Tôi đứng về phe nước mắt...

Thứ Năm

Ca sĩ Bạch Yến: Đời tôi toàn những chuyện lạ…

Giọng ca từng làm mưa làm gió sân khấu ca nhạc những năm 60 Bạch Yến vừa về thăm quê hương sau nhiều năm định cư ở Pháp. Lần đầu tiên, chị kể câu chuyện cuộc đời mình với những chuyện tưởng sẽ mãi vùi chìm trong lớp bụi thời gian...

Sân khấu tối om. Trong bóng tối, một giọng hát liêu trai như chứa cả hồn đêm đông xứ Bắc với những thoáng heo may rờn rợn và lất phất mưa phùn cất lên gọi những năm tháng xa xưa từ thời nhạc sĩ viết ra ca khúc vọng về: “Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống. Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông. Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời. Cùng mây xám về ngang lưng trời…

Một vệt sáng rọi vào bóng dáng người nghệ sĩ nhỏ bé, cô đơn tiếp tục tấu khúc Đêm đông huyền ảo của cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương bằng một thứ ngôn ngữ biểu diễn lạ đến khó tưởng. Tất cả đều im lặng. Sao lại thế. Thường quà tặng đối với nghệ sĩ là những tràng pháo tay, nhưng sao lại tặng sự im lặng đến thế này?

Hình như trong nghệ thuật luôn có những khoảng lặng hiếm hoi vậy đấy. Khoảng lặng để khám phá một điều lạ. Ai hát nhỉ? Người trẻ thầm tự hỏi. Người già ngồi im. 50 năm vắng bóng trên sân khấu nước nhà của người ca sĩ cũng đủ để người trẻ phải thầm hỏi vậy. Và dù chỉ một lần trở lại sau ngần ấy thời gian cũng đủ làm cho những khán giả một thời nhận ra: 50 năm về trước, cũng có một sân khấu thế này, một khoảng đêm thế này, một vệt sáng như thế này và một bóng ca sĩ bé nhỏ thế này…

Và giọng hát Bạch Yến vang lên. Và sân khấu cũng im lặng như đêm nay.

Giai nhân trong những ca khúc của nhạc sĩ Lam Phương

*Đêm đông là ca khúc đã mấy chục năm rồi chị chưa hát lại. Và cũng từng đó thời gian biết bao người ghi dấu ấn với nó như Lê Dung, Lệ Thu, Cẩm Vân…Nhưng, cứ nhắc về ca khúc này, là khán giả cứ nhắc tới Bạch Yến…

-Điều đầu tiên xin cho Bạch Yến nói lời tri ân với khán thính giả trong nước sau mấy chục năm xa cách. Với “Đêm đông”, tôi không phải là người hát hay nhất nhưng lại là người có cách thể hiện lạ nhất so với những gì trên bản nhạc. Ca khúc được viết theo thể Tango. Khi nghiên cứu ca từ, tôi quyết định hát theo điệu slow-rock để diễn tả hết cái nỗi buồn, nỗi cô đơn của ca khúc.

Quên sao được lần đầu tiên, tại phòng trà Trúc Lâm Trà Thất với những rock và nhạc chủ yếu để khiêu vũ, nhưng rồi bỗng có một khoảnh khắc sân khấu ngập trong bóng tối, nhạc lắng lại và mọi người cùng lắng. Đó là lần đầu tiên Bạch Yến hát Đêm đông như một nốt trầm giữa muôn vàn thanh âm sôi động. Và cái tên Bạch Yến cũng cứ thế được khẳng định. Để rồi suốt gần một tháng, lúc nào khán giả cũng đến phòng trà đó nghe Đêm đông, yêu cầu Bạch Yến hát Đêm đông…

*Sau Đêm đông được ít năm thì Bạch Yến rời xa sân khấu, đi tu nghiệp ở Pháp và cũng xa quê hương từ độ ấy. Có một lần, MC Nguyễn Ngọc Ngạn cho biết, nhạc sĩ Lam Phương từng viết như thế này để dành cho Bạch Yến: “Về làm chi, rồi em lặng lẽ ra đi, gom góp yêu thương quê nhà, dâng hết cho người tình xa”. Thực hư là thế nào, hả chị?

-Ông Ngạn nhà văn, nên ông nói cho hình ảnh đấy mà. Chắc gì nhân vật trong bài hát đó là Bạch Yến chứ?

*Không có lửa làm sao có khói chứ! Lúc đó trên sân khấu, mặt chị bừng đỏ và cười ấp úng…

-À, ừ…Nhưng là kỷ niệm xa xư a lắm rồi mà. Lên ông lên bà cả rồi, nhắc chi những chuyện quá vãng…

*Với những người yêu nhau, họ thường tự nhủ kỷ niệm đẹp thì nên gìn giữ. Nhưng chị ơi, với những người ngoài cuộc, nhiều khi họ rất muốn biết cái đẹp của kỷ niệm ấy. Rất xin lỗi chị và chồng chị để mạn phép được hỏi, phải là một cô gái như thế nào mới để lại dư âm một giai điệu thiết tha về sau đến vậy?

-Bạn sẽ ngạc nhiên đấy. Bạch Yến ngày ấy trên sân khấu là người từng đêm hát nhạc rock. Lùi lại một chút thời gian, Bạch Yến là thành viên đội xiêc mô tô bay đấy!


*Điều này thì tôi đã được đọc. Nhưng vẫn chưa tưởng tượng nổi một Bạch Yến nhỏ nhắn, duyên dáng của ngày xưa, lại “quậy” với rock và mạo hiểm trên chiếc mô tô bay…


-Đời tôi toàn những chuyện kỳ lạ thôi. Trước khi biểu diễn mô tô bay, tôi đã đi hát ở các phòng trà. 11 tuổi, tức là vào năm 1953, tôi đã đoạt Huy chương vàng Tiếng hát Nhi đồng trên đài phát thanh Pháp Á. Tôi trải qua một tuổi thơ vất vả trong một gia đình có 8 anh chị em. Thực ra, gia đình tôi ngày trước thuộc diện khá giả. Ba mẹ sớm chia tay, mẹ tôi vốn giàu tự ái nên không cần sự hỗ trợ kinh tế của ba tôi nên từ nhỏ, các anh chị em phải lao động sớm.

Năm 1954, nhà tôi bị cháy, cuộc sống vốn túng quẫn lại càng túng quẫn hơn. Cậu ruột đưa tôi và hai người em nữa huấn luyện mô tô bay để đi làm xiếc. Sau một năm học xiếc, tôi và em trai (9 tuổi) trở thành những người biểu diễn giỏi nhất đoàn. Cậu bao ăn ở, mỗi ngày biểu diễn mỗi người được thêm mười đồng. Mô tô hồi đó, động cơ đơn giản. Phải chạy xe tốc độ lên những cái thùng trong như ống cống. Tất cả đều mặc cho sự cẩn trọng và rủi rui của số phận. Nếu lơ đễnh, cả xe lẫn người sẽ rơi từ trên cao xuống và mạng sống sẽ khó bảo đảm. Đến giờ, tôi vẫn còn ám ảnh những lần biểu diễn đó, trong suốt hai năm ròng.

*Chị có gặp tai nạn lần nào trong hai năm biểu diễn?

-Tai nạn nhẹ thì nhiều, tai nạn nặng thì một lần. Và đó cũng là lần cuối cùng để tôi quyết định không mạo hiểm với trò chơi này nữa. Lần đó tôi đang biểu diễn đứng hai chân trên mô tô thì một chú cẩu chạy qua, bất ngờ xe đổ đánh rầm xuống đường. Chút xíu nữa thôi là đầu tôi bị đập xuống lề đường. Quần áo, tay chân te tua. Mình mẩy đâu điếng. May thay là khuôn mặt và cái đầu không hề gì.

*Thế rồi chị quay lại với nghề hát? Nhiều người chưa hình dung hết không khí phòng trà cuối những năm 50, đầu những năm 60 của thế kỷ trước như thế nào…

-Tôi trở lại sân khấu vào cuối năm 1956 ở phòng trà Trúc Lâm Trà Thất, hát một số bài hát bằng tiếng Pháp, nhạc rock và dance. Từ năm 1958 tôi hát với một ban nhạc do một người Philippin tên là Ely Javie. Không khí phòng trà ca nhạc hồi đó cũng khá tưng bừng, khán giả đến các phòng trà chủ yếu là để khiêu vũ, nên giữa người thưởng thức và biểu diễn có những lúc không còn khoảng cách. Vì vậy nên bài Đêm đông là một “chuyện hiếm” khi không hề lôi khán giả ra khiêu vũ mà họ vẫn nghe từ đầu đến cuối. Sau 5 năm biểu diễn, tiếng tăm đã nổi ở sân khấu trong nước, có một chỗ đứng đặc biệt trong lòng khán giả, tôi quyết định đi tu nghiệp, vào năm 1961

*Saochị quyết định đi học, trong khi tiếng tăm, tiền bạc chị đã có, sự nghiệp đang trên đỉnh cao?

-Chính vì có những thứ đó rồi nên mới phải đi học. Sự nổi tiếng đó cũng chỉ là nổi trong một cái ao thôi, không nên là những con ếch tự hào tiếng mình kêu to, kêu vang trong cái ao làng nhà mình mà phải đi học kỹ thuật hát bài bản để hát được bền. Phải biết cách giữ khán giả lại cho mình bằng sự nâng cấp trong sự nghiệp. Khi ra đi, tôi quyết được thành công giống như danh ca Edith Piaf, từng làm mưa làm gió sân khấu mọi thời đại với nhạc khúc La vie Rose.

*Và chị đã không quay về. Phải chăng giống như lời hát của Lam Phương : Về làm chi rồi em lặng lẽ ra đi?

-Không, tôi ở lại với lý do của tôi với sự phát triển sự nghiệp âm nhạc dân tộc và bến đỗ bình yên trong hạnh phúc riêng tư của mình. Nói thật là tôi không biết anh Lam Phương viết ca khúc nào cho mình hay cho ai. Có một lần anh ấy nửa đùa nửa thật: Anh đã viết cho Yến đến hàng trăm ca khúc…

*Hàng trăm ca khúc? Chị không biết ư?

-Mãi sau này chị Túy Hồng, vợ của anh Phương (là bạn của tôi) có nói: “Bồ không biết đấy thôi, ổng viết cho bồ nhiều ca khúc tha thiết lắm. Và cứ thế, mình hình dung ra cốt truyện để dựng thành kịch đấy bồ”. Cả hai chị em ôm nhau cười.

*Thực ra ca khúc nào anh Lam Phương viết cho chị chắc chắn chị sẽ biết mà. Vì những người trong cuộc luôn hiểu những gì trong lời ca tiếng hát của nhau.

-Ồ không, không. Thế mà có ca khúc tôi nghĩ anh Phương viết cho tôi nhưng té ra lại không phải đấy. Một lần, anh mang đến một ca khúc và nói: “Anh đo ni đóng giày để viết cho giọng hát của Yến”. Vỡ bài, tôi rất thích những giai điệu va ca từ và cứ đinh ninh anh viết cho mình, đó là ca khúc Cho em quên tuổi ngọc. Nhưng thực tế sau này tôi biết, ca khúc đó không phải viết cho tôi hay đúng hơn, cô gái trong bài hát đó không phải là tôi

*Và chị buồn vì điều đó?

-Không. Tác phẩm là tác phẩm. Ai là nhân vật trong đó cũng như nhau cả thôi, đều để lại cho đời cả chứ người nghệ sĩ khi qua đời cũng đâu có mang theo được. Người viết ra một tác phẩm hay và có nhiều người biểu diễn thành công thì phải cảm ơn cuộc đời chứ sao lại buồn nhỉ?

