội ngập trong sắc hoa tinh khiết. Vẫn luôn còn hình ảnh mẹ với một mùa hoa ngắn ngủi…

Chắc sẽ rất lâu nữa tôi mới gặp lại anh.

THỜI GIAN CHỈ ĐƠN GIẢN LÀ NHỮNG TỜ LỊCH?

(Một bài thơ từ rất lâu rồi, trước khi giã từ việc...mần thơ)

GƯƠNG MẶT SAU NHỮNG TỜ LỊCH
.
Thứ Hai: công việc, Thứ Ba: công việc…Thứ n: vẫn công việc.
Em ở phía sau, trong tờ lịch ngày cuối tuần
Quán cà phê quen, bàn ghế ngả màu, khúc nhạc trở mình mỏi mệt
Em, lại thêm những lần nữa ở phía sau khói thuốc anh…

Trong bề bộn giờ và ngày, em đã giữ hơi thở nhau luôn xanh
Nhưng tóc đã ngược màu với nó
Anh đã cuốn em những hoàng hôn bão tố
Mà chẳng hứa ngày mai bình minh sẽ yên lành…

Ta đã lạc nhau giữa chính ta, giữa những tham vọng giờ thác đổ tan tành
Giữa bóng đêm, em đốt mình để làm người giữ lửa
Giữa ánh sáng ban ngày, em hoá đá chỉ mong làm điểm tựa
Giữa những chai sạn nơi đáy mắt anh…

Vẫn còn đó Đà Lạt, những lối Dã quỳ hết rực vàng rồi lại một mình xanh
Vẫn còn đó Nha Trang, biển gào lên rồi lại thầm dịu lắng
Vẫn còn đó Sài Gòn, ngập ngụa mưa rồi quay quắt nắng
Và tất cả đã là ngày hôm qua
em rời chỗ trong tờ ngày cuối tuần…

Để có về, cũng chỉ mong một lần anh ướm dấu chân anh
Con đường tả tơi bay những nhớ quên ngày cũ
Trăng đi đường trăng, mưa xé nát sông để lại những bóng hình vụn vỡ
Chảy về đâu, cái lời hẹn không thành…

Ta vẫn đi bên nhau, những kẻ song-độc hành
Đến chỗ không nhau, khói thuốc bỏ đi, những tàn nhang chấm đều khuôn mặt rõ
Mơ được tiếp nữa chăng giấc mơ lỡ dở?

Để chợt giật mình, tháng ngày đâu chỉ là những tờ lịch mỏng manh …

Thứ Tư

BUỔI SÁNG

-Nếu không đi học tao đánh sặc tiết mẹ mày giờ! Ngồi lên
...
-Mắc mớ chi ông đánh tui? Tui nhịn nhièu rồi. Anh em thì anh em, tui báo công an giờ đó!
...
-Tui nhịn bả 8 năm ròi đó. Má chồng loại gì mà bốn mùa khám giỏ xách con dâu?
...
Và hát karaoke xuyên giờ, ông ổng, trẻ già đều nhạc teen

Con hẻm nhà tôi đó!