Tôi đứng về phe nước mắt...

Thứ Bảy

CÒN DUYÊN...

Cuối tuần. Loanh quanh vài nhà sách, tôi cũng kiếm được mấy CDs Quan họ (Những CDs này từng có hồi ở Hà Nội nhưng đã không mang vào SG dù có người gợi ý mang đi khi rời xa miền Bắc). Sau hai năm quen dần với giọng nói, không gian miền Nam, và cùng những ngày vùi đầu với ngoại ngữ, đĩa Quan họ tự dưng làm tôi giật mình. Nghe một lần. Nghe nhiều lần. Nghe trước khi đi ngủ. Nghe giữa giờ trưa. Vẫn thế thôi, lời hát đã quen, giai điệu đã thuộc, mà sao như thể lâu lắm rồi mình ngủ, nay được đánh thức...

Một không gian miền Bắc trải dài trước mặt. Tường gạch đỏ chỗ lồi chỗ lõm trơ ra. Mái ngói nâu không đồng đều nghiêng nghiêng dốc thời gian. Và những cánh áo nâu cũ kỹ của những cụ bà áo nâu, khăn mỏ quạ. Tôi biết, những hình ảnh này đang mất đi. Những cánh áo sẽ theo các cụ về đất hết trong tương lai gần. Những tường gạch, mái ngói nâu sẽ thay bằng đủ thứ tường, ngói khác theo kiểu kiến trúc mà chắc hẳn sẽ không ai biết đó là kiểu gì...Tôi thấy nhói trong tim mình một cơn như tay ai đó bóp nhẹ mà buốt. Hình như ai đó đang lấy đi của mình một cái gì đó mà mình không đủ sức níu giữ...

Dù chỉ là "đất ở" thôi, nhưng không gian đó từ bao giờ đã thuộc về mình đúng nghĩa từ "sở hữu". Cái không gian mà người bạn tri âm hiểu được mình rất cần từ ánh mắt, nên mỗi chuyến đi dã ngoại cậu thường rủ mình tới đó. Quan họ ra đời từ đó và sống ở đó. Đình chùa miếu mạo quần tụ lại cũng từ nó. Làn khói hương cũng tạo cảm giác linh thiêng hơn từ đó. Giọt mưa xuân cũng đầy sức sống hơn từ đó. Đến cả lối đi, thơ hơn cũng từ đó...

Có ai nghĩ đến việc làm một điều gì đó cho không gian văn hóa Kinh Bắc không nhỉ? Mà rằng nghĩ cũng chỉ để mà nghĩ thôi, mất còn là lẽ tự nhiên, nhưng mất sớm hay mất muộn lại do ý thức con người. Không gian văn hóa cũng có sự đấu tranh sinh tồn của nó. Nhiều khi, chết đi để mãi giữ một hình hài đẹp cho hậu thế hoài cổ, hơn là tồn tại với một hình hài què quặt và vụng về...

Một người bạn Mỹ nghe đĩa Quan họ, bắt tôi lý giải từng chữ. Cậu ta ngạc nhiên về những ca từ lạ nhưng lại đắm mê giai điệu. Khi cậu xem DVD, cậu mới ngạc nhiên thốt lên: "Một không gian mê hoặc". Cậu bắt bằng mọi giá phải đưa cậu mục sở thị trong mùa Xuân tới...Tôi biết, rồi tôi sẽ phải giải thích với cậu nhiều về những thứ sẽ khác với cậu tưởng tượng, và khác với những gì tưởng như yên bề trong tâm thức của tôi...

Như thể còn ở đó những buổi trưa mùa hạ ngồi góc chùa nghe vẳng quan họ qua radio. Như thể còn ở đó những mùa Xuân xem quan họ còn duyên.

Bây giờ, thấy liền anh liền chị "hàng thật" cứ khoe duyên nhiều nhưng thấy chẳng mấy còn duyên nữa. Vì đơn gian không gian sống của cái duyên ấy đang từ từ trôi như sóng...

Tôi cũng thấy lòng mình là sóng, dù sóng nhẹ...