*Xin lỗi chị khi khơi lại những điều quá vãng. Chị và anh Phương một thời là một cặp đôi đẹp trong làng nhạc?

-Tôi không muốn nhắc đến chuyện này. Anh Phương đã có gia đình và đang bệnh nặng, tôi không muốn gợi nhớ còn tôi cũng đã có cuộc sống riêng của mình. Tôi chỉ nói được: ngày đó, anh Phương có hỏi cưới tôi nhưng tôi không đồng ý. Mọi chuyện đã kết thúc từ độ ấy.

Âm nhạc dắt chúng tôi đi


*Trong cuộc sống, chị quan trọng sự nghiệp hơn hay hạnh phúc hơn?

-Dĩ nhiên là hạnh phúc. Chính vì vậy nên tôi đã có vài lần hủy hôn khi tôi nhận thấy người ta đến với tôi bằng cái vẻ hào nhoáng trên sân khấu của mình. Tôi tự hỏi, liệu một ngày mình không hát nữa hay phong độ đi xuống, người ta có còn ở bên cuộc đời mình nữa không? Và thế là tôi thôi. Dù có đi Tây đi Tàu, nổi tiếng nơi này nơi nọ thì gia đình cũng là bến đỗ cuối cùng.

*Chính vì vậy nên chị đã hoàn toàn thay đổi về âm nhạc (dân tộc gần như 100%) khi nên duyên với con trai của GS Trần Văn Khê- nhạc sĩ Trần Quang Hải?

-Lại thêm một chuyện lạ nhé. Hồi đó tôi từ Mỹ qua Paris chơi và gặp anh Hải. Anh Hải lúc đó đã ly dị vợ và có một cô con gái 5 tuổi. Trong một lần ăn trưa, anh Hải nói: “Mình cưới nhau nhé”. Tôi cứ nghĩ anh đùa nên “Dạ”. 1 tuần sau mới tá hỏa rằng anh đã đi phát thiệp cưới hết rồi…

*Và khác những lần trước, quyết định cưới và phát thiệp, chị vẫn hủy hôn. Còn lần này, không có ý định cưới nhưng phát thiệp, chị lại đồng ý. Nghe ngược ngược sao nhỉ…

-(Cười to). Thì đó, cuộc đời tôi toàn những chuyện lạ mà. Thực ra tình yêu nó hiện hữu trong những cử chỉ hàng ngày. Không cứ phải khoác lên nó cái áo những lời nói say đắm, những tuyên bố nọ kia mới là yêu. Mỗi người có một cách yêu thương của mình.


*Cuộc hôn nhân “tình cờ” này, anh Hải có Tân hôn dạ khúc để đời. Còn chị, có một hạnh phúc không phải ai cũng có và một ngã rẽ âm nhạc kỳ diệu…


-Hồi đó anh Hải nghèo lắm. Tân hôn dạ khúc được viết cho đám cưới đơn sơ của chúng tôi. Tôi dẫu sao lúc đó cũng là một ca sĩ nổi tiếng nhưng tôi không nghĩ về những nổi tiếng nọ kia nữa mà mình nghe theo tiếng gọi của chính mình. Anh Hải thuộc diện đàn ông càng sống càng thấy thú vị. Với anh ấy, tất cả mọi vật đều được biến thành nhạc cụ. Anh ấy mê nhạc dân tộc và tìm trong những điều đơn sơ bình dị hàng ngày ra ngôn ngữ âm nhạc như người dân lao động vậy. Chính anh đã cho tôi biết âm nhạc dân tộc quan trọng như thế nào. Chính vì vậy, nửa cuộc đời còn lại, tôi đã dành cho chồng và nhạc dân tộc.

*Khi về chung sống, chị làm mẹ đứa con riêng của anh Hải. Chị có thể nói đôi chút về người mẹ Bạch Yến không?

-Tôi nuôi cháu từ lúc 5 tuổi đến khi cháu đi lấy chồng. Vợ trước của anh Hải cũng rất quý tôi. Trong quá trình sống, mẹ con rất hiểu và yêu thương nhau nên khá nhiều người không nghĩ rằng tôi không phải là người sinh ra cháu. Trong gia đình, tôi dạy cháu nói tiếng Việt và luôn ý thức dân tộc mình. Cháu nói tiếng Việt khá đến độ ai cũng nghĩ cháu ở Việt Nam mới sang. Tôi cũng dạy cháu những lễ nghi phép tắc của người phụ nữ Việt Nam

Trong ngày cưới cháu, tôi hát Tân hôn dạ khúc như lời dặn con mình. Tôi không cầm nổi nước mắt khi nói thật cho mọi người biết rằng cháu không phải là con đẻ của tôi vì sự thật vẫn là sự thật, phải để mọi người biết. Trong quá trình sống, ranh giới mẹ kế con chồng không còn nữa. Từ trong tâm khảm chúng tôi là mẹ-con của nhau và mãi mãi vẫn là thế. Tôi không có con nên mọi tình cảm, dành hết cho cháu.

*Chị và nhạc sĩ Trần Quang Hải đã có một sự nghiệp biểu diễn nhạc dân tộc lẫy lừng thế giới và phần nào làm rạng danh cho người Việt. Vậy còn trong cuộc sống riêng tư, “ngôn ngữ âm nhạc” riêng của hai người như thế nào?

-Âm nhạc dắt chúng tôi đi, se duyên thành vợ chồng và kết định mệnh thành những người bạn tri âm tri kỷ của nhau. Tôi thấy mình may mắn vì có được những điều đó. Và may mắn nữa, ở xứ người, chúng tôi sống thuần túy bằng âm nhạc và là nhạc dân tộc chứ không phải là những thứ gì ở bên ngoài nó.

Anh Hải vừa sáng tạo ra Nụ hôn bồi âm. Hai người trong tư thế hôn nhau và phát ra một âm thanh đặc biệt của âm nhạc giải tỏa mọi thứ. Nụ hôn này sẽ hàn gắn những rạn nứt cho những cặp uyên ương nào hay cãi vã và mang lại niềm vui trong cuộc sống gia đình. Với các nước dân số ít thì sẽ cần thiết (chống chỉ định với các nước dân số đông)

*Câu hỏi cuối. Ở độ tuổi gần thất thập, khi về Việt Nam biểu diễn thấy chị có hẳn cả một nhạc sĩ đệm đàn tầm cỡ và một make up chuyên nghiệp đi cùng. Có phải trong biểu diễn chị khá kỹ tính?

-Người đệm đàn cho tôi là anh Jean Louis Bey Don, nguyên Giám đốc nhạc viện Vanves ở Pháp và chuyên gia make up Theresa Hà. Họ đều là những người bạn của tôi. Tôi nghĩ, một nghệ sĩ lên sân khấu luôn phải đẹp và phải biết cách hóa trang cho phù hợp với bài hát. Sự đầu tư cẩn thận đó cũng là một cách tôn trọng khán giả. Một nghệ sĩ tài danh đến cỡ nào mà không biết cách tôn trọng khán giả thì sớm bị đào thải thôi.


*Xin cảm ơn chị!


Hoàng Nguyên Vũ

Cảm ơn định mệnh đã sắp đặt như vậy

Ca sĩ Thanh Tuyền:


Lần đầu tiên sau 31 năm xa xứ, “nữ hoàng nhạc sến” thập niên 70 Thanh Tuyền đã lại đứng trên sân khấu quê nhà. Vẫn những ưu tư chở nặng trong giọng hát một lần nữa đi tìm niềm giao cảm, hát như thể ngày mai không còn hát được nữa. Và cũng sau bao nhiêu năm, người phụ nữ có một cuộc đời điển hình cho hai chữ “định mệnh” lại chia sẻ những câu chuyện tưởng khó tin nhưng có thật của chính mình.

Chị nói, chị giống như rượu. Một thứ rượu của chính mình. Lúc buồn nhất thì tự mình uống nó để mà say, nhưng càng uống lại càng tỉnh để nhận rõ mồn một những uẩn khúc của cuộc đời mình. Tạm gọi là nỗi đau thì cũng là gần đúng. Mà gọi là niềm hạnh phúc khi tự gặm nhấm hết những u uẩn của mình cũng không có gì sai.

Ca sĩ hát nhạc buồn, ai cũng phải mang những nỗi niềm riêng không phải là điều khó hiểu nhưng ở một mặt nào đó, âm nhạc giống như thuốc độc. Những lúc buồn đau nhất, người nghệ sĩ tự giết mình để mang lại yêu thương cho những người nghe nó. Cả một cuộc đời ca hát trải qua nhiều thế hệ người nghe, đã không ít lần chị hát bằng cảm giác đó. Còn hôm nay đây, khi bình tĩnh nhìn lại những được mất, Thanh Tuyền hát như tự hóa giải cho mình.

Tôi chỉ thương những người thương mình

*31 năm, không phải đây là lần đầu chị trở lại. Lần trở lại đầu tiên của Thanh Tuyền được biết là vì một chuyện buồn?


-Đó là lần về thọ tang mẹ, vào tháng 2-1995. Ngày đi còn mẹ, ngày về thì không. Visa xin vội vàng trong 24 giờ, về đến Việt Nam cũng không được gặp mẹ lần cuối. Người ta bôn ba hải ngoại mong một lần về là một niềm vui, còn tôi thì về bằng một niềm cay đắng, sau bao nhiêu năm đắng cay nơi đất khách quê người…

*Đắng cay ư?Nhiều người vẫn cho rằng khi sang Mỹ, cuộc đời của chị vốn rất phẳng lặng: mở một tiệm tạp hóa, thỉnh thoảng chị vẫn đi hát rồi nuôi các con khôn lớn…

-Tôi vốn ít chia sẻ. Khi qua Mỹ, tôi tính quên hết tất cả những danh tiếng mình đã có và không bao giờ đi hát nữa để lo cơm áo từ hai bàn tay theo đúng nghĩa đen. Khi đi, tôi đâu phải là đi tìm cái gọi là thiên đường. Điều đơn giản tôi chỉ đi tìm cha của mấy đứa nhỏ, vì con phải cần cha.

Khi Sài Gòn thay đổi, đứa con đầu của tôi mới 6 tuổi, đứa con thứ hai 3 tuổi và đứa thứ ba mới 1 tháng tuổi. Cha nó đã bỏ đi từ khi đó để lại tôi với ba đứa con thơ như vậy, suốt 3 năm không một lời han hỏi, không một tin tức rằng còn sống hay không. Cuộc sống ở Việt Nam lúc đó khó khăn âu cũng là tình trạng chung, nhưng một phụ nữ từ nhỏ đến lớn sống chỉ biết sân khấu, nay vừa phải làm cha vừa phải làm mẹ trong tình cảnh đó thì không biết phải diễn tả cái nỗi khổ đó như thế nào.

*Khi sang Mỹ, chị đã tìm được người đó. Câu chuyện được viết tiếp là hạnh phúc hay khổ đau? Sự chờ đợi được đáp trả bằng tình yêu hay những phũ phàng?


-Thực ra đây là những chuyện mà tôi muốn quên. Tôi đã từng tìm đến rượu để quên từ khi tôi còn ở Việt Nam. Sang đến nơi, nhờ Hồng Thập Tự, tôi đã tìm được cha của mấy đứa nhỏ. Xưa nay chồng thì phải tìm vợ con mình, còn tôi thì vượt biên chỉ để đi tìm cha cho mấy đứa.

Ngày gặp lại cũng là ngày kết thúc. Tôi không muốn sống với một người từ bỏ vợ con mà đi bằng mọi giá như vậy. Tôi chỉ thương người nào thương tôi chứ không bao giờ thương những người bỏ tôi. Nhất là bỏ luôn cả các con tôi nữa. Tôi cũng không biết gọi sự kết thúc đó là khổ đau hay không khổ đau nhưng hạnh phúc thì đương nhiên là không. Và tình yêu cũng chẳng còn, sự phũ phàng thì không phải vì còn gì nữa mà phũ phàng nhau?

*Và chị bắt đầu cuộc sống của chị, bằng đôi tay chứ không phải là giọng hát, ở một nơi vừa xa, vừa lạ?

-Tôi làm công nhân cho một nhà máy in bản đồ ở Mỹ. Công việc chính là người ta vẽ các bản đồ còn tôi đứng chạy máy. Từ xưa đến nay tôi biết gì về những việc đó, chỉ biết hát và hát, nhưng rồi lại phải làm việc của một lao công. Không ít ngày vừa làm vừa khóc, nhưng phải làm. Đơn giản nhưng nặng nề, là sự tồn tại của tôi và các con tôi. Tôi làm tất cả vì tương lai của con.

*Nhưng năm 1982, chị đã đi hát trở lại. Xem lại trong cuốn băng cũ, chị vừa hát vừa khóc: “Cuộc đời là hư vô, bôn ba chi xứ người khi mình còn đôi tay”…

-Có lẽ ông trời sinh tôi ra là để hát nên tôi cũng chỉ làm công nhân trong hai năm. Hai năm ấy, khi tiếng hát nhường chỗ cho đôi tay tôi mới hiểu hơn: có đôi tay thì ở đâu cũng làm việc được, ở đâu cũng sống được. Chẳng nơi đâu là thiên đường nếu bạn không làm việc. Và chẳng có nơi nào thiêng liêng bằng đất mẹ.

Tôi sống nhiều về nội tâm, sự sống cuối cùng suy cho cùng cũng từ hai bàn tay nên tôi hiểu rõ hơn về cuộc đời sau những ngày tháng làm lụng. Ngẫm lại, tôi cảm ơn ông trời đã cho tôi giọng hát. Tôi sinh ra trong một gia đình 15 người con mà tôi là chị cả, chính giọng hát đã giúp tôi lo lắng hết cho đứa em này đến đứa em khác. Giọng hát giúp tôi có danh tiếng, có tất cả những gì ý nghĩa của một quãng đời. Và ở đất Mỹ, giọng hát lại một lần nữa giúp tôi sống được cân bằng, biết cho và nhận, hy sinh và thứ tha. Tôi cũng không biết nếu cứ làm việc bằng đôi tay cho đến giờ, thì chẳng biết cuộc đời mình ra sao nữa.

*Ồ. Trước đây, với gia đình, chị nặng gánh đến mức như thế ư?

-Tôi sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt, gia đình tôi đông con và nghèo. Hồi nhỏ, mẹ tôi vẫn nói là con gái học cho biết cái chữ là đủ, rồi bỏ học mà đi buôn nhưng tôi quyết không nghe. Tôi nhận ra rằng để thoát nghèo là phải học đến nơi đến chốn. 14 tuổi, tôi lên Sài Gòn để thực hiện giấc mơ học hành chứ đâu nghĩ mình lên để ca hát rồi trôi một đời theo giọng hát của mình đâu.

Nói đến đây tôi nhớ thêm, ba tôi cực kỳ ghét tôi theo ca hát. Mấy lần trốn ba đi hát, về đánh lên đánh xuống. Ba nói, cái nghề bạc như vôi, hôm nay làm vua, mai thất thểu ngoài đường chán không tả nổi. Nhưng điều ông không chấp nhận là các nghệ sĩ, tình duyên lận đận, nay lấy người này mai lấy người khác.

Sau này khi tôi đi hát lo toan cho gia đình, có lần tôi hỏi ba: “Sao ba thành kiến với ca hát đến vậy? Ba thấy con đi hát đã mấy năm như thế, con có hỏng không?” thì ba mới nói rằng: “Con là đứa con gái làm ba thay đổi nhiều suy nghĩ”. Tôi bắt đầu được biết đến từ năm 1964 và có tất cả mọi thứ cũng từ đó. Tôi không nghĩ gia đình là nặng gánh bởi vì hồi đi hát tôi kiếm rất nhiều tiền và đã lo lắng cho mọi người một cách hết trách nhiệm, chẳng có gì làm tôi suy nghĩ nó nặng hay không nặng. Chỉ tiếc rằng tôi chỉ học đến khi thi tú tài, rồi theo nghiệp cầm ca. Chắc là trời sắp đặt vậy rồi.

Sự lạc nhau định mệnh

*Trở lại với chuyện cũ. Quãng thời gian từ 1975-1978, một mình chị và ba con nhỏ không có người đàn ông bên cạnh, chị đã vượt qua mọi thứ như thế nào?


-Tôi đi hát ở đoàn Kim Cương, cuộc sống cũng không lấy gì làm dư dả nhưng tình trạng chung là vậy. Đêm về, ba đứa con nhỏ, người mẹ 25 tuổi tự nuốt nước mắt vào trong khi thấy căn nhà của mình tự nhiên nó rỗng một cách đáng sợ. Sự đợi chờ ngày càng vô vọng và sự cô đơn cứ lấp đầy. Nhiều lúc, tôi tìm quên trong men rượu nhưng càng uống lại càng cảm thấy đắng.

*Nổi tiếng và lại sống thiên về tình cảm, không lẽ chị không mở lòng với một người đàn ông nào khác ư khi họ đến với chị?

-Tìm kiếm thì không. Tuy nhiên những lúc ấy, định mệnh đã sắp xếp cho tôi gặp được một người…

*Thực hư thế nào hả chị?


-Tôi và anh biết nhau qua một người bạn. Hồi đó, anh có nhiều xe đạp và thường mang xe qua nhà tôi gửi. Rồi một lần đi nhậu, anh chở tôi về. Vào thăm nhà anh nhìn thấy tôi và ba đứa con nheo nhóc, anh đã động lòng thương và chúng tôi gần gũi nhau hơn như những người bạn. Anh hơn tôi gần 20 tuổi, đã có gia đình, con cái cũng lớn. Thế nên, những khi còn ở Việt Nam, chúng tôi là bạn bè của nhau, không có gì đi quá giới hạn.

*Anh có thích nghe chị hát không?


-Lần quen nhau tôi có hỏi thì anh nói, trước đây không nghe tôi hát bao giờ, chỉ thích nghe Thái Thanh thôi.

*Tóm lại là anh đến với chị không phải vì giọng hát của chị?

-Có chứ. Một lần, tôi thấy trong túi xe anh có băng Thuyền xa bến đỗ của tôi. Tôi hỏi: “Anh không thích nghe em hát sao lại có cái băng của em?”. Anh thú thật: “Trước đây anh đọc báo, có tin viết em uống thuốc tự tử, anh mới chạy ra đường Nguyễn Huệ mua cái băng về xem mặt mũi em ra sao, hát hò thế nào mà đang nổi tiếng như vậy lại dại dột tìm đến cái chết”. Và rồi anh nghe, anh nói cái giọng hát càng nghe càng ghiền và anh thích tôi từ khi chưa gặp. Giờ thấy đúng là duyên số do trời sắp đặt, không thể chạy trốn đi đâu được.

*Chị đã từng tự tử ư? Vì sao vậy?


-Thôi, chuyện quá khứ rồi. Chút bốc đồng nghệ sĩ và sự dại dột của bản thân. Sau này nhìn lại tôi thấy sự hủy hoại mình là điều không chấp nhận được. Đã có những lúc tôi căng thẳng đến độ không muốn sống nữa, thà chết đi cho thanh thản còn hơn. Nhất là khi sống với những điều vô vọng. Nhưng rồi ông trời cũng bù đắp những mất mát và đến giờ tôi tin số phận luôn công bằng.

*Anh là người chồng hiện nay của chị?

-Còn hơn như thế nữa. Một người chồng, một người bạn, một người cha tốt của các con tôi và cũng như một người thầy trong cuộc sống của tôi.

*Chị nói, lúc đó anh đã có gia đình. Chắc hẳn cũng có nhiều rắc rối khi chị và anh thành vợ chồng của nhau?

-Ngược lại, mọi chuyện tốt đẹp, như là định mệnh đã sắp đặt vậy đấy. Anh giúp ba mẹ con tôi vượt biên. Trước đó anh có nói với vợ con anh là giúp mẹ con tôi sang Mỹ và vợ con anh cũng đi cùng. Nào ngờ ra giữa biển, ghe của vợ con anh bị lạc trong những ngày lênh đênh trên biển. Họ sang Pháp, tôi và anh qua Mỹ.

Sang Pháp một thời gian vợ anh cũng có lương duyên khác còn anh thì sang Mỹ với mẹ con tôi. Tình cảm chân thành đã đến và chúng tôi đã có nhau trong cuộc đời từ ngày đó cho đến tận bây giờ.

*Đúng là định mệnh. Sau này, cả ba bên gặp lại nhau, cảm giác mọi người ra sao hả chị?

-Gặp lại lúc con gái anh lấy chồng. Mỗi người có một cuộc sống riêng nên chuyện cũ cũng thành kỷ niệm và cả ba nhìn nhau bằng sự cảm thông và trân trọng.

*Thế còn với người chồng cũ của chị, cả ba có nhìn nhau bằng sự trân trọng như thế không?

-Có rất nhiều cách quên một cái gì đó. Quên để sống với nhau đẹp hơn cũng là một cách. Quên hẳn như xóa hết tất cả cũng là một cách. Những gì là đau buồn nên xóa đi chứ! Như tôi đã nói, tôi chỉ thương những người thương mình. Còn những ai không thương mình đương nhiên làm sao tôi thương lại. Tôi rất khó quên một điều gì đó nhưng khi quên được cũng đồng nghĩa với việc không còn gì.

Người trên chuyến ghe định mệnh đã lo lắng cho các con tôi như một người cha lớn. Tôi sang Mỹ để tìm cha cho các con thì đó, đó mới là người cha thực sự. Bây giờ các con tôi đã thành công hết cả và ông trời đã ban hạnh phúc cho tôi. Cảm ơn định mệnh đã sắp đặt như vậy.

*Chị từng về Việt Nam nhiều lần để làm từ thiện chứ không phải để hát. Việc làm này xuất phát từ suy nghĩ cho và nhận của định mệnh với chính mình?


-Thực ra càng sống tôi càng thấy đau khổ lùi dần. Một giọng hát có thể mất đi trong tích tắc. Khi mình còn hát được có nghĩa là trời còn thương mình thì hãy biết chia sẻ tình thương đó với những người kém may mắn. Tôi làm từ thiện suốt gần 30 năm qua một cách âm thầm với quan niệm: khi mình có bát cơm đầy đủ thức ăn, nên nghĩ đến những người vẫn đang ăn bát cơm chỉ với vài cọng rau muống. Biết đâu kiếp sau mình cũng khổ như họ nên bây giờ hãy trả nợ cho kiếp sau bằng tấm lòng thành thật, thì mọi khổ đau sẽ được đẩy lùi thôi.

*Xin cảm ơn chị

Hoàng Nguyên Vũ (thực hiện)

Thứ Ba

KIM CƯƠNG: LẦN NỮA VỚI BÙI GIÁNG

anh cho tôi một bài học: dù giàu dù nghèo, dù trẻ dù già, dù điên dù tỉnh, ta cũng phải có một mối tình để sống…Thực tế, một người đàn ông yêu đơn phương mình suốt 40 năm mà không một người đàn bà nào có thể lọt vào trái tim anh ấy được, đó là một tình cảm vĩ đại.


