Tôi đứng về phe nước mắt...

Thứ Ba

KIM CƯƠNG: LẦN NỮA VỚI BÙI GIÁNG

anh cho tôi một bài học: dù giàu dù nghèo, dù trẻ dù già, dù điên dù tỉnh, ta cũng phải có một mối tình để sống…Thực tế, một người đàn ông yêu đơn phương mình suốt 40 năm mà không một người đàn bà nào có thể lọt vào trái tim anh ấy được, đó là một tình cảm vĩ đại.


Cuộc đời kỳ nữ tuổi 72 này hồ như vẫn còn nhiều ẩn số. Khi cuốn hồi ký “Trôi theo dòng đời” của NSND Bảy Nam, thân mẫu của NS Kim Cương được xuất bản, bạn đọc hiểu hơn một chút về Kim Cương của ngày cũ nhưng chị cho rằng, nếu chị viết hồi ký như mẹ, chắc cuốn sách sẽ rất dày về những câu chuyện cuộc đời mình…

Chị tiếp tôi trong phòng lưu niệm NS Bảy Nam tại tư gia của chị. Căn phòng gọn gàng, tủ quần áo của thân mẫu vẫn nguyên vẹn như thể NS Bảy Nam còn đang đi diễn chưa về. Còn Kim Cương lại cho tôi một cảm giác khác hẳn, ngồi nói chuyện không tạo cái cảm giác như tôi đang thấy chị trên sân khấu. Những lời nói không trơn tru, linh hoạt như trên sân khấu, câu chuyện đời chị được kể với giọng ngắt quãng, có chút bối rối. Ký ức về mẹ được chị nhắc đầu tiên, là những điều không có trong cuốn “Trôi theo dòng đời”.

Những người tôi chọn, má không bao giờ chọn…

*Chị đề tựa trong cuốn “Trôi theo dòng đời” rằng 5 năm rồi không có má. Cứ như là, 72 tuổi vẫn là con gái cưng của mẹ...

-Đúng vậy. Má với tôi hơi đặc biệt so với thông thường, mặc dù trong gia đình tôi là người chăm sóc má có thể không bằng em gái mình. Má như một người thầy, một người bạn diễn ăn ý nhất cuộc đời, một người bạn tâm tình tri kỷ. Má luôn là nơi để tôi đổ trút những tâm sự và ngược lại, lúc má còn sống. Mỗi đêm đi diễn về, diễn tốt, hai mẹ con cũng nằm nói chuyện với nhau cả đêm. Tôi diễn dở, má cũng thức để…càu nhàu. Ở bên má, tôi quên là mình bao nhiêu tuổi, lúc nào cũng như một đứa trẻ cho nên khi má đi, tôi hẫng…

*Cuộc đời của NS Bảy Nam theo những gì kể trong hồi ký, thật nhiều biến động, lắm gian truân, đầy khổ ải. Để đi trọn kiếp đam mê, gần như bà đã phải trả quá nhiều giá đắt. Nhưng với hơn 150 trang hồi ký, chị có cảm thấy bà chưa viết hết được những gì bà phải chịu, phải gánh?

-Tôi hiểu là má chỉ viết một phần trăm những sự kiện đi qua đời má. Nhiều lúc nghĩ lại, tôi tự hỏi, tại sao vì một niềm đam mê nghệ thuật mà má phải trả những cái giá quá đắt như vậy. Cứ nhắm mắt lại, tôi hình dung ra hình ảnh một người đàn bà có mang 7 tháng mà chạy theo cả đoàn tàu đang chạy để khỏi lỡ tàu. Hồi đó, thấy vậy tôi còn vỗ tay hoan hô rằng sao má giỏi vậy, giờ mới thấy mình vô tâm. Và tôi cũng hiểu tại sao hồi tôi 8 tuổi, má kiên quyết không cho tôi theo nghề hát mà “tống” tôi vào một trường nội trú hàng bao năm trời.

*Nhưng cuối cùng chị cũng như má, không cưỡng được niềm đam mê của mình và lại theo nghiệp diễn. Tuy nhiên, vẫn chưa nhiều người biết tại sao chị không theo cải lương như má mà chuyển hẳn sang kịch nói?

-Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 4 đời theo sân khấu, từ bà cố, bà nội, ba má cho tới tôi là 4 đời phụng sự cho sân khấu. Tôi nghĩ mình đã nổi tiếng trong nghiệp diễn từ lúc 6 tuổi. Cả thành phố Hà Nội ngày đó đã yêu “cậu bé” Kim Cương trên sân khấu lắm. Đùng một cái, bị “ném” vào trường nội trú, tôi ức với quyết định đó của má lắm nhưng rồi tôi cũng hiểu má không muốn con gái phải chịu nhiều truân chuyên. Đến giờ tôi có thể nói, nếu không theo nghề diễn chắc tôi cũng chẳng biết làm được gì. Từ năm 1954, 55 tôi đã nổi tiếng bên sân khấu cải lương và được ký giả Nguyễn Ang Ca của báo chí Sàigòn lúc đó, đặt cho biệt hiệu là “Kỳ Nữ”.
Nhưng đến năm 1960, tôi thấy rằng mình phù hợp với kịch nói hơn, tôi cũng nhận thấy giọng ca mình cũng không hay lắm, theo cải lương không ổn. Trong khi đó, kịch nói có thể đặt ra những vấn đề xã hội gần gũi hơn, có thể đi vào góc cạnh của xã hội, thế là tôi theo kịch nói.

*Có bao giờ chị nghĩ, nếu không có cái bóng của má, có khi nghệ sĩ Kim Cương khó có thể đạt được một sự nghiệp như thế?

-Đúng má là một cái bóng quá lớn. Nhiều người bây giờ vẫn nói, khi cha mẹ quá nổi tiếng, con theo nghề phải chịu áp lực nhưng tôi lại không bao giờ thấy vậy, cứ thế khóc cười hỉ nộ ái ố với cuộc đời qua từng vai diễn mà thành tên thành tuổi. Tôi với má song hành trên sân khấu và ngoài cuộc đời như hai cái cây tự nhiên, cùng sống, cùng phát triển và nương tựa vào nhau những lúc giông bão. Hai má con, tình yêu thương nhau và tình yêu nghệ thuật trộn lẫn khó phân biệt. Khi tôi chuyển sang kịch, má cũng chuyển hẳn sang kịch và hai má con lại tiếp tục đồng hành và có những thành công đáng kể. Má luôn theo sát những bước đường tôi đi. Khi tôi học ở Pháp, má sang đó 2 năm để chăm sóc.

*Như chị nói, má theo chị trên những bước đường. Nhưng lạ thay, trong hồi ký má không hề đả động đến một dòng nào về chuyện tình cảm của chị. Có phải, má quá tôn trọng những riêng tư của con gái?

-Điều này thì hoàn toàn…ngược lại. Có thể nói khi tôi bắt đầu biết yêu, má quản tôi khá chặt. Chặt đến nỗi, đến 35 tuổi tôi mới lấy được chồng! Khi ngoài 20 tuổi, tôi có trốn má đi chơi vài lần đến khuya. Về đến nhà, má và chiếc chổi lông chờ sẵn, đánh nát cả chổi.

Trên sân khấu và ngoài đời, hai mẹ con quá nhiều điểm chung, nhiều sở thích chung, nhưng có một điều hoàn toàn khác là gu chọn chồng cho…tôi. Má luôn muốn tôi phải luôn nhẫn nhịn, hiền thục, chịu đựng và phải yêu những người theo mẫu của má. Kim Cương thì bao giờ biết nhịn nhục. Tôi thấy tôi là người phụ nữ mà đàn ông không dễ bắt nạt đâu. Biết bao người má cho là được, tôi lại thấy không hề được. Những người yêu tôi thì má không bao giờ “chấm”. Biết bao người thương tôi nhưng không vượt qua được “bức tường” má nên cuối cùng đành phải đi cưới vợ khác cho xong

*Là do má quá khó hay do người kia mà bây giờ chị nhìn lại, chị thấy họ cũng không ổn nên má mới vậy?