Thứ Tư

AI TẠO RA KẺ THÙ?

Đọc xong hai bức thư này, tôi giá như rằng mọi thanh niên Trung Quốc đều nghĩ như Quách Tương Uy.

Xin lỗi Ailien Tran và thật sự lấy làm xấu hổ với tôi, khi tôi không viết được những dòng như thế.

Chẳng ai muốn lấy chính máu mình để gây thêm thù hận. Chết để bảo vệ từng tấc đất cha ông là một cái chết anh hùng. Nhưng lấy cái chết của người khác mà mưu lợi là một việc đáng ghê tởm và lịch sử sẽ không bao giờ tha thứ.

Sự hy sinh của Huyền Trân cho Đại Việt được đất và cho vua cha yên vững ngai vàng đâu có gì khác nhau. Hy sinh thì cao quý nhưng phía sau sự hy sinh là cái gì thì lịch sử sẽ phán xét. Nhưng, hy sinh vì dân tộc là một nghĩa vụ. Dân tộc, nên nhớ vậy. Không một nhóm người nào được quyền nhân danh dân tộc, được quyền đại diện cho lịch sử bốn ngàn năm bằng chính người dân. Cũng không một hệ tư tưởng nào được quyền nhân danh nguyện vọng cuả nhân dân. Mà chỉ có, dân đồng ý hay không đồng ý, lựa chọn hay không lựa chọn.

Và cái cuối cùng: Hòa bình-một giá trị nhân văn cao cả.


Lá thư của hai người trẻ

Trung Quốc và Việt Nam có cuộc chiến ngắn nhưng đẫm máu năm 1979
Thư trao đổi của hai nữ công dân Việt Nam và Trung Quốc thể hiện cái nhìn của hai người trẻ về quan hệ phức tạp giữa hai nước.

Cô Ailien Tran, Nghiên cứu sinh Fulbright 2009, có cảm xúc sau khi đọc bài viết trên BBC của Quách Tương Uy liên quan cuộc chiến biên giới 1979.

Đáp lại, nữ sinh Trung Quốc đang học ở London bày tỏ suy nghĩ của cô về chiến tranh và hòa bình.

Thư của Ailien Tran:

Khi cuộc chiến tranh biên giới bùng nổ, tôi còn là trẻ con học tiểu học. Cha tôi vẫn còn trong trại tù cải tạo, và gia đình tôi bị đuổi ra sống trước mái hiên nhà cũ của mình. Là một đứa trẻ thơ, tôi bị bối rối giữa hai lối suy nghĩ và lời nói hoàn toàn trái ngược giữa nhà trường và mọi người trong xóm.

Lúc đó còn quá sớm để người Sài Gòn quên đi những ký ức của sự phồn thịnh trước năm 1975. Người ta không quan tâm mấy đến tin tức từ biên giới phía Bắc, và họ cũng chẳng cảm động bao nhiêu về sự hy sinh của bộ đội miền Bắc. Họ vẫn còn vương vấn về sự kiện lịch sử đã thay đổi cuộc đời của họ cách đó 4 năm.

Từ sự sụp đổ của Sài Gòn năm 1975, đối với người miền Nam, bộ đội miền Bắc không hẳn là "anh hùng trong lòng" họ và miền Bắc không hoàn toàn là “quê hương trong trái tim” họ. Thế nhưng, càng ngày càng nhiều những câu chuyện và hình ảnh của người dân miền Bắc chạy nạn về phía Nam để tránh sự tàn sát của quân Trung Quốc, người miền Nam dần dần và thậm chí mau chóng cảm nhận tình nghĩa đồng bào cốt nhục của những sự mất mác mà người miền Bắc phải gánh chịu.

Người miền Nam bắt đầu hưởng ứng lời kêu gọi yêu nước của chính quyền mới. Thế là một lần nữa tâm hồn và ý chí Việt Nam lại thu về một mối, đó là ủng hộ và bảo vệ những gì Việt Nam, bất kể Nam hay Bắc, và chống lại những gì ngoại bang, bất kể là Trung Quốc, Pháp, hay Mỹ.