Cuộc đời kỳ nữ tuổi 72 này hồ như vẫn còn nhiều ẩn số. Khi cuốn hồi ký “Trôi theo dòng đời” của NSND Bảy Nam, thân mẫu của NS Kim Cương được xuất bản, bạn đọc hiểu hơn một chút về Kim Cương của ngày cũ nhưng chị cho rằng, nếu chị viết hồi ký như mẹ, chắc cuốn sách sẽ rất dày về những câu chuyện cuộc đời mình…

Chị tiếp tôi trong phòng lưu niệm NS Bảy Nam tại tư gia của chị. Căn phòng gọn gàng, tủ quần áo của thân mẫu vẫn nguyên vẹn như thể NS Bảy Nam còn đang đi diễn chưa về. Còn Kim Cương lại cho tôi một cảm giác khác hẳn, ngồi nói chuyện không tạo cái cảm giác như tôi đang thấy chị trên sân khấu. Những lời nói không trơn tru, linh hoạt như trên sân khấu, câu chuyện đời chị được kể với giọng ngắt quãng, có chút bối rối. Ký ức về mẹ được chị nhắc đầu tiên, là những điều không có trong cuốn “Trôi theo dòng đời”.

Những người tôi chọn, má không bao giờ chọn…

*Chị đề tựa trong cuốn “Trôi theo dòng đời” rằng 5 năm rồi không có má. Cứ như là, 72 tuổi vẫn là con gái cưng của mẹ...

-Đúng vậy. Má với tôi hơi đặc biệt so với thông thường, mặc dù trong gia đình tôi là người chăm sóc má có thể không bằng em gái mình. Má như một người thầy, một người bạn diễn ăn ý nhất cuộc đời, một người bạn tâm tình tri kỷ. Má luôn là nơi để tôi đổ trút những tâm sự và ngược lại, lúc má còn sống. Mỗi đêm đi diễn về, diễn tốt, hai mẹ con cũng nằm nói chuyện với nhau cả đêm. Tôi diễn dở, má cũng thức để…càu nhàu. Ở bên má, tôi quên là mình bao nhiêu tuổi, lúc nào cũng như một đứa trẻ cho nên khi má đi, tôi hẫng…

*Cuộc đời của NS Bảy Nam theo những gì kể trong hồi ký, thật nhiều biến động, lắm gian truân, đầy khổ ải. Để đi trọn kiếp đam mê, gần như bà đã phải trả quá nhiều giá đắt. Nhưng với hơn 150 trang hồi ký, chị có cảm thấy bà chưa viết hết được những gì bà phải chịu, phải gánh?

-Tôi hiểu là má chỉ viết một phần trăm những sự kiện đi qua đời má. Nhiều lúc nghĩ lại, tôi tự hỏi, tại sao vì một niềm đam mê nghệ thuật mà má phải trả những cái giá quá đắt như vậy. Cứ nhắm mắt lại, tôi hình dung ra hình ảnh một người đàn bà có mang 7 tháng mà chạy theo cả đoàn tàu đang chạy để khỏi lỡ tàu. Hồi đó, thấy vậy tôi còn vỗ tay hoan hô rằng sao má giỏi vậy, giờ mới thấy mình vô tâm. Và tôi cũng hiểu tại sao hồi tôi 8 tuổi, má kiên quyết không cho tôi theo nghề hát mà “tống” tôi vào một trường nội trú hàng bao năm trời.

*Nhưng cuối cùng chị cũng như má, không cưỡng được niềm đam mê của mình và lại theo nghiệp diễn. Tuy nhiên, vẫn chưa nhiều người biết tại sao chị không theo cải lương như má mà chuyển hẳn sang kịch nói?

-Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 4 đời theo sân khấu, từ bà cố, bà nội, ba má cho tới tôi là 4 đời phụng sự cho sân khấu. Tôi nghĩ mình đã nổi tiếng trong nghiệp diễn từ lúc 6 tuổi. Cả thành phố Hà Nội ngày đó đã yêu “cậu bé” Kim Cương trên sân khấu lắm. Đùng một cái, bị “ném” vào trường nội trú, tôi ức với quyết định đó của má lắm nhưng rồi tôi cũng hiểu má không muốn con gái phải chịu nhiều truân chuyên. Đến giờ tôi có thể nói, nếu không theo nghề diễn chắc tôi cũng chẳng biết làm được gì. Từ năm 1954, 55 tôi đã nổi tiếng bên sân khấu cải lương và được ký giả Nguyễn Ang Ca của báo chí Sàigòn lúc đó, đặt cho biệt hiệu là “Kỳ Nữ”.
Nhưng đến năm 1960, tôi thấy rằng mình phù hợp với kịch nói hơn, tôi cũng nhận thấy giọng ca mình cũng không hay lắm, theo cải lương không ổn. Trong khi đó, kịch nói có thể đặt ra những vấn đề xã hội gần gũi hơn, có thể đi vào góc cạnh của xã hội, thế là tôi theo kịch nói.

*Có bao giờ chị nghĩ, nếu không có cái bóng của má, có khi nghệ sĩ Kim Cương khó có thể đạt được một sự nghiệp như thế?

-Đúng má là một cái bóng quá lớn. Nhiều người bây giờ vẫn nói, khi cha mẹ quá nổi tiếng, con theo nghề phải chịu áp lực nhưng tôi lại không bao giờ thấy vậy, cứ thế khóc cười hỉ nộ ái ố với cuộc đời qua từng vai diễn mà thành tên thành tuổi. Tôi với má song hành trên sân khấu và ngoài cuộc đời như hai cái cây tự nhiên, cùng sống, cùng phát triển và nương tựa vào nhau những lúc giông bão. Hai má con, tình yêu thương nhau và tình yêu nghệ thuật trộn lẫn khó phân biệt. Khi tôi chuyển sang kịch, má cũng chuyển hẳn sang kịch và hai má con lại tiếp tục đồng hành và có những thành công đáng kể. Má luôn theo sát những bước đường tôi đi. Khi tôi học ở Pháp, má sang đó 2 năm để chăm sóc.

*Như chị nói, má theo chị trên những bước đường. Nhưng lạ thay, trong hồi ký má không hề đả động đến một dòng nào về chuyện tình cảm của chị. Có phải, má quá tôn trọng những riêng tư của con gái?

-Điều này thì hoàn toàn…ngược lại. Có thể nói khi tôi bắt đầu biết yêu, má quản tôi khá chặt. Chặt đến nỗi, đến 35 tuổi tôi mới lấy được chồng! Khi ngoài 20 tuổi, tôi có trốn má đi chơi vài lần đến khuya. Về đến nhà, má và chiếc chổi lông chờ sẵn, đánh nát cả chổi.

Trên sân khấu và ngoài đời, hai mẹ con quá nhiều điểm chung, nhiều sở thích chung, nhưng có một điều hoàn toàn khác là gu chọn chồng cho…tôi. Má luôn muốn tôi phải luôn nhẫn nhịn, hiền thục, chịu đựng và phải yêu những người theo mẫu của má. Kim Cương thì bao giờ biết nhịn nhục. Tôi thấy tôi là người phụ nữ mà đàn ông không dễ bắt nạt đâu. Biết bao người má cho là được, tôi lại thấy không hề được. Những người yêu tôi thì má không bao giờ “chấm”. Biết bao người thương tôi nhưng không vượt qua được “bức tường” má nên cuối cùng đành phải đi cưới vợ khác cho xong

*Là do má quá khó hay do người kia mà bây giờ chị nhìn lại, chị thấy họ cũng không ổn nên má mới vậy?

-Tôi thấy là do cái duyên thôi, chứ họ hoàn toàn tốt trong mắt tôi đến giờ. Có một người theo đuổi tôi gần mười năm, cuối cùng cũng đành phải chia tay. Dĩ nhiên, má khó là một phần nhưng từ cái khó đó, có nhiều cái phát sinh mà đến giờ không biết phải nói thế nào. Hồi đó, anh ấy và tôi muốn hẹn hò nhau là phải ra chùa. Người trong đoàn mỗi lần gọi tôi, để đánh lạc hướng má đnàh phải nói dối: “Chị Cương có sư cụ cho gọi chị” nên má mới không “kiểm soát”. Không ít lần anh đến nhà chơi đành phải vào tủ áo trốn cả buổi vì má…đột nhiên xuất hiện và ngồi đó, không lên phòng nghỉ nữa.

*Có thể, một người mẹ yêu thương con quá nhiều lúc cũng không muốn san sẻ tình cảm cho người khác?

-Má cũng có vài lần “chọn rể” chứ có bắt con gái ở vậy đâu, nhưng má chọn thường không phải là gu của tôi. Ngược lại người tôi chọn, má luôn có “lý do” để ghét người ta. Một lần, má biết anh nọ thích tôi, và tôi cũng có cảm tình với anh. Khi anh đến xin má gói trà lipton có khi má không cho đâu. Nên chuyện không muốn san sẻ tình cảm, cũng có thể.

*Xin lỗi chị về một câu hỏi khá thẳng thắn. Vậy người chồng cũ của chị là do má chọn hay chị chọn?

-Tôi chọn đấy chứ. Hồi đó má không thích, má nói ảnh da đen, tắm đến 3 năm cũng chẳng trắng được. Nói chuyện cưới cực khó. Tôi đành phải nói dối: “Con lỡ có bầu với người khác, ảnh biết và ảnh vẫn đồng ý cưới con. Nếu má không cho cưới, thì con không biết phải sống thế nào”. Má hỏi lại : “Có đúng nó biết chuyện và đồng ý, hay là con dối nó?”. Tôi nói: “Anh đồng ý”. Khi con trai được 2 tuổi, má nói: “Nhìn cái mặt thằng nhỏ như cắt ra mà đặt với chồng nó, mà nó lừa tui là con người khác”. Tôi cười: “Thì thế má mới cho tụi con cưới. Nếu không thì biết đến khi nào?”

*Khi chị lấy chồng, má còn giữ thái độ “bất hợp tác” với con rể như lúc chưa cưới không?

-Khi về sống cùng rồi, má thương ảnh lắm. Khi chưa là con cái thì má vậy thôi nhưng là người cùng một nhà, má sống rất bao dung thậm chí lại luôn khuyên tôi biết nhịn nhục, chấp nhận. Khi chúng tôi chia tay, má cũng buồn lắm.

*Vì sao lại chia tay hả chị?

-Giờ nói lại là tại cả hai người. Cái tại lớn nhất của tôi là tin người quá. Đó cũng là điều bất hạnh của một nữ diễn viên, đi diễn nhiều quá cũng rất dễ mất chồng. Nhưng giọt nước làm tràn ly lại là anh ta. Có những điều mà ngày trước tôi nghĩ mình không thể tha thứ. Tôi rất giận trong một thời gian rất dài đến mức tôi không cho phép anh ta được phép đến nhà và đừng để tôi nhìn thấy anh ta. Và đến giờ cũng không thể coi nhau là bạn bè được. Mà thôi, đừng nói chuyện này nữa!

*Chị còn buồn về chuyện này?

-Buồn làm gì nữa. Cũng hơn hai mươi năm rồi còn gì. Không giận, không buồn nữa nhưng quên thì không thể quên được.

Chưa ai yêu tôi như anh Bùi Giáng!

