Tôi đứng về phe nước mắt...

Thứ Năm

HỌA MI: “Một thời yêu nhau”



Lần thứ sáu về thăm quê nhà kể từ ngày xa quê hương định cư ở Pháp (năm 1988), lần đầu tiên Họa Mi- nữ ca sĩ có giọng hát như luôn khát khao nỗi thấu hiểu và đồng cảm chân thành chính thức ra mắt ra mắt khán giả quê nhà trong một album nhạc trữ tình cùng với một đêm nhạc theo chị là để “tri ân và tạ lỗi với khán thính giả” có tên “Một thời yêu nhau” tại cà phê Sách Phương Nam (đường Nguyễn Oanh, Q. Gò Vấp). 21 năm, khoảng thời gian đủ làm cho thanh sắc của một nữ ca sĩ có nhiều thay đổi nhưng một điều kỳ lạ ở Họa Mi, giọng hát không khác xưa, tuy nhiên có chút gì sâu trầm hơn, chứa đựng nhiều tâm sự sau bao biến động cuộc đời. Chị đã dành cho tôi cuộc trò chuyện thân tình với bao nỗi niềm chất đựng suốt cả một quãng đời…


Album do chính Họa Mi chọn bài với 10 tình khúc quen thuộc như: Mắt lệ cho người, Bản tình cuối, Riêng một góc trời, Kiếp nào có yêu nhau, Một mình, Đường xưa…Chị nói, đó là những câu chuyện tình buồn mà đẹp, ngọt ngào những nỗi đau lặng lẽ đi qua một quãng đời như chính những gì chị đã nếm, đã trải từ khi yêu và sống đến bây giờ. Đó cũng là những xúc cảm của mỗi lần trở về của chính mình khi người xưa, cảnh cũ vẫn còn nhói đau trong tâm hồn chị. Chị hát lên những tình khúc trên là để tạ lỗi với khán giả, nhưng cũng là để nói lên những nỗi niềm ấy.


Chồng luôn hiểu và tôn trọng tôi. Nhưng có một điều anh không hiểu tôi đó chính là không hiểu vợ hát gì…


*Kể từ ngày chị xa quê hương, suốt một quãng thời gian dài khán thính giả không thấy Họa Mi xuất hiện trên sân khấu như các ca sĩ hải ngoại khác. Vì sao vậy, thưa chị?


-Kể từ khi Họa Mi xa quê hương đến nay đã 21 năm. Ở Pháp, có thời gian tôi vì cuộc sống mà đi hát cho một nhà hàng người Hoa. Phải nói thật, sau những đêm diễn, về nhà tôi muốn ôm mặt khóc. Chưa bao giờ cảm thấy mình hát mà cô đơn đến như vậy. Hàng trăm khán giả, họ chỉ nghe hát vậy thôi, họ không biết tiếng Việt, vì thế không thể đồng cảm với những lời ca như chính mình rút ruột để mà hát. Với âm nhạc, tôi hận thấy mình luôn hết mình, ít khi tôi hát mà không nhập hết cả tâm hồn, gửi hết cả nỗi lòng mình vào đó. Như em biết đó, một ca sĩ, buồn nhất là không được hát, nhưng đau nhất là hát mà không ai đồng cảm được với mình…

Chồng tôi rất hiểu, anh chia sẻ rằng: “Anh biết em là một nghệ sĩ quá yêu nghề hát và đó cũng là lý do để em không thể theo nghề ở nơi này”. Một ca sĩ yêu nghề và coi đam mê như một lẽ sống, không ai nghĩ rằng một ngày mình sẽ ngưng hát, dù là tạm ngừng. Ở Pháp, cộng đồng người Việt không đông nên hát cho cộng đồng không thể thường xuyên và cũng không mấy ai có thời gian để thường xuyên nghe mình hát.


*Chị vẫn còn bao lựa chọn khác: sang Mỹ hát cho kiều bào, tham gia các show diễn cho cộng đồng người Việt ở Châu Âu…

-Đấy cũng là vấn đề quan trọng nhất. Ở Pháp, lúc đó tôi có chồng và 4 đứa con. Tôi không thể bỏ gia đình hàng tháng trời để đi diễn để bỏ các con bơ vơ ở xứ người được.


*Cũng đồng nghĩa với việc, nếu chọn giữa đam mê của mình và gia đình, chị sẽ chọn vế thứ hai?