-Tôi thấy là do cái duyên thôi, chứ họ hoàn toàn tốt trong mắt tôi đến giờ. Có một người theo đuổi tôi gần mười năm, cuối cùng cũng đành phải chia tay. Dĩ nhiên, má khó là một phần nhưng từ cái khó đó, có nhiều cái phát sinh mà đến giờ không biết phải nói thế nào. Hồi đó, anh ấy và tôi muốn hẹn hò nhau là phải ra chùa. Người trong đoàn mỗi lần gọi tôi, để đánh lạc hướng má đnàh phải nói dối: “Chị Cương có sư cụ cho gọi chị” nên má mới không “kiểm soát”. Không ít lần anh đến nhà chơi đành phải vào tủ áo trốn cả buổi vì má…đột nhiên xuất hiện và ngồi đó, không lên phòng nghỉ nữa.

*Có thể, một người mẹ yêu thương con quá nhiều lúc cũng không muốn san sẻ tình cảm cho người khác?

-Má cũng có vài lần “chọn rể” chứ có bắt con gái ở vậy đâu, nhưng má chọn thường không phải là gu của tôi. Ngược lại người tôi chọn, má luôn có “lý do” để ghét người ta. Một lần, má biết anh nọ thích tôi, và tôi cũng có cảm tình với anh. Khi anh đến xin má gói trà lipton có khi má không cho đâu. Nên chuyện không muốn san sẻ tình cảm, cũng có thể.

*Xin lỗi chị về một câu hỏi khá thẳng thắn. Vậy người chồng cũ của chị là do má chọn hay chị chọn?

-Tôi chọn đấy chứ. Hồi đó má không thích, má nói ảnh da đen, tắm đến 3 năm cũng chẳng trắng được. Nói chuyện cưới cực khó. Tôi đành phải nói dối: “Con lỡ có bầu với người khác, ảnh biết và ảnh vẫn đồng ý cưới con. Nếu má không cho cưới, thì con không biết phải sống thế nào”. Má hỏi lại : “Có đúng nó biết chuyện và đồng ý, hay là con dối nó?”. Tôi nói: “Anh đồng ý”. Khi con trai được 2 tuổi, má nói: “Nhìn cái mặt thằng nhỏ như cắt ra mà đặt với chồng nó, mà nó lừa tui là con người khác”. Tôi cười: “Thì thế má mới cho tụi con cưới. Nếu không thì biết đến khi nào?”

*Khi chị lấy chồng, má còn giữ thái độ “bất hợp tác” với con rể như lúc chưa cưới không?

-Khi về sống cùng rồi, má thương ảnh lắm. Khi chưa là con cái thì má vậy thôi nhưng là người cùng một nhà, má sống rất bao dung thậm chí lại luôn khuyên tôi biết nhịn nhục, chấp nhận. Khi chúng tôi chia tay, má cũng buồn lắm.

*Vì sao lại chia tay hả chị?

-Giờ nói lại là tại cả hai người. Cái tại lớn nhất của tôi là tin người quá. Đó cũng là điều bất hạnh của một nữ diễn viên, đi diễn nhiều quá cũng rất dễ mất chồng. Nhưng giọt nước làm tràn ly lại là anh ta. Có những điều mà ngày trước tôi nghĩ mình không thể tha thứ. Tôi rất giận trong một thời gian rất dài đến mức tôi không cho phép anh ta được phép đến nhà và đừng để tôi nhìn thấy anh ta. Và đến giờ cũng không thể coi nhau là bạn bè được. Mà thôi, đừng nói chuyện này nữa!

*Chị còn buồn về chuyện này?

-Buồn làm gì nữa. Cũng hơn hai mươi năm rồi còn gì. Không giận, không buồn nữa nhưng quên thì không thể quên được.

Chưa ai yêu tôi như anh Bùi Giáng!