*Người ta biết đến Kim Cương nhiều hơn nữa bởi một phần chị là giai nhân đặc biệt trong trái tim thi sĩ Bùi Giáng. Bao nhiêu năm qua không ai biết thực lòng chị ứng xử với tình cảm của thi sĩ Bùi Giáng như thế nào…

-Đối với anh Bùi Giáng, tôi có tình thương của một con người với một con người chứ tôi không hề yêu anh ấy. Lúc hạ huyệt anh, tôi có nói mấy lời từ biệt. Tôi cảm ơn anh ba điều: thứ nhất, anh để lại cho đời những tác phẩn quá hay; thứ hai anh đã yêu tôi một mối tình đơn phương mà tôi nghĩ không có một người đàn ông nào có thể yêu tôi được như vậy; thứ ba, anh cho tôi một bài học: dù giàu dù nghèo, dù trẻ dù già, dù điên dù tỉnh, ta cũng phải có một mối tình để sống…Thực tế, một người đàn ông yêu đơn phương mình suốt 40 năm mà không một người đàn bà nào có thể lọt vào trái tim anh ấy được, đó là một tình cảm vĩ đại.

*Dù sao, chị là một nghệ sĩ tên tuổi, một nhan sắc của sân khấu còn thi sĩ Bùi Giáng là một người điên. Chuyện chị yêu lại là điều không thể nhưng được biết, chị cũng rất bao dung và có những quan tâm đặc biệt với thi sĩ Bùi Giáng…

-Tôi đã từng nghĩ rằng, chỉ có anh điên mới yêu tôi suốt 40 năm chứ người tỉnh chắc họ chạy mất dép rồi! Trong đầu anh ấy chỉ có nhớ mỗi tên tôi và số điện thoại nhà tôi. Những lúc anh đi gây lộn bị đánh, rồi bị công an bắt, anh đọc vanh vách số điện thoại nhà tôi và đã không ít lần tôi phải đi bảo lãnh anh ấy về. Khi anh ấy bị tai nạn, tôi cũng là người ký vào giấy mổ. Tôi thường cho anh ấy quần áo để anh mặc. Khi anh ấy chết, có vài bộ còn chưa kịp mặc…

*Chị có từng xem tình yêu của Bùi Giáng là một “nỗi khủng khiếp” với mình không?

-Không. Mặc dù suốt 40 năm trời, người xông đất nhà tôi bao giờ cũng là anh Giáng. Tôi mà tin dị đoan chắc chết. Có lần má bảo: “Hay con đi đâu đó một vòng, qua 12 giờ thì về coi như con tự xông đất mình”. Tôi mặc. 6 giờ sáng anh đến, lì xì cho vài đồng rồi ảnh đi, cũng đâu có sao.

*Một năm chỉ “thăm” chị có một ngày đầu năm thôi ư?

-Trời! Một năm phải mấy chục bận. Cứ mỗi lần thấy tiếng chuông cửa và thấy mấy đứa con nít chạy rầm rầm quanh nhà là biết chắc, rồi, Bùi Giáng tới. Bấm chuông không mở thì kêu cửa, và rồi gạch đá liệng vào nhà tới tấp, văng đủ thứ chửi tôi đấy chứ. Nếu tôi ở nhà, tôi sẽ mở cửa cho anh vào. Anh vào, hiền khô, ngồi một lúc rồi anh đi. Có những lúc đến tôi không có nhà, anh đứng ngay giữa đường làm chim bay cò bay, kẹt xe liên hồi. Có một người biết lại nói nhỏ: “Kim Cương chờ anh ngoài đường kia”, anh hỏi: “Đâu? Đâu?” rồi anh chạy vù một mạch, đường mới không kẹt nữa. Có lần anh bị đánh, đến nhà, tôi bắt anh phải đi nhà thương anh nói phải có tôi đi cùng anh mới chịu. Cuối cùng thì tôi cũng phải ngồi lên xích lô đưa anh đến nhà thương.

*Có lúc nào thi sĩ “thăm” nhà, chị dọn cơm mời ăn không?

-Không. Ai mà ngồi ăn cùng anh được. Lúc nào anh đến nhà tôi cũng trong tình trạng tóc tai bù xù, quần áo tả tơi, lon sữa bò và vỏ chuối đeo lủng lẻng đầy người. Mấy lần cho anh ăn dưa hấu thì có. Anh ăn xong anh đi, vài tuần sau lại “quay lại”. Có lần gần một năm không thấy anh, sau đó anh đến bấm chuông và nói: “Phật tái thế bị giam cầm dưới nhà thương Biên Hòa, sao cô không đi lãnh Phật về mà để người khác lãnh?”

*Hình như, thi sĩ Bùi Giáng yêu chị khi còn tỉnh táo chứ không phải khi đã điên loạn?

-Đúng vậy. Lúc đầu có người còn làm mai cho tôi cơ mà. Họ nói, có một ông giáo sư học ở Đức về, gia đình danh giá lắm. Hồi đó tôi chưa lấy chồng, nghe cũng thấy khoái lắm, và có nhã ý mời anh qua nhà chơi. Lúc anh qua, có mời tôi đi ăn trưa. Anh kiên quyết không đi xe hơi nhà anh, cũng không đi xe hơi nhà tôi mà nằng nặc chở tôi bằng xe đạp. Tôi nghĩ, chắc anh thích cách sống bình dân mới vậy nhưng càng nói chuyện thì càng thấy anh hơi “tưng tửng”.

*Thế nên chị “rút lui”?

-Tôi tránh không gặp và anh hiểu điều đó. Một lần anh đến nhà nói với tôi: “Tôi biết cô không thích tôi vì nhiều lẽ nhưng tôi thì quý cô lắm. Tôi luôn muốn cô là một thành viên trong gia đình tôi. Tôi có một thằng cháu, đẹp trai mà rất tốt, cô hứa sẽ lấy nó nhé?”. Tôi nói: “Thì anh phải cho cậu ấy lại đây em coi thế nào, có hợp hay không và quan trọng là cả hai có thương, có duyên với nhau không nữa”. Hôm sau anh có dẫn người đó đến thật.

* “Người đó” thế nào hả chị?

-Đó là một cậu bé 8 tuổi! Tức là nhỏ hơn tôi gần 20 tuổi!

*Trong 40 năm đó, một người điên vẫn phải có những lúc tỉnh, đặc biệt là khi họ quá yêu một ai đó. Hẳn chị đã có lần gặp Bùi Giáng trong tình trạng không điên. Lúc đó, Bùi Giáng có nói vì sao anh yêu chị đến thế không?

-Có vài lần anh tỉnh táo, ăn mặc gọn gàng đến nhà tôi. Anh nói, anh gặp tôi trong một đám cưới của hai người bạn trước khi “đánh tiếng” để người khác mai mối. Lúc đó anh thấy tôi có một điều gì đó rất lạ, như có một vầng hào quang trên đầu. Nỗi ám ảnh đó theo anh gần như trọn vẹn cả cuộc đời để rồi những khi anh điên nhất, bất cứ một ai đến thăm anh đều xua đuổi vì anh nói, nơi đó chỉ có Kim Cương được quyền đến.

*Chị từng đến thăm Bùi Giáng tại nơi anh ở chứ?

-Một số lần. Đến xem anh thế nào, cho anh vài bộ đồ, ít thức ăn.

*Với đàn ông yêu mình, dù người điên hay người tỉnh, dù nên duyên hay không nên duyên, dù hạnh phúc hay dang dở chị cũng đều đã vẹn nghĩa vẹn tình? Chị có chạnh lòng khi tất cả những người đàn ông dành nhiều yêu thương cho mình như vậy nhưng chị không may mắn trong tình duyên?

-Nói chung không có gì tôi phải ân hận. Cũng cảm ơn tất cả cho tôi thấy không có gì bền bỉ, tất cả đều là vô thường cả. May mắn là con trai tôi rất thương mẹ, hiếu nghĩa. Tốt nghiệp ở Canada với bằng giỏi, nhiều nơi mời ở lại làm việc nhưng nó chỉ muốn về với mẹ. Bây giờ, mọi lo toan trong gia đình là vợ chồng nó cả. Phải cảm ơn cuộc đời về những bù đắp để thấy rằng, tôi là người may mắn trong cuộc đời này.

*Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện! Chúc chị luôn thanh thản!

Hoàng Nguyên Vũ (thực hiện)

Thứ Năm

HỌA MI: “Một thời yêu nhau”



Lần thứ sáu về thăm quê nhà kể từ ngày xa quê hương định cư ở Pháp (năm 1988), lần đầu tiên Họa Mi- nữ ca sĩ có giọng hát như luôn khát khao nỗi thấu hiểu và đồng cảm chân thành chính thức ra mắt ra mắt khán giả quê nhà trong một album nhạc trữ tình cùng với một đêm nhạc theo chị là để “tri ân và tạ lỗi với khán thính giả” có tên “Một thời yêu nhau” tại cà phê Sách Phương Nam (đường Nguyễn Oanh, Q. Gò Vấp). 21 năm, khoảng thời gian đủ làm cho thanh sắc của một nữ ca sĩ có nhiều thay đổi nhưng một điều kỳ lạ ở Họa Mi, giọng hát không khác xưa, tuy nhiên có chút gì sâu trầm hơn, chứa đựng nhiều tâm sự sau bao biến động cuộc đời. Chị đã dành cho tôi cuộc trò chuyện thân tình với bao nỗi niềm chất đựng suốt cả một quãng đời…


Album do chính Họa Mi chọn bài với 10 tình khúc quen thuộc như: Mắt lệ cho người, Bản tình cuối, Riêng một góc trời, Kiếp nào có yêu nhau, Một mình, Đường xưa…Chị nói, đó là những câu chuyện tình buồn mà đẹp, ngọt ngào những nỗi đau lặng lẽ đi qua một quãng đời như chính những gì chị đã nếm, đã trải từ khi yêu và sống đến bây giờ. Đó cũng là những xúc cảm của mỗi lần trở về của chính mình khi người xưa, cảnh cũ vẫn còn nhói đau trong tâm hồn chị. Chị hát lên những tình khúc trên là để tạ lỗi với khán giả, nhưng cũng là để nói lên những nỗi niềm ấy.


Chồng luôn hiểu và tôn trọng tôi. Nhưng có một điều anh không hiểu tôi đó chính là không hiểu vợ hát gì…


*Kể từ ngày chị xa quê hương, suốt một quãng thời gian dài khán thính giả không thấy Họa Mi xuất hiện trên sân khấu như các ca sĩ hải ngoại khác. Vì sao vậy, thưa chị?


-Kể từ khi Họa Mi xa quê hương đến nay đã 21 năm. Ở Pháp, có thời gian tôi vì cuộc sống mà đi hát cho một nhà hàng người Hoa. Phải nói thật, sau những đêm diễn, về nhà tôi muốn ôm mặt khóc. Chưa bao giờ cảm thấy mình hát mà cô đơn đến như vậy. Hàng trăm khán giả, họ chỉ nghe hát vậy thôi, họ không biết tiếng Việt, vì thế không thể đồng cảm với những lời ca như chính mình rút ruột để mà hát. Với âm nhạc, tôi hận thấy mình luôn hết mình, ít khi tôi hát mà không nhập hết cả tâm hồn, gửi hết cả nỗi lòng mình vào đó. Như em biết đó, một ca sĩ, buồn nhất là không được hát, nhưng đau nhất là hát mà không ai đồng cảm được với mình…

Chồng tôi rất hiểu, anh chia sẻ rằng: “Anh biết em là một nghệ sĩ quá yêu nghề hát và đó cũng là lý do để em không thể theo nghề ở nơi này”. Một ca sĩ yêu nghề và coi đam mê như một lẽ sống, không ai nghĩ rằng một ngày mình sẽ ngưng hát, dù là tạm ngừng. Ở Pháp, cộng đồng người Việt không đông nên hát cho cộng đồng không thể thường xuyên và cũng không mấy ai có thời gian để thường xuyên nghe mình hát.


*Chị vẫn còn bao lựa chọn khác: sang Mỹ hát cho kiều bào, tham gia các show diễn cho cộng đồng người Việt ở Châu Âu…

-Đấy cũng là vấn đề quan trọng nhất. Ở Pháp, lúc đó tôi có chồng và 4 đứa con. Tôi không thể bỏ gia đình hàng tháng trời để đi diễn để bỏ các con bơ vơ ở xứ người được.


*Cũng đồng nghĩa với việc, nếu chọn giữa đam mê của mình và gia đình, chị sẽ chọn vế thứ hai?


-Điều đó là đương nhiên. Tôi không muốn sau những lần lưu diễn về mà không biết chuyện gì đã xảy ra với các con và gia đình sau một chuỗi ngày dài. Tôi cũng không thể lên sân khấu nếu như cả tuần liền không được gần gũi và trò chuyện với các con hay nấu cho con những món ăn quen thuộc. Tôi không bao giờ có khái niệm đánh đổi trong nghề nghiệp, chứ chưa nói đến đánh đổi điều thiêng liêng nhất của tôi là gia đình.


* Nhưng chồng chị, một người sống ở Pháp từ nhỏ và những đứa con đã quá quen với cách sống, cách nghĩ của người Châu Âu, dễ dàng hiểu và tôn trọng, thậm chí động viên chị hát chứ?


-Chồng và các con luôn động viên. Tuy nhiên, không giống như một số người là cuộc sống và nền văn minh nước Pháp không thể làm thay đổi bản chất người phụ nữ Việt Nam trong con người tôi. Là một ca sĩ yêu nghề nhưng cách sống của tôi không hề nghệ sĩ bao giờ, sự phiêu lưu trong nghệ thuật để tìm những điều thăng hoa không thể bằng sự dừng lại yên bình với cuộc sống giản dị với chồng và những đứa con. Với các con, tôi luôn là bạn. Với chồng, tôi không chỉ là một người vợ mà là một cộng sự trong cuộc đời anh, thấu hiểu và tôn trọng. Tôi thích được đi chợ, nấu cơm, lo cho chồng cho con như bất cứ một người vợ, một người mẹ Việt Nam thuần túy dù tôi có ở đâu và dù bất cứ thời gian nào.


*Chị có thể nói rõ hơn những “tôn trọng và thấu hiểu” của “người cộng sự” trong cuộc đời chị hiện nay?


-Chúng tôi đến với nhau và thành vợ thành chồng từ năm 1995, đều là những mảnh vỡ ghép lại-tôi và anh đều đã trải qua một cuộc hôn nhân, và tôi cũng đã có ba người con riêng với người chồng trước. Anh là một kỹ sư, người gốc Sa Đéc nhưng sống ở Pháp từ nhỏ nên không rành tiếng Việt lắm. Cuộc sống của chúng tôi có thể gọi là hạnh phúc, khi anh luôn là một người đàn ông biết lo cho vợ, con và cuộc sống gia đình, tôn trọng những chuyện riêng tư của vợ. Tôi cũng vậy, luôn hiểu và tôn trọng những gì thuộc về quá khứ của anh.


*Đó là hạnh phúc, là thấu hiểu” như chị nói và cũng là điều không phải ai cũng có được. Vậy, hẳn cũng có những điều không “thấu hiểu” lắm khi anh và chị cũng có những khác nhau từ xuất phát điểm của không gian sống?


-Em nói đúng. Đó là điều buồn của tôi. Có một điều mà anh không bao giờ hiểu được tôi chính là không hiểu tôi…hát gì như bao nhiêu khán giả ở nhà hàng người Hoa mà tôi đã hát cho họ nghe ở đó.



Với chồng cũ, tôi đã sống hết mình


*Là một người phụ nữ “truyền thống” đúng nghĩa và chị cũng đã hết lòng lo toan cho người chồng cũ-nhạc sĩ Lê Tấn Quốc từ khi còn ở Việt Nam sau đó bảo lãnh anh và các con sang Pháp. Nhưng có một điều nhiều người chưa hiểu là tại sao anh Quốc lại rời Pháp về Việt Nam và từ đó trở thành “người xưa” của chị…


-Đó là một câu chuyện dài em ạ. Tuy nhiên, anh Quốc không hoàn toàn là “người xưa” đâu, chúng tôi vẫn là những người bạn tốt. Cho đến giờ anh vẫn luôn hiểu, tôn trọng và thương tôi và tôi cũng vậy. Yêu nhau là duyên, lấy nhau là nợ. Không lấy nhau nữa là không còn nợ nhưng không có nghĩa đã hết duyên.


*Như là lời trong một bài hát chị đã hát “Bao nhiêu năm gặp lại, dòng đời vẫn chia đôi. Bao nhiêu năm gặp lại, tình còn trang giấy mới…”?


-Dòng đời thì đã chia đôi từ lâu nhưng “tình còn trang giấy mới” thì không phải. Cái ở lại giứa chúng tôi là cái nghĩa. Có nhiều điều tôi muốn nói với anh qua những ca khúc mà tôi sẽ hát, đó là một quá khứ đẹp mà cả tôi và anh đã, đang và sẽ trân trọng và gìn giữ như thể giữ lại một thời yêu thương nhau. Những cái gì đẹp đã đi qua cuộc đời mình thì nên giữ nó lại em ạ, giữ lại để sống và hành xử với nhau được tốt và đẹp hơn. Cuộc sống vốn đã có biết bao nhiêu điều nặng nề, phức tạp, nếu mình không đơn giản nó đi và nghĩ tốt về nhau thì mệt mỏi lắm.


*Phải là một người đàn ông như thế nào thì mới ở lại trong chị tốt và đẹp như vậy chứ?


-Tôi đến với anh từ năm tôi 20 tuổi, khi đó tôi là ca sĩ còn anh là một nhạc công thổi Sacxophone ở đoàn Kim Cương. Có thể nói tôi đối với anh, tình thương nặng hơn tình yêu. Ban đầu đến với nhau là tình thương và tình yêu dần nảy nở trong quá trình sống với nhau.

Anh tốt, hiền và hiếu thảo, điều đó làm tôi rất cảm động. Là con út trong một gia đình đông con, 15 tuổi anh đã phải kiếm tiền lo thêm cho cha mẹ. Còn tôi, 11 tuổi mất cha, 18 tuổi mất mẹ, muốn có cha mẹ để phụng dưỡng cũng không còn nữa nên thấy hình ảnh anh Quốc hiếu nghĩa, tôi rất ngưỡng mộ. Chúng tôi quen nhau 6 tháng thì làm đám cưới.

Khi chưa cưới, tôi biết anh bị bệnh về mắt-gọi là hẹp thị trường. Nếu là một người bình thường nhìn được 360 độ thì anh chỉ nhìn được 30 độ. Gần như các tế bào trong đáy mắt anh dần bị hủy diệt, không một nơi nào có thể chữa được. Một người bị bệnh tật thường rất dễ mặc cảm và khó tính, tôi biết điều đó nên tôi luôn nhường nhịn anh những lúc anh nói những điều có thể làm mình khó chịu. Lấy chồng rồi, tôi thêm một trách nhiệm nhưng không bao giờ tôi coi đó là gánh nặng và dù có vất vả, thì đó cũng là bổn phận chứ không phải là sự chịu đựng. Người ta chỉ coi nhau là gánh nặng và chịu đựng khi họ đã thù nhau. Còn tôi lấy chồng, yêu thương chồng thì dù vất vả thế nào, tôi cũng lấy làm hạnh phúc. Đó cũng chính là điều để đến giờ anh luôn tôn trọng tôi và tôi cũng luôn thương anh. Lúc đó, tôi luôn hy vọng mắt anh sẽ khỏi nên hết thuốc nam đến bấm huyệt, những gì có thể tìm để hy vọng chồng mình sáng mắt là tôi đều tìm, nhưng đều không kết quả.


*Và anh Quốc có bất ngờ không khi biết chị quyết định ở lại Pa-ri sau chuyến lưu diễn năm 1988?


-Tôi nghĩ là anh rất bất ngờ nhưng tôi biết là anh hiểu tôi và anh hiểu dù có đi đâu thì tôi vẫn là tôi thôi, chỉ khác nhau về nơi ở chứ không thể khác về con người và tình người. Tôi hiểu những đớn đau anh phải chịu khi anh sang Liên Xô chữa mắt. Lúc đó, lãnh đạo Thành phố rất hiểu và tạo điều kiện để anh được đi chữa trị. 15 ngày chữa ở Liên Xô, theo anh đó là những ngày trời đày. Anh phải mở mắt để người ta chích thuốc vào tròng mỗi ngày nhưng cũng không có kết quả. Khi quyết định ở lại Pháp, tôi cũng chỉ hy vọng ngày đón anh sang, anh sẽ tìm lại được ánh sáng như một người bình thường. Sang Pháp 2 năm, tôi đi hát cho nhà hàng của người Hoa và cộng tác với trung tâm Thúy Nga để có tiền gửi về lo cho các con đều đặn. Khi có tiền, tôi đón anh và các con sang.


*Những ngày ở Pháp, nuôi 3 con với…một chồng, chị đã xoay xở như thế nào?


-Vẫn như ngày ở Việt Nam thôi, vất vả thế nào tôi cũng chịu được. Tôi đưa anh đến một Viện mắt ở Pháp, câu trả lời vẫn là cả thế giới bó tay với căn bệnh của anh. Họ có nói với anh: “Ở đây, anh sẽ là một người tàn tật, anh sẽ được hưởng chế độ của một người tàn tật. Chúng tôi sẽ cho anh một con chó và một cái gậy, anh cứ yên tâm vui sống”. Nghe vậy anh không thể chịu được. Anh sốc vô cùng. Có thể, ở Pháp những người tàn tật nghe điều đó họ thấy hết sức bình thường nhưng người Việt mình không thể nghe quen. Còn tôi, càng sốc hơn khi bác sĩ nói rằng, bệnh này có thể di truyền và hàng năm phải đưa các con đi khám cho đến khi các cháu 18 tuổi mới thôi. Khi đó, đứa con nhỏ nhất của tôi mới 6 tuổi, có nghĩa là 12 năm tôi phải sống trong hoang mang về sự đe dọa bệnh tật đối với con mình. Đến khi cháu thứ ba tròn 18, tôi mới thực sự thở phào vì ơn trời Phật, cả ba đứa đều không mắc bệnh như anh Quốc.


*Và việc trở về Việt Nam là quyết định của anh Quốc?


-Khi biết mắt mình thực sự vô phương cứu chữa, anh nói anh chỉ ở lại 4 tháng. Những ngày đó anh không thể ra đường vì tôi phải đi làm, các con thì đi học. Anh luôn bị dày vò về việc ở lại Pháp, anh như một người vô dụng và thành gánh nặng cho tôi. Một hôm anh nói: “Anh về Việt Nam, có gia đình, bạn bè. Họ sẽ đến chở anh đi cà phê mỗi sáng và anh có thể đi làm. Ở đây, anh như một cục nợ của em, và anh không thể hòa nhập được với cuộc sống bên này”. Nghe tôi cũng chỉ biết khóc.

Nhưng trong thâm tâm tôi nghĩ, đó là sự lựa chọn đúng của anh vì tôi hiểu, có nhiều người Việt Nam được con cái bảo lãnh sang, cô đơn không chịu được vì con cái suốt này đi làm nên họ đã tự tử. Tôi sợ một ngày anh cũng vậy nên tôn trọng quyết định của anh. Anh về, còn tôi ở lại lo cho các con. Và khi về, anh đi làm ngay, vui sống với bạn bè. Điều đó làm tôi cảm thấy yên tâm rất nhiều. Chúng tôi vẫn thư từ qua lại kể từ ngày anh về Việt Nam.


*Việc chị đi bước nữa, anh có sốc lắm không?


-Câu hỏi này nên để anh Quốc trả lời nhưng tôi chỉ có thể nói được: tôi đi bước nữa sau anh Quốc. Anh về được một thời gian thì anh lập gia đình. Vợ anh quen với tôi từ trước và bây giờ, chúng tôi rất quý và thương nhau. Đây là những mối quan hệ bạn bè tốt đẹp chúng tôi giữ lại sau những đổ vỡ không ai muốn trong cuộc đời. Đến hôm nay tôi có thể nói, tôi sống với anh thế là vẹn nghĩa, không có gì để phải ân hận. Những gì hạnh phúc của một thời, chúng tôi sẽ giữ lại như một kỷ niệm đẹp để nhắc mình sống tốt hơn.


Giờ là lúc sống và hát cho mình


* Sau những buồn vui và lo toan, đến bây giờ chị có thể nói rằng đã đến lúc mình cất tiếng hát trở lại sau bao năm vắng bóng?


-Bôn ba rồi mới hiểu một ca sĩ Việt Nam không đâu hạnh phúc bằng hát cho khán giả quê nhà em à. Em biết không, hát ở Pháp hay ở Mỹ, cho 1000 người nghe chỉ cần 3 người yêu thích mình hát và hiểu những gì mình hát là tôi hạnh phúc lắm rồi. Còn ở Việt Nam, khán giả mình, yêu mình, đồng cảm với mình, thì còn hạnh phúc nào bằng? Tiếng hát sẽ luôn cô đơn nếu thiếu người thấu hiểu và chia sẻ.


Bây giờ, con trai lớn của tôi đã 33 tuổi, làm một kỹ sư máy tính, đã lập gia đình và ở riêng. Đứa thứ hai cũng đã có bạn gái. Con gái thứ ba đã đi làm và đứa út cũng đang học. Các con đều ngoan và thương mẹ, thế cũng cảm ơn ông trời đã ưu ái cho cuộc sống của tôi. Bây giờ, tôi có thể yên tâm đi hát, cầu xin trời cho mình giọng hát còn được lâu hơn để hát phục vụ khán thính giả.


*Nghe nói ở Pháp chị mở cửa hàng kem, bánh. Công việc bận bịu có dễ cho chị cất tiếng hát như chị mong muốn không?


-Đúng là bận thật vì tôi phải cùng ông xã lo lắng việc kinh doanh. Nhưng cửa hàng của tôi chủ yếu bán sỉ, giờ ông xã trông coi nên tôi cũng có điều kiện thời gian hơn để tham gia các show diễn nếu có lời mời.


*Nhiều người nhận xét rằng Họa Mi có giọng hát đẹp, sáng, sang trọng, sâu và bền. Nhưng luôn ẩn chứa bên trong là một nỗi buồn như chưa được giải thoát. Chị ơi, có phải vậy không?


-Vế đầu thì tôi không có ý kiến vì đó là nhận xét của khán giả, như một món quà cho nghệ sĩ. Nhưng vế sau, tôi nghĩ biết thế nào được. Khi hát, tôi đã tự giải thoát cho mình rồi. Những buồn khổ thì nên quên đi, nên giữ lại cái hạnh phúc dù nó thuộc về quá vãng để cho những gì tưởng như mất đi trong bài hát nó không thực sự mất mà nó luôn đẹp. Buồn cũng phải đẹp.


*Câu hỏi cuối, chị có một cuộc đời có nhiều biến động nhưng không hề có xì căng đan. Chị có cảm thấy hạnh phúc và điều đó?


-Lại một lần nữa cảm ơn trời và những khán tính giả đã yêu mến. Tôi thì nghĩ, mấu chốt ở tấm chân tình. Có sao, cứ sống vậy, yêu ghét đều phải chân thành để cho nhẹ nhàng trong cuộc sống. Tôi sống đơn giản, hết lòng, thành thật, không màu mè và không bao giờ ích kỷ. Tôi nghĩ, nếu em, hay bất kỳ ai khác sống vậy, trời sẽ không phụ đâu.


*Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện. Chúc chị luôn hạnh phúc!


Hoàng Nguyên Vũ (thực hiện)


Ca sĩ Họa Mi tên thật là Trương Thị Mỹ. Sinh năm 1955 tại Sài Gòn. Tốt nghiệp Khoa Thanh nhạc, Học viện âm nhạc Quốc gia năm 1974, nổi danh từ trước năm 1975 tại Sài Gòn với những ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Năm 1988, chị định cư tại Pháp cho đến nay.

Thứ Ba

VIẾT CHO MỘT NGÀY THƯỜNG

Ta vay tiền kiếp nào những đày ải này-những sự nhàm chán mặt người...
những nỗi buồn vô nghĩa
những niềm vui trêu ngươi...

Bỏ ra hàng giờ đồng hồ chỉ để ném mình vào những ồn ào cuộc nhậu, nói lảm nhảm về những người vắng mặt, đàm tiếu tục tĩu về đàn bà con gái, kể thành tích về bấy nhiêu ngày trải đời
Những gã trai tơ tập lớn ở cái tuổi ngoài ba mươi
Cố gắng làm sang, chịu khó lịch sự
Nhưng mặt tỉnh bơ khi trên ti-vi, miền Trung tin lũ lụt chết người...

Thành phố chật chội lô cốt. Bụi bặm bủa vây trên những gượng gạo tiếng cười
(Vì có văng tục chửi thề cũng chỉ là Chí Phèo thời hiện đại)
Bá Kiến ung dung xe hơi đi lại
Lề đã rách mà giấy vẫn vẽ vời...

Các chốn ăn chơi những em teen áo hồng, váy ngắn, đua đòi khoe những điện thoại máy tính đắt tiền. Còn những "quý bà" gắng gượng trả lời những câu hỏi về thành đạt như thể là... nói chơi
Bồ bịch, ngoại tình vẫn cứ dạn dày nói về hạnh phúc
"Công nghiệp ngoại" về làng, nông dân đổ xô bán đất
Thôn nữ, trai làng "hiện đại hóa" ăn chơi...

Rừng Vàng ở đâu, mẹ Âu Cơ cùng các con giờ "tạm trú" đâu rồi?
Những con Rồng họ Lạc sẽ ra sao khi biển Đông bị vẽ trong bản đồ Trung Quốc?
Lông ngỗng đó, những nẻo đường trắng muốt
"Đất nước đau buồn chưa hết Mỵ Châu ơi"*

Bốn ngàn năm bao vật đổi sao dời
Mắt hậu thế cũng là mắt bão...

(*) Ý thơ Hoàng Nhuận Cầm

Hoàng Nguyên Vũ

Thứ Hai

Em, con gái Hàng Đào…

Cuối cùng tôi cũng bấm điện thoại gọi cho em. 11 giờ 30, cú điện thoại này có thể làm chồng em nhảy dựng lên nhưng tôi vẫn gọi. Giọng Hà Nội nhè nhẹ: “Anh ra Hà Nội à? Tám năm, mới nhớ đến em phải không? Ở khách sạn nào vậy?” Tôi chưa hết ngạc nhiên sao em lại có được số máy của tôi, em tiếp tục: “Làng báo nhỏ thế, mà anh cũng lắm người quan tâm, em đâu ngoại lệ. Bây giờ lang thang phố cổ nhé? Ăn phở khuya, uống trà nóng, được chứ?”
Tôi thấy ngại. Đã cảm phiền em vào lúc đêm khuya, lại còn bắt tội em dẫn đi bù khú vào cái giờ này. Em vốn là con nhà gia giáo Hà Thành gốc, lại là gái đã có chồng, ai nỡ đồng ý dù em có đề nghị chứ. “Anh vẫn thế nhỉ? Bọn em chia tay rồi. Giờ em solo. Cũng có vài chuyện muốn nói với anh, đi nhé, OK? À, mà anh cứ mặc quần cộc, không cần phải đóng nguyên đai nguyên kiện như cậu thư sinh trong trường Đại học năm xưa đâu nhé”.
Em bước ra khỏi taxi. Váy trắng, tóc thả, em vẫn trẻ như cô sinh viên năm nào. Bao năm xa Hà Nội, tôi vẫn giữ cái hình ảnh em với đôi môi mọng đỏ cong gợi cảm, đôi mắt đen mở to, chiếc mũi thẳng và làn da trắng như tuyết. Tôi bạo miệng: “Là theo ý em đấy nhé. Anh ăn mặc nghiêm túc sẽ không biết chửi bậy. Còn mặc thế này gặp mấy hàng bún chửi cháo quát mà chửi anh, anh chửi lại là em mất mặt đấy”. Em bảo: “Ôi dào, em còn lạ gì anh. Cũng phải có những móng tay nhọn như anh thì mấy cái vỏ quýt dày kia mới được bóc ra, để Hà Nội lịch sự hơn chút ít chứ”
Em là con gái Hàng Đào, xứ sở giai nhân nổi tiếng của đất kinh kỳ. Cái con phố nhỏ mềm mại với những tơ lụa (giờ có thêm đồng hồ) hàng trăm năm qua đã lưu giữ những nhan sắc cho Hà Thành. Bà ngoại em nhan sắc một chín một mười với bà Kim Châu-vợ nhạc sĩ Hoàng Giác, mẹ nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, là hoa khôi Hà Nội thời tạm chiếm. Mẹ và các dì của em đều là những người khiến bao chàng trai đội mưa phùn hàng đêm chỉ để được ngắm dáng giai nhân qua cửa sổ. Chị gái em từng là một Á hậu trong cuộc thi Hoa hậu Toàn quốc. Nhưng đến lượt em, mỗi người khuyên đi thi thì em chối đây đẩy: “Nếu mà đẹp rồi việc gì phải đi thi nữa. Em tối kỵ nhất là phụ nữ đi so sắc đẹp với nhau. Mỗi người có một nét đẹp riêng, đấy chưa nói là đẹp với người này nhưng không hẳn là đẹp với người kia. Hoa hậu thì nên trong lòng những người thân, là đủ”
Chỉ ở góc độ mỹ nhân, cái con phố cổ kính kia cũng lắm biến chuyển. Nhan sắc thì còn đó, vẫn nhất nhất là mặt hoa da phấn, nhưng sự lựa chọn để thành những cuộc đời, những số phận, thì nhiều. Ngay cả trong nhà em thôi, mẹ em giữ cái nết na gái Hà Thành cũ, buôn bán và nội trợ, một đời tận tụy với chồng con. Bố em bay bướm thế, quyến rũ bao cô gái, mẹ em vẫn một mực chịu đựng vì nghĩ rằng cho bố yêu để bố có cảm hứng sáng tác nhạc. Cuối đời, ông bị tai biến, mẹ lại dịu dàng chăm sóc từng tách trà, thìa cháo cho bố.
Em vẫn nói, mẹ em là một điển hình của người phụ nữ Hà Nội cổ. Nhưng khi đứa bạn cùng lớp vác máy quay đến muốn làm một chương trình về bà cùng bà Nguyễn Thị Xuyên, vợ của cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thì bà chối đây đẩy với lý do khá đơn giản: “Cảm ơn cháu đã quý mến và có ý. Cô chú già rồi, lên hình xấu lắm”. Nghĩ có thể làm bà đổi ý nhưng lại uổng công cho ông bạn cùng lớp tôi. Cuối cùng chương trình của nó bị phá sản vì mỗi người đưa ra một lý do nhưng lý do cơ bản, những người phụ nữ Hà Thành gốc thường ít nói về những chuyện riêng tư của mình.
Chị gái em, thi hoa hậu xong thì thành một model nổi tiếng xứ Bắc sau đó chọn Nam Tiến để lập nghiệp và giờ lấy chồng nước ngoài, sống sung túc ở trời Tây. “Chị cũng cô đơn lắm. Tháng nào cũng gọi điện về nói em gửi lụa sang để chị may váy đầm”-em nói. Tuổi trẻ quấn bao áo quần đủ mốt, mặt lạnh như kem Tràng Tiền là vậy, khi yên bề gia thất rồi, chị gái em lại thèm soi gương nhìn hình ảnh mình trong bộ váy lụa kinh kỳ.
Em nói, chị gái em thích nhìn cái cổ người phụ nữ đã có chồng sau tấm áo lụa. Trắng, đẹp và quyến rũ một cách kỳ lạ. Cái cổ hây hây xuân thì muộn mằn đằng sau mái tóc búi cao, đủ đánh gục bao gã si tình, đủ làm những gã đàn ông tâm hồn gỗ đá cũng phải mềm nhũn như con chi chi giờ cũng dần mất đi trong cái thành phố của cái đẹp này. Những phụ nữ thời nay cứ sợ già, vội vàng đưa mái tóc mình ra hành hạ các kiểu: sấy xù, ép thẳng, cắt tém, tóm lại là làm đủ thứ để thể hiện lòng ghen tị với những nhan sắc sen hàm tiếu thiếu nữ đang nhu nhú lên khỏi nền mướt xanh tuổi thanh xuân. Chưa đã thì bơm ngực, căng mọng và tràn trề; bơm môi cho hai làn môi cứ ngày một dần xa nhau vô thời hạn. Rồi rũ bỏ nết na, gia phong nề nếp đến các vũ trường, nhìn giai trẻ sôn sốt như bổ cau…
Em gái em thì khác. Mới học lớp 11 đã bắt mẹ sắm Dylan mới chịu ngồi yên. Học dương cầm thì chối nguây nguẩy nói: “Con có sở thích của con chứ. Nhảy hip-hop ai hơi đâu ngồi chơi đàn này”. Tóc thì nay một màu, mai một màu. Áo hồng cánh sen, áo xanh cổ vịt, quần trắng suốt chả cần sự hiện diện của…nội y. Em muốn làm tấm gương cho em gái soi thì em gái cho rằng đó là gương cổ, “không phản chiếu trung thực thời đại”; dùng lời ngọt ngào để khuyên ngăn thì cô bé cứ lồng lên nói phụ nữ thời nay cần cá tính, hiền thục về quê mà ở; dùng lời nặng nề thì cô bé đòi bỏ đi khỏi nhà…
Mà cũng không ít phen cả nhà lao đao vì cô bé bỏ đi thật. Gọi điện thoại thấy xung quanh âm nhạc ầm ầm như cô bé còn ở trong một cái địa ngục. Những tiếng hây-ha và gõ leng keng của chai bia chát chúa trong điện thoại. Có lần em đã không nhịn được và tặng cô bé mấy bạt tai khi nhìn thấy cảnh cô bé nằm vạ vật cùng một bạn gái học cùng lớp bên cạnh hai cậu choai choai trong một quán nhậu dành cho tuổi teen. Cô bé ủ rũ về nhà, giả vờ ngồi chăm lo học tập được vài hôm, thấy vài cậu trai ngấp ngó bên kia đường lại vội vàng thay đổi màu tóc thót ra đường…
Một hôm tình cờ lạc vào thế giới Blog em mới hay em gái em là một hot girl, ăn chơi sành điệu đâu có kém gì ai trên đời, văng tục chửi bậy cũng chẳng mấy ai chịu nổi. Cô bé có vẻ hả hê khi dư luận cả nước tức lộn ruột lên việc mấy đứa bạn cùng trang cùng lứa vẽ bậy lên hầm Kim Liên khi ngày đầu hầm thông xe. Khi đọc dòng phê phán trên báo về trai thanh gái lịch Hà Thành không còn thanh lịch, cô bé giật câu blast: “Thanh lịch, haizz, ngồi đến chết già đúng hem?”
Em thuộc dạng lưng chừng giữa mới và cũ như em tự nhận. Cũ ở chỗ vẫn “cổ lỗ” như mẹ, vẫn yêu cái cổ kiêu ba ngấn Hà Thành sau tấm áo lụa của chị. Nhưng mới ở chỗ dám…bỏ chồng. Chồng em cũng con nhà gia giáo ở phố Hàng Bông, là một học sinh ngoan được rèn giũa theo nề nếp gia phong, hơn em hai tuổi. Anh ta là một kỹ sư công nghệ thông tin, tiếp xúc nhiều với môi trường văn minh hiện đại nhưng trong gia đình lại rất phong kiến. Mọi ý kiến anh đưa ra phải là tuyệt đối. Về nhà ông chú ăn cơm, em sẽ ghi được điểm trong mắt anh ta nếu em đi nấu ăn cho bà thím đồng thời phải rửa sạch sẽ đống bát đũa mà cả tông ti họ hàng vừa mới chè chén hả hê xong. Mỗi sáng thưc dậy, bình nước nóng trong nhà tắm phải đủ nóng để anh…đánh răng; thức ăn đã được bày ra sẵn và quần áo, cà vạt đã phải phẳng phiu treo trong tủ.
Những chuyện đó dĩ nhiên em chịu đựng được vì ngay cả cuộc đời mẹ em cũng vùi mình vào những việc đó lo cho chồng cho con. Nhưng thời gian kéo theo nhiều thay đổi khác. Người đàn ông em lấy làm chồng đã xem cặp bồ như là mốt, uống bia lúc nào cũng phải vài em xinh tươi lau miệng. Đêm về, điện thoại rung bần bật bởi những tin nhắn hẹn ghé nhà hàng và đi câu cá vào cuối tuần cùng một cô gái xa lắc xa lơ nào đó. Em nhìn thẳng vào mắt anh ta: “Anh coi tôi còn không bằng mấy con vớ vẩn. Thôi, tôi đã quyết!”
Em mang mấy chiếc va li áo quần về ôm lấy mẹ mà khóc. Nhưng chẳng có nước mắt nào nhẹ bằng tự mình đứng dậy sau những đổ vỡ. Em lao vào công việc, tìm thấy những tình yêu với cuộc sống trong các bài viết của mình. Tôi cũng thật bất ngờ mỗi lần search tên em trên Google, đọc những bài em viết về trẻ nhiễm HIV, về những thân phận phụ nữ bị lừa bán, về những lớp học vùng cao. Mỗi bài viết, em đều đi đến tận nơi, tiếp xúc tường tận, về thể hiện với một văn phong ấm cúng. Em nói, tư liệu em khai thác được bao giờ cũng dư thừa, chẳng bao giờ phải bịa hay phóng bút ngoa ngôn như mấy tay viết phóng sự nổ tung trời ở đất Bắc.
“Anh chẳng chịu già đi. Còn em thì sắp đến cái tuổi búi tóc, mặc váy lụa và soi mình trong gương rồi nhỉ?”-em đùa. “Nếu anh cứ như bây giờ, đừng thư sinh một cách thái quá như ngày xưa, biết đâu ta đã thuộc về nhau? Em cũng không phải gặp bao lênh đênh còn anh cũng chẳng phải bỏ Hà Nội mà đi, anh nhỉ. Nhưng là số phận rồi”
Tôi nắm chặt bàn tay em. Đêm mùa hạ, Hà Nội oi bức. Tôi muốn nói rằng xa Hà Nội nhưng tôi vẫn không quên được hình bóng ấy. Tôi cũng muốn nói cậu sinh viên tỉnh lẻ năm xưa không dám mơ con gái Hà Thành. Vậy bây giờ thì sao nhỉ? Tôi nói gì bây giờ nhỉ?
Đêm chợt trắng như da em. Em, con gái Hàng Đào…

Thứ Bảy

CÒN DUYÊN...

Cuối tuần. Loanh quanh vài nhà sách, tôi cũng kiếm được mấy CDs Quan họ (Những CDs này từng có hồi ở Hà Nội nhưng đã không mang vào SG dù có người gợi ý mang đi khi rời xa miền Bắc). Sau hai năm quen dần với giọng nói, không gian miền Nam, và cùng những ngày vùi đầu với ngoại ngữ, đĩa Quan họ tự dưng làm tôi giật mình. Nghe một lần. Nghe nhiều lần. Nghe trước khi đi ngủ. Nghe giữa giờ trưa. Vẫn thế thôi, lời hát đã quen, giai điệu đã thuộc, mà sao như thể lâu lắm rồi mình ngủ, nay được đánh thức...

Một không gian miền Bắc trải dài trước mặt. Tường gạch đỏ chỗ lồi chỗ lõm trơ ra. Mái ngói nâu không đồng đều nghiêng nghiêng dốc thời gian. Và những cánh áo nâu cũ kỹ của những cụ bà áo nâu, khăn mỏ quạ. Tôi biết, những hình ảnh này đang mất đi. Những cánh áo sẽ theo các cụ về đất hết trong tương lai gần. Những tường gạch, mái ngói nâu sẽ thay bằng đủ thứ tường, ngói khác theo kiểu kiến trúc mà chắc hẳn sẽ không ai biết đó là kiểu gì...Tôi thấy nhói trong tim mình một cơn như tay ai đó bóp nhẹ mà buốt. Hình như ai đó đang lấy đi của mình một cái gì đó mà mình không đủ sức níu giữ...

Dù chỉ là "đất ở" thôi, nhưng không gian đó từ bao giờ đã thuộc về mình đúng nghĩa từ "sở hữu". Cái không gian mà người bạn tri âm hiểu được mình rất cần từ ánh mắt, nên mỗi chuyến đi dã ngoại cậu thường rủ mình tới đó. Quan họ ra đời từ đó và sống ở đó. Đình chùa miếu mạo quần tụ lại cũng từ nó. Làn khói hương cũng tạo cảm giác linh thiêng hơn từ đó. Giọt mưa xuân cũng đầy sức sống hơn từ đó. Đến cả lối đi, thơ hơn cũng từ đó...

Có ai nghĩ đến việc làm một điều gì đó cho không gian văn hóa Kinh Bắc không nhỉ? Mà rằng nghĩ cũng chỉ để mà nghĩ thôi, mất còn là lẽ tự nhiên, nhưng mất sớm hay mất muộn lại do ý thức con người. Không gian văn hóa cũng có sự đấu tranh sinh tồn của nó. Nhiều khi, chết đi để mãi giữ một hình hài đẹp cho hậu thế hoài cổ, hơn là tồn tại với một hình hài què quặt và vụng về...

Một người bạn Mỹ nghe đĩa Quan họ, bắt tôi lý giải từng chữ. Cậu ta ngạc nhiên về những ca từ lạ nhưng lại đắm mê giai điệu. Khi cậu xem DVD, cậu mới ngạc nhiên thốt lên: "Một không gian mê hoặc". Cậu bắt bằng mọi giá phải đưa cậu mục sở thị trong mùa Xuân tới...Tôi biết, rồi tôi sẽ phải giải thích với cậu nhiều về những thứ sẽ khác với cậu tưởng tượng, và khác với những gì tưởng như yên bề trong tâm thức của tôi...

Như thể còn ở đó những buổi trưa mùa hạ ngồi góc chùa nghe vẳng quan họ qua radio. Như thể còn ở đó những mùa Xuân xem quan họ còn duyên.

Bây giờ, thấy liền anh liền chị "hàng thật" cứ khoe duyên nhiều nhưng thấy chẳng mấy còn duyên nữa. Vì đơn gian không gian sống của cái duyên ấy đang từ từ trôi như sóng...

Tôi cũng thấy lòng mình là sóng, dù sóng nhẹ...