Là trẻ con tuổi tiểu học, tôi không biết lựa chọn gì hơn là nghe theo mọi người quanh mình. Tôi đã từng phẫn nộ và căm thù lính Trung Quốc dựa trên sự miêu tả của chính quyền. Và rồi tôi lớn lên, những ký ức về cuộc chiến tranh biên giới trôi vào quên lãng. Tôi cùng gia đình sang định cư ở Hoa Kỳ, và chật vật với cuộc sống mới. Tôi học hành và làm việc với rất nhiều sắc tộc khác nhau, trong đó có người đến từ Trung Quốc.

Tôi làm bạn và trở nên thân thiết với rất nhiều loại người khác nhau, ngay cả người Trung Quốc. Chưa bao giờ tôi nhớ hoặc nghĩ về cuộc chiến biên giới. Suốt ba mươi năm qua, chính quyền Việt Nam lẫn Trung Quốc đều không nhắc đến cuộc chiến này một cách chính thức hay tưởng niệm một cách long trọng nhưng gần đây, đôi khi cũng có những lời bàn tán đây đó làm tôi suy tư.

Tôi đọc “Ký ức của những người bị quên lãng” của Quách Tương Uy đăng tải bởi BBC Vietnamese, và nhận thấy một sự thay đổi trong tâm hồn.

Hình ảnh người chiến binh Trung Quốc, đã từng làm tôi căm phẫn năm nào, không còn đáng ghét như xưa. Tôi nhìn tấm ảnh chụp những chiến binh rất trẻ tuổi trong đồng phục quân đội mà xót xa trong lòng.

Những chiến binh Trung Quốc này cũng ngây thơ và đầy tình cảm. Nếu họ không bị nhồi sọ hoặc cưỡng ép đi ra chiến trận, có lẽ họ cũng chẳng bao giờ làm hại ai.
Ailien Tran
Họ còn quá trẻ, lẽ ra họ phải được sống sung sướng cùng gia đình, tại sao họ phải làm lính và bỏ mạng tại Việt Nam hoặc sống sót với thân thể không lành lặn và nguyên vẹn, để rồi họ mau chóng bị lãng quên sau những tiếng tung hô của trận đánh cuối cùng. Trong bức ảnh này, những chiến binh Trung Quốc có vẻ rất tự hào và ngạo nghễ trên đường tiến đánh và giết hại người Việt Nam. Lẽ ra, tôi phải căm phẫn khi nhìn bức ảnh này.

Song, tôi lại thấy thương cảm cho họ. Tại sao? Vì họ cũng là con người thôi. Họ cũng yêu đời và thèm được sống như anh trai tôi hay cháu trai tôi vậy. Tôi còn nhớ khi còn bé thơ, tôi thường căm thù hình ảnh những người lính Pháp, Mỹ và Trung Quốc cạnh bên những thường dân Việt Nam không “một tấc sắt” trong tay. Nhưng ngày nay, sau khi được sống và làm việc với họ trên đất Hoa Kỳ, tôi nhận ra rằng họ cũng chỉ là những thanh niên rất trẻ, ngây thơ, yêu đời và đầy khát vọng hạnh phúc như những thanh niên Việt Nam mà tôi từng gặp cả đời tôi.

Quách Tương Uy viết về tâm tư tình cảm của những chiến binh Trung Quốc trong cuộc chiến tranh biên giới rất hồn nhiên làm tôi rất cảm động.

Những chiến binh Trung Quốc này cũng ngây thơ và đầy tình cảm. Nếu họ không bị nhồi sọ hoặc cưỡng ép đi ra chiến trận, có lẽ họ cũng chẳng bao giờ làm hại ai, đừng nói gì đến giết hại người Việt Nam ở Lạng Sơn.

Tôi hy vọng rằng sẽ không còn chiến binh Trung Quốc bỏ mạng ở Việt Nam dù đó là “sự hy sinh anh hùng". Chẳng có người Việt Nam nào muốn chiến tranh hoặc gây hấn với Trung Quốc.

Thanh niên Trung Quốc có quyền được sống hạnh phúc và theo đuổi những ước mơ giản dị của một đời người, đó là tình yêu, gia đình và sự sung túc. Họ không cần làm anh hùng trên chiến trận Việt Nam, để rồi mang lại đau thương cho gia đình và bản thân họ, và cuối cùng là bị quên lãng một cách tàn nhẫn bởi những người đã từng hun đúc ý chí anh hùng ngắn ngủi và đáng sợ ấy.

Thư của Quách Tương Uy

Thân gửi người bạn Việt Nam,


Nữ sinh Quách Tương Uy đang học ngành Quan hệ Quốc tế
Cảm ơn suy nghĩ của bạn. Tôi rất xúc động vì những lời bạn viết trong thư, đó cũng chính là xúc cảm của tôi về cuộc chiến và hòa bình.

Tôi hiện là sinh viên ngành Quan hệ Quốc tế, thành ra chiến tranh và hòa bình là chủ đề tôi luôn quan tâm, nhất là chiến tranh. Chúng ta nói về chiến tranh thường xuyên quá đến nỗi ta gần như tin rằng hòa bình chỉ là khoảng lặng tạm thời giữa hai cuộc chiến.

Trong lớp học, chúng tôi thảo luận về tranh chấp ở Biển Đông, hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc và cán cân quyền lực ở Đông Nam Á. Chúng tôi kết luận thật dễ dàng rằng xung đột tất yếu xảy ra vì quyền lợi các nhà nước đòi hỏi phải có giao tranh.

Ngoài lớp học, tôi có trông thấy những bức hình trên mạng BBC về hạm đội Trung Quốc. Tôi hiểu nỗi lo âu sâu sắc của các nước láng giềng Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.

Hòa bình trong thực tế luôn là một lựa chọn, và một ngày kia nó sẽ là lựa chọn duy nhất.
Quách Tương Uy
Nhưng tôi vẫn tin, thực lòng tin rằng, chúng ta vừa có thể là những người thực tiễn nhưng cũng tin vào hòa bình, vì hòa bình trong thực tế luôn là một lựa chọn, và một ngày kia nó sẽ là lựa chọn duy nhất.

Bạn có lý khi nói về những con người cụ thể trong chiến cuộc. Từ “quân đội” thật lạnh lùng, đáng sợ, thể hiện bộ máy nhà nước có khả năng giết người. Nhưng khi chúng ta nhìn sâu hơn, ta sẽ nhận ra mỗi người lính là một cá thể đầy ý nghĩa. Anh ta có thể là chồng, người tình, anh trai, con trai; và người lính đó cũng là cha tôi phục vụ trong quân đội Trung Quốc.

Nếu ở nơi chiến trường có ai đó ngần ngừ khi ra trận vì không muốn đánh mất vĩnh viễn người thân, thì điều đó cũng chẳng có gì là ích kỷ. Điều này không dính dáng gì đến lòng yêu nước, mà chúng ta đang bàn đến lòng nhân văn.

Khi còn bé, sống trong những câu chuyện của cha kể về những bóng ma Việt Nam xa lạ, tôi nghĩ mình sẽ đồng ý với việc giết người để bảo vệ “chúng tôi”. Nhưng sự thực không phải thế, các bạn không phải là bóng ma; những người lính Việt Nam cũng giống như cha tôi. Biên giới ngăn cách – cũng như kẻ thù - là do nhà nước tạo ra.

Vì thế, khi tôi đọc bình phẩm khiêu khích và kiêu ngạo của một số bạn Trung Quốc trên mạng, tưởng tượng các máy bay, tàu chiến khống chế Biển Đông, tôi cho rằng các bạn ấy thật ngây thơ về bạo lực và chiến tranh.

Quân đội trong tư cách bộ máy nhà nước quả có thể giết người. Nhưng chúng ta, những con người, thì không.

Trước thềm xung đột, nếu chúng ta có thể tự hỏi ai sẽ chịu đau khổ, chúng ta sẽ biết chiến tranh không phải là cách dễ dàng hơn để giải quyết.

Người bạn của tôi ạ, đó là vì sao, giống như bạn, tôi tin vào hòa bình.