*Người ta biết đến Kim Cương nhiều hơn nữa bởi một phần chị là giai nhân đặc biệt trong trái tim thi sĩ Bùi Giáng. Bao nhiêu năm qua không ai biết thực lòng chị ứng xử với tình cảm của thi sĩ Bùi Giáng như thế nào…

-Đối với anh Bùi Giáng, tôi có tình thương của một con người với một con người chứ tôi không hề yêu anh ấy. Lúc hạ huyệt anh, tôi có nói mấy lời từ biệt. Tôi cảm ơn anh ba điều: thứ nhất, anh để lại cho đời những tác phẩn quá hay; thứ hai anh đã yêu tôi một mối tình đơn phương mà tôi nghĩ không có một người đàn ông nào có thể yêu tôi được như vậy; thứ ba, anh cho tôi một bài học: dù giàu dù nghèo, dù trẻ dù già, dù điên dù tỉnh, ta cũng phải có một mối tình để sống…Thực tế, một người đàn ông yêu đơn phương mình suốt 40 năm mà không một người đàn bà nào có thể lọt vào trái tim anh ấy được, đó là một tình cảm vĩ đại.

*Dù sao, chị là một nghệ sĩ tên tuổi, một nhan sắc của sân khấu còn thi sĩ Bùi Giáng là một người điên. Chuyện chị yêu lại là điều không thể nhưng được biết, chị cũng rất bao dung và có những quan tâm đặc biệt với thi sĩ Bùi Giáng…

-Tôi đã từng nghĩ rằng, chỉ có anh điên mới yêu tôi suốt 40 năm chứ người tỉnh chắc họ chạy mất dép rồi! Trong đầu anh ấy chỉ có nhớ mỗi tên tôi và số điện thoại nhà tôi. Những lúc anh đi gây lộn bị đánh, rồi bị công an bắt, anh đọc vanh vách số điện thoại nhà tôi và đã không ít lần tôi phải đi bảo lãnh anh ấy về. Khi anh ấy bị tai nạn, tôi cũng là người ký vào giấy mổ. Tôi thường cho anh ấy quần áo để anh mặc. Khi anh ấy chết, có vài bộ còn chưa kịp mặc…

*Chị có từng xem tình yêu của Bùi Giáng là một “nỗi khủng khiếp” với mình không?

-Không. Mặc dù suốt 40 năm trời, người xông đất nhà tôi bao giờ cũng là anh Giáng. Tôi mà tin dị đoan chắc chết. Có lần má bảo: “Hay con đi đâu đó một vòng, qua 12 giờ thì về coi như con tự xông đất mình”. Tôi mặc. 6 giờ sáng anh đến, lì xì cho vài đồng rồi ảnh đi, cũng đâu có sao.

*Một năm chỉ “thăm” chị có một ngày đầu năm thôi ư?

-Trời! Một năm phải mấy chục bận. Cứ mỗi lần thấy tiếng chuông cửa và thấy mấy đứa con nít chạy rầm rầm quanh nhà là biết chắc, rồi, Bùi Giáng tới. Bấm chuông không mở thì kêu cửa, và rồi gạch đá liệng vào nhà tới tấp, văng đủ thứ chửi tôi đấy chứ. Nếu tôi ở nhà, tôi sẽ mở cửa cho anh vào. Anh vào, hiền khô, ngồi một lúc rồi anh đi. Có những lúc đến tôi không có nhà, anh đứng ngay giữa đường làm chim bay cò bay, kẹt xe liên hồi. Có một người biết lại nói nhỏ: “Kim Cương chờ anh ngoài đường kia”, anh hỏi: “Đâu? Đâu?” rồi anh chạy vù một mạch, đường mới không kẹt nữa. Có lần anh bị đánh, đến nhà, tôi bắt anh phải đi nhà thương anh nói phải có tôi đi cùng anh mới chịu. Cuối cùng thì tôi cũng phải ngồi lên xích lô đưa anh đến nhà thương.

*Có lúc nào thi sĩ “thăm” nhà, chị dọn cơm mời ăn không?

-Không. Ai mà ngồi ăn cùng anh được. Lúc nào anh đến nhà tôi cũng trong tình trạng tóc tai bù xù, quần áo tả tơi, lon sữa bò và vỏ chuối đeo lủng lẻng đầy người. Mấy lần cho anh ăn dưa hấu thì có. Anh ăn xong anh đi, vài tuần sau lại “quay lại”. Có lần gần một năm không thấy anh, sau đó anh đến bấm chuông và nói: “Phật tái thế bị giam cầm dưới nhà thương Biên Hòa, sao cô không đi lãnh Phật về mà để người khác lãnh?”