-Điều đó là đương nhiên. Tôi không muốn sau những lần lưu diễn về mà không biết chuyện gì đã xảy ra với các con và gia đình sau một chuỗi ngày dài. Tôi cũng không thể lên sân khấu nếu như cả tuần liền không được gần gũi và trò chuyện với các con hay nấu cho con những món ăn quen thuộc. Tôi không bao giờ có khái niệm đánh đổi trong nghề nghiệp, chứ chưa nói đến đánh đổi điều thiêng liêng nhất của tôi là gia đình.


* Nhưng chồng chị, một người sống ở Pháp từ nhỏ và những đứa con đã quá quen với cách sống, cách nghĩ của người Châu Âu, dễ dàng hiểu và tôn trọng, thậm chí động viên chị hát chứ?


-Chồng và các con luôn động viên. Tuy nhiên, không giống như một số người là cuộc sống và nền văn minh nước Pháp không thể làm thay đổi bản chất người phụ nữ Việt Nam trong con người tôi. Là một ca sĩ yêu nghề nhưng cách sống của tôi không hề nghệ sĩ bao giờ, sự phiêu lưu trong nghệ thuật để tìm những điều thăng hoa không thể bằng sự dừng lại yên bình với cuộc sống giản dị với chồng và những đứa con. Với các con, tôi luôn là bạn. Với chồng, tôi không chỉ là một người vợ mà là một cộng sự trong cuộc đời anh, thấu hiểu và tôn trọng. Tôi thích được đi chợ, nấu cơm, lo cho chồng cho con như bất cứ một người vợ, một người mẹ Việt Nam thuần túy dù tôi có ở đâu và dù bất cứ thời gian nào.


*Chị có thể nói rõ hơn những “tôn trọng và thấu hiểu” của “người cộng sự” trong cuộc đời chị hiện nay?


-Chúng tôi đến với nhau và thành vợ thành chồng từ năm 1995, đều là những mảnh vỡ ghép lại-tôi và anh đều đã trải qua một cuộc hôn nhân, và tôi cũng đã có ba người con riêng với người chồng trước. Anh là một kỹ sư, người gốc Sa Đéc nhưng sống ở Pháp từ nhỏ nên không rành tiếng Việt lắm. Cuộc sống của chúng tôi có thể gọi là hạnh phúc, khi anh luôn là một người đàn ông biết lo cho vợ, con và cuộc sống gia đình, tôn trọng những chuyện riêng tư của vợ. Tôi cũng vậy, luôn hiểu và tôn trọng những gì thuộc về quá khứ của anh.


*Đó là hạnh phúc, là thấu hiểu” như chị nói và cũng là điều không phải ai cũng có được. Vậy, hẳn cũng có những điều không “thấu hiểu” lắm khi anh và chị cũng có những khác nhau từ xuất phát điểm của không gian sống?


-Em nói đúng. Đó là điều buồn của tôi. Có một điều mà anh không bao giờ hiểu được tôi chính là không hiểu tôi…hát gì như bao nhiêu khán giả ở nhà hàng người Hoa mà tôi đã hát cho họ nghe ở đó.



Với chồng cũ, tôi đã sống hết mình


*Là một người phụ nữ “truyền thống” đúng nghĩa và chị cũng đã hết lòng lo toan cho người chồng cũ-nhạc sĩ Lê Tấn Quốc từ khi còn ở Việt Nam sau đó bảo lãnh anh và các con sang Pháp. Nhưng có một điều nhiều người chưa hiểu là tại sao anh Quốc lại rời Pháp về Việt Nam và từ đó trở thành “người xưa” của chị…


-Đó là một câu chuyện dài em ạ. Tuy nhiên, anh Quốc không hoàn toàn là “người xưa” đâu, chúng tôi vẫn là những người bạn tốt. Cho đến giờ anh vẫn luôn hiểu, tôn trọng và thương tôi và tôi cũng vậy. Yêu nhau là duyên, lấy nhau là nợ. Không lấy nhau nữa là không còn nợ nhưng không có nghĩa đã hết duyên.


*Như là lời trong một bài hát chị đã hát “Bao nhiêu năm gặp lại, dòng đời vẫn chia đôi. Bao nhiêu năm gặp lại, tình còn trang giấy mới…”?


-Dòng đời thì đã chia đôi từ lâu nhưng “tình còn trang giấy mới” thì không phải. Cái ở lại giứa chúng tôi là cái nghĩa. Có nhiều điều tôi muốn nói với anh qua những ca khúc mà tôi sẽ hát, đó là một quá khứ đẹp mà cả tôi và anh đã, đang và sẽ trân trọng và gìn giữ như thể giữ lại một thời yêu thương nhau. Những cái gì đẹp đã đi qua cuộc đời mình thì nên giữ nó lại em ạ, giữ lại để sống và hành xử với nhau được tốt và đẹp hơn. Cuộc sống vốn đã có biết bao nhiêu điều nặng nề, phức tạp, nếu mình không đơn giản nó đi và nghĩ tốt về nhau thì mệt mỏi lắm.


*Phải là một người đàn ông như thế nào thì mới ở lại trong chị tốt và đẹp như vậy chứ?


-Tôi đến với anh từ năm tôi 20 tuổi, khi đó tôi là ca sĩ còn anh là một nhạc công thổi Sacxophone ở đoàn Kim Cương. Có thể nói tôi đối với anh, tình thương nặng hơn tình yêu. Ban đầu đến với nhau là tình thương và tình yêu dần nảy nở trong quá trình sống với nhau.

Anh tốt, hiền và hiếu thảo, điều đó làm tôi rất cảm động. Là con út trong một gia đình đông con, 15 tuổi anh đã phải kiếm tiền lo thêm cho cha mẹ. Còn tôi, 11 tuổi mất cha, 18 tuổi mất mẹ, muốn có cha mẹ để phụng dưỡng cũng không còn nữa nên thấy hình ảnh anh Quốc hiếu nghĩa, tôi rất ngưỡng mộ. Chúng tôi quen nhau 6 tháng thì làm đám cưới.

Khi chưa cưới, tôi biết anh bị bệnh về mắt-gọi là hẹp thị trường. Nếu là một người bình thường nhìn được 360 độ thì anh chỉ nhìn được 30 độ. Gần như các tế bào trong đáy mắt anh dần bị hủy diệt, không một nơi nào có thể chữa được. Một người bị bệnh tật thường rất dễ mặc cảm và khó tính, tôi biết điều đó nên tôi luôn nhường nhịn anh những lúc anh nói những điều có thể làm mình khó chịu. Lấy chồng rồi, tôi thêm một trách nhiệm nhưng không bao giờ tôi coi đó là gánh nặng và dù có vất vả, thì đó cũng là bổn phận chứ không phải là sự chịu đựng. Người ta chỉ coi nhau là gánh nặng và chịu đựng khi họ đã thù nhau. Còn tôi lấy chồng, yêu thương chồng thì dù vất vả thế nào, tôi cũng lấy làm hạnh phúc. Đó cũng chính là điều để đến giờ anh luôn tôn trọng tôi và tôi cũng luôn thương anh. Lúc đó, tôi luôn hy vọng mắt anh sẽ khỏi nên hết thuốc nam đến bấm huyệt, những gì có thể tìm để hy vọng chồng mình sáng mắt là tôi đều tìm, nhưng đều không kết quả.


*Và anh Quốc có bất ngờ không khi biết chị quyết định ở lại Pa-ri sau chuyến lưu diễn năm 1988?


-Tôi nghĩ là anh rất bất ngờ nhưng tôi biết là anh hiểu tôi và anh hiểu dù có đi đâu thì tôi vẫn là tôi thôi, chỉ khác nhau về nơi ở chứ không thể khác về con người và tình người. Tôi hiểu những đớn đau anh phải chịu khi anh sang Liên Xô chữa mắt. Lúc đó, lãnh đạo Thành phố rất hiểu và tạo điều kiện để anh được đi chữa trị. 15 ngày chữa ở Liên Xô, theo anh đó là những ngày trời đày. Anh phải mở mắt để người ta chích thuốc vào tròng mỗi ngày nhưng cũng không có kết quả. Khi quyết định ở lại Pháp, tôi cũng chỉ hy vọng ngày đón anh sang, anh sẽ tìm lại được ánh sáng như một người bình thường. Sang Pháp 2 năm, tôi đi hát cho nhà hàng của người Hoa và cộng tác với trung tâm Thúy Nga để có tiền gửi về lo cho các con đều đặn. Khi có tiền, tôi đón anh và các con sang.


*Những ngày ở Pháp, nuôi 3 con với…một chồng, chị đã xoay xở như thế nào?


-Vẫn như ngày ở Việt Nam thôi, vất vả thế nào tôi cũng chịu được. Tôi đưa anh đến một Viện mắt ở Pháp, câu trả lời vẫn là cả thế giới bó tay với căn bệnh của anh. Họ có nói với anh: “Ở đây, anh sẽ là một người tàn tật, anh sẽ được hưởng chế độ của một người tàn tật. Chúng tôi sẽ cho anh một con chó và một cái gậy, anh cứ yên tâm vui sống”. Nghe vậy anh không thể chịu được. Anh sốc vô cùng. Có thể, ở Pháp những người tàn tật nghe điều đó họ thấy hết sức bình thường nhưng người Việt mình không thể nghe quen. Còn tôi, càng sốc hơn khi bác sĩ nói rằng, bệnh này có thể di truyền và hàng năm phải đưa các con đi khám cho đến khi các cháu 18 tuổi mới thôi. Khi đó, đứa con nhỏ nhất của tôi mới 6 tuổi, có nghĩa là 12 năm tôi phải sống trong hoang mang về sự đe dọa bệnh tật đối với con mình. Đến khi cháu thứ ba tròn 18, tôi mới thực sự thở phào vì ơn trời Phật, cả ba đứa đều không mắc bệnh như anh Quốc.


*Và việc trở về Việt Nam là quyết định của anh Quốc?


-Khi biết mắt mình thực sự vô phương cứu chữa, anh nói anh chỉ ở lại 4 tháng. Những ngày đó anh không thể ra đường vì tôi phải đi làm, các con thì đi học. Anh luôn bị dày vò về việc ở lại Pháp, anh như một người vô dụng và thành gánh nặng cho tôi. Một hôm anh nói: “Anh về Việt Nam, có gia đình, bạn bè. Họ sẽ đến chở anh đi cà phê mỗi sáng và anh có thể đi làm. Ở đây, anh như một cục nợ của em, và anh không thể hòa nhập được với cuộc sống bên này”. Nghe tôi cũng chỉ biết khóc.

Nhưng trong thâm tâm tôi nghĩ, đó là sự lựa chọn đúng của anh vì tôi hiểu, có nhiều người Việt Nam được con cái bảo lãnh sang, cô đơn không chịu được vì con cái suốt này đi làm nên họ đã tự tử. Tôi sợ một ngày anh cũng vậy nên tôn trọng quyết định của anh. Anh về, còn tôi ở lại lo cho các con. Và khi về, anh đi làm ngay, vui sống với bạn bè. Điều đó làm tôi cảm thấy yên tâm rất nhiều. Chúng tôi vẫn thư từ qua lại kể từ ngày anh về Việt Nam.


*Việc chị đi bước nữa, anh có sốc lắm không?


-Câu hỏi này nên để anh Quốc trả lời nhưng tôi chỉ có thể nói được: tôi đi bước nữa sau anh Quốc. Anh về được một thời gian thì anh lập gia đình. Vợ anh quen với tôi từ trước và bây giờ, chúng tôi rất quý và thương nhau. Đây là những mối quan hệ bạn bè tốt đẹp chúng tôi giữ lại sau những đổ vỡ không ai muốn trong cuộc đời. Đến hôm nay tôi có thể nói, tôi sống với anh thế là vẹn nghĩa, không có gì để phải ân hận. Những gì hạnh phúc của một thời, chúng tôi sẽ giữ lại như một kỷ niệm đẹp để nhắc mình sống tốt hơn.


Giờ là lúc sống và hát cho mình


* Sau những buồn vui và lo toan, đến bây giờ chị có thể nói rằng đã đến lúc mình cất tiếng hát trở lại sau bao năm vắng bóng?


-Bôn ba rồi mới hiểu một ca sĩ Việt Nam không đâu hạnh phúc bằng hát cho khán giả quê nhà em à. Em biết không, hát ở Pháp hay ở Mỹ, cho 1000 người nghe chỉ cần 3 người yêu thích mình hát và hiểu những gì mình hát là tôi hạnh phúc lắm rồi. Còn ở Việt Nam, khán giả mình, yêu mình, đồng cảm với mình, thì còn hạnh phúc nào bằng? Tiếng hát sẽ luôn cô đơn nếu thiếu người thấu hiểu và chia sẻ.


Bây giờ, con trai lớn của tôi đã 33 tuổi, làm một kỹ sư máy tính, đã lập gia đình và ở riêng. Đứa thứ hai cũng đã có bạn gái. Con gái thứ ba đã đi làm và đứa út cũng đang học. Các con đều ngoan và thương mẹ, thế cũng cảm ơn ông trời đã ưu ái cho cuộc sống của tôi. Bây giờ, tôi có thể yên tâm đi hát, cầu xin trời cho mình giọng hát còn được lâu hơn để hát phục vụ khán thính giả.


*Nghe nói ở Pháp chị mở cửa hàng kem, bánh. Công việc bận bịu có dễ cho chị cất tiếng hát như chị mong muốn không?


-Đúng là bận thật vì tôi phải cùng ông xã lo lắng việc kinh doanh. Nhưng cửa hàng của tôi chủ yếu bán sỉ, giờ ông xã trông coi nên tôi cũng có điều kiện thời gian hơn để tham gia các show diễn nếu có lời mời.


*Nhiều người nhận xét rằng Họa Mi có giọng hát đẹp, sáng, sang trọng, sâu và bền. Nhưng luôn ẩn chứa bên trong là một nỗi buồn như chưa được giải thoát. Chị ơi, có phải vậy không?


-Vế đầu thì tôi không có ý kiến vì đó là nhận xét của khán giả, như một món quà cho nghệ sĩ. Nhưng vế sau, tôi nghĩ biết thế nào được. Khi hát, tôi đã tự giải thoát cho mình rồi. Những buồn khổ thì nên quên đi, nên giữ lại cái hạnh phúc dù nó thuộc về quá vãng để cho những gì tưởng như mất đi trong bài hát nó không thực sự mất mà nó luôn đẹp. Buồn cũng phải đẹp.


*Câu hỏi cuối, chị có một cuộc đời có nhiều biến động nhưng không hề có xì căng đan. Chị có cảm thấy hạnh phúc và điều đó?


-Lại một lần nữa cảm ơn trời và những khán tính giả đã yêu mến. Tôi thì nghĩ, mấu chốt ở tấm chân tình. Có sao, cứ sống vậy, yêu ghét đều phải chân thành để cho nhẹ nhàng trong cuộc sống. Tôi sống đơn giản, hết lòng, thành thật, không màu mè và không bao giờ ích kỷ. Tôi nghĩ, nếu em, hay bất kỳ ai khác sống vậy, trời sẽ không phụ đâu.


*Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện. Chúc chị luôn hạnh phúc!


Hoàng Nguyên Vũ (thực hiện)


Ca sĩ Họa Mi tên thật là Trương Thị Mỹ. Sinh năm 1955 tại Sài Gòn. Tốt nghiệp Khoa Thanh nhạc, Học viện âm nhạc Quốc gia năm 1974, nổi danh từ trước năm 1975 tại Sài Gòn với những ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Năm 1988, chị định cư tại Pháp cho đến nay.

3 nhận xét:

Nặc danh nói...

Rat cam on V!
Nhung fans cua Hoa Mi ma doc duoc bai nay thi that la...da qua!
Minh thi xin thu that , khong phai la fan cua HM, nhung cung thay ...da lam khi doc duoc bai nay.

Nhung bai phong van cua HNV rat hay, rat sac sao, phong phu!

Mot trong nhung ca si chua ve hat o VN la Khanh Ly

Van hay noi chuyen voi ban be, neu KL ve VN hat ...thi khong biet se ra sao nhi ? V co y kien gi khong ?

Hoàng Nguyên Vũ nói...

Cảm ơn những lời động viên của bạn!
Mình cũng là một fan của Khánh Ly và CD Boston buồn là CD mình rất thích. Mình cũng chưa nghe thông tin gì về việc Khánh Ly về Việt Nam biểu diễn. Nếu cô ấy được cấp phép biểu diễn ở Việt Nam thì mình cũng sẽ phỏng vấn thôi. Hy vọng vậy.
Chúc bạn cuối tuần vui!

Unknown nói...

Rất cảm ơn về bài viết của bạn, bài viết rất hay và ý nghĩa.
Nếu bạn có nhu cầu về chăn ga gối đệm liên hệ bên mình nhé
hộ CHĂN GA GỐI SÔNG HỒNG CLASSIC
*********************************************************************************************
CÔNG TY TNHH SẢN XUẤT VÀ ĐẦU TƯ MINH PHONG
ĐC: 113 Nguyễn Trãi, P. Thượng Đình, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội
Điện thoại: 024 6260 5064 - Hotline: 0981.212.212 - 1900.636.746
Website: www.thegioidemonline.com