*Hình như, thi sĩ Bùi Giáng yêu chị khi còn tỉnh táo chứ không phải khi đã điên loạn?

-Đúng vậy. Lúc đầu có người còn làm mai cho tôi cơ mà. Họ nói, có một ông giáo sư học ở Đức về, gia đình danh giá lắm. Hồi đó tôi chưa lấy chồng, nghe cũng thấy khoái lắm, và có nhã ý mời anh qua nhà chơi. Lúc anh qua, có mời tôi đi ăn trưa. Anh kiên quyết không đi xe hơi nhà anh, cũng không đi xe hơi nhà tôi mà nằng nặc chở tôi bằng xe đạp. Tôi nghĩ, chắc anh thích cách sống bình dân mới vậy nhưng càng nói chuyện thì càng thấy anh hơi “tưng tửng”.

*Thế nên chị “rút lui”?

-Tôi tránh không gặp và anh hiểu điều đó. Một lần anh đến nhà nói với tôi: “Tôi biết cô không thích tôi vì nhiều lẽ nhưng tôi thì quý cô lắm. Tôi luôn muốn cô là một thành viên trong gia đình tôi. Tôi có một thằng cháu, đẹp trai mà rất tốt, cô hứa sẽ lấy nó nhé?”. Tôi nói: “Thì anh phải cho cậu ấy lại đây em coi thế nào, có hợp hay không và quan trọng là cả hai có thương, có duyên với nhau không nữa”. Hôm sau anh có dẫn người đó đến thật.

* “Người đó” thế nào hả chị?

-Đó là một cậu bé 8 tuổi! Tức là nhỏ hơn tôi gần 20 tuổi!

*Trong 40 năm đó, một người điên vẫn phải có những lúc tỉnh, đặc biệt là khi họ quá yêu một ai đó. Hẳn chị đã có lần gặp Bùi Giáng trong tình trạng không điên. Lúc đó, Bùi Giáng có nói vì sao anh yêu chị đến thế không?

-Có vài lần anh tỉnh táo, ăn mặc gọn gàng đến nhà tôi. Anh nói, anh gặp tôi trong một đám cưới của hai người bạn trước khi “đánh tiếng” để người khác mai mối. Lúc đó anh thấy tôi có một điều gì đó rất lạ, như có một vầng hào quang trên đầu. Nỗi ám ảnh đó theo anh gần như trọn vẹn cả cuộc đời để rồi những khi anh điên nhất, bất cứ một ai đến thăm anh đều xua đuổi vì anh nói, nơi đó chỉ có Kim Cương được quyền đến.

*Chị từng đến thăm Bùi Giáng tại nơi anh ở chứ?

-Một số lần. Đến xem anh thế nào, cho anh vài bộ đồ, ít thức ăn.

*Với đàn ông yêu mình, dù người điên hay người tỉnh, dù nên duyên hay không nên duyên, dù hạnh phúc hay dang dở chị cũng đều đã vẹn nghĩa vẹn tình? Chị có chạnh lòng khi tất cả những người đàn ông dành nhiều yêu thương cho mình như vậy nhưng chị không may mắn trong tình duyên?

-Nói chung không có gì tôi phải ân hận. Cũng cảm ơn tất cả cho tôi thấy không có gì bền bỉ, tất cả đều là vô thường cả. May mắn là con trai tôi rất thương mẹ, hiếu nghĩa. Tốt nghiệp ở Canada với bằng giỏi, nhiều nơi mời ở lại làm việc nhưng nó chỉ muốn về với mẹ. Bây giờ, mọi lo toan trong gia đình là vợ chồng nó cả. Phải cảm ơn cuộc đời về những bù đắp để thấy rằng, tôi là người may mắn trong cuộc đời này.

*Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện! Chúc chị luôn thanh thản!

Hoàng Nguyên Vũ (thực hiện)

Không có nhận xét